Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Bỏ cấp trung gian, khai mở không gian phát triển mới
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng sắp xếp bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh là phù hợp với xu thế, giúp mở ra không gian phát triển mới, rộng lớn hơn.
Đặc biệt, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã, phường) sẽ giúp môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều so với việc phải qua thêm cấp trung gian - cấp huyện.
Nhiều địa phương không đủ tiêu chí
Sau nhiều lần thực hiện sáp nhập, chia tách, hiện cả nước có 63 tỉnh, thành phố (57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế).
Về cấp huyện, tính đến tháng 6/2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 705 đơn vị hành chính cấp huyện (523 huyện, 46 quận, 51 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

Bắc Ninh là một trong những tỉnh không đủ tiêu chuẩn về diện tích theo Nghị quyết của Quốc hội
Về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, năm 2016, Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1211, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27 năm 2022 quy định: tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn dân số từ 900.000 người và diện tích từ 8.000 km2 trở lên; các tỉnh còn lại dân số từ 1.400.000 người và diện tích từ 5.000 km2 trở lên.
Nghị quyết cũng quy định, cấp tỉnh phải có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thành phố hoặc 1 thị xã.
Năm 2022, tại Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đã đặt ra yêu cầu “nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương”.

Tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương không đáp ứng tiêu chuẩn về dân số theo Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: Như Ý
Trao đổi với báo chí về định hướng sáp nhập tỉnh, thành ở thời điểm đó, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Trung ương mới yêu cầu “nghiên cứu thí điểm”, nên phải có đề án nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoạch đơn vị hành chính các cấp, phù hợp với quy hoạch đô thị, nông thôn và phải có đủ căn cứ chính trị, pháp lý và cả thực tiễn.
Đại diện Bộ Nội vụ cũng khẳng định “chưa có đề xuất cụ thể sắp xếp tỉnh, thành nào với tỉnh, thành nào mà phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, trình cấp có thẩm quyền”.
Tạo không gian phát triển mới
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được thực hiện nhiều lần.
“Trước đây, chúng ta có rất nhiều tỉnh, thành phố với diện tích rất rộng lớn như: tỉnh Bắc Thái gồm 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; tỉnh Bình Trị Thiên gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; tỉnh Hà Nam Ninh gồm Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam…
Do điều kiện đi lại khó khăn, công nghệ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu trong quản lý nên sau đó, cấp có thẩm quyền đã quyết định chia nhỏ địa giới hành chính cấp tỉnh, thành để thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành”, ông Dĩnh nói.
Tuy nhiên, trước sự phát triển như hiện nay, theo ông Dĩnh, đã đến lúc cần nghiên cứu sắp xếp bỏ cấp huyện và định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong cũng cho rằng, việc nghiên cứu bỏ cấp huyện và sáp nhập các tỉnh, thành lại với nhau là phù hợp với mô hình phát triển trên thế giới. Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới chủ yếu tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp gồm: cấp tỉnh và cấp xã. Còn chính quyền trung gian ở giữa (cấp huyện) do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện. “Đây chính là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại hiện nay”, ông Đường nhận định.

GS Trần Ngọc Đường
Về việc sáp nhập tỉnh, ông Đường cho biết, Hiến pháp không quy định cứng “Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố” nên việc sáp nhập không có vướng mắc. “Sáp nhập một số tỉnh, thành có diện tích và dân số nhỏ cũng là phù hợp, giúp liên kết tốt hơn, khai mở thêm các động lực mới cho sự phát triển. Chia tách đơn vị hành chính cấp tỉnh mà nhỏ quá, có khi lại cạnh tranh, triệt tiêu đi sự phát triển”, ông Đường nói.
Theo ông, việc sáp nhập một số tỉnh, thành phố không đáp ứng yêu cầu về tiêu chí, tiêu chuẩn chính là cách để khắc phục những bất cập, từ đó mở ra các động lực, không gian phát triển mới mạnh mẽ hơn cho các địa phương và cả nước.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê, tốp 10 tỉnh, thành phố không đạt tiêu chí về dân số là: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang. Về diện tích tự nhiên, 10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thái Bình, Nam Định. Tuy nhiên, theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn đơn vị hành chính còn tính đến các yếu tố đặc thù khác.
Theo quy định hiện nay, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó chủ yếu dựa vào quy mô về dân số và diện tích...
Tuy nhiên, ông Đường lưu ý, khi nghiên cứu việc sáp nhập, cần phải tính đến sự phù hợp, đồng thuận trong nhân dân.
“Nếu không có tiêu chí mà cứ sáp nhập theo ý muốn chủ quan sẽ không được, thậm chí có nguy cơ tạo ra những vùng lủng củng, phát triển không hợp lý”, ông Đường nói.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu sáp nhập các tỉnh, thành lại với nhau là phù hợp.
Thực tế, thời gian qua, việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhận được sự đồng thuận rất cao trong nhân dân, bước đầu giúp giảm đầu mối, hướng đến hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, việc bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh là vấn đề “rất lớn”, để tránh “bất cập” có thể xảy ra, ông Túc cho rằng, cần tham khảo hoặc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về định hướng phương án sáp nhập các tỉnh, thành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng.
Bỏ cấp trung gian
Về việc bỏ cấp huyện, theo ông Đường, từ trước đến nay, chính quyền địa phương vẫn được tổ chức theo mô hình 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Nhưng khi nói đến cấp huyện, nhiều ý kiến cho rằng đó là cấp trung gian, có thể nghiên cứu bỏ. Lý do được ông Đường nêu ra là khi bỏ cấp huyện sẽ tạo ra không gian tương đối rộng hơn để phát triển kinh tế, xã hội, không bị bó hẹp trong phạm vi của một quận, một huyện. Đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút triển khai các dự án có tính liên kết vùng cũng như thu được nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển lớn.
“Đó là một lợi thế rất lớn trong điều kiện phát triển kinh tế hội nhập ngày càng rộng lớn, không bị rào cản bởi ranh giới, lãnh thổ của huyện, quận”, ông Đường nói.
Ngoài ra, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bỏ cấp huyện sẽ giúp tinh giản bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, từ đó tăng ngân sách chi cho đầu tư phát triển. Thêm vào đó, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển, việc quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến thẳng cấp cơ sở (cấp xã, phường) sẽ giúp môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn rất nhiều so với việc phải trải qua thêm cấp trung gian - cấp huyện.
Tuy nhiên, theo ông Đường, việc bỏ cấp huyện bước đầu cũng có thể gặp một số cản trở do nhận thức chưa đầy đủ, dẫn đến nghi ngại, lo lắng về tính hiệu quả trong quản lý nhà nước khi cấp trên và cấp dưới xa nhau. Do vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục tạo nhận thức thống nhất, thông suốt.
Về thời điểm thực hiện, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây thời điểm chín muồi để nghiên cứu, còn thực hiện thì phải tính toán, bởi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện là vấn đề phức tạp, phải làm bài bản, chuẩn bị công phu, cộng với quyết tâm rất lớn.