Sáp nhập, tinh gọn bộ máy ngành Giáo dục
Thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang xây dựng kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2022-2026, mạng lưới cơ sở GD công lập trên địa bàn tỉnh sẽ giảm 61 đơn vị.Tập trung tinh gọn đầu mối
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT công lập thực hiện theo nguyên tắc: Đối với cấp mầm non, tiểu học và THCS công lập, mỗi địa bàn cấp xã chỉ tổ chức 1 trường và các điểm trường trực thuộc (nếu có) cho mỗi cấp học. Chỉ những địa bàn có số lượng lớp/trường vượt quá định mức tối đa hoặc nếu sáp nhập sẽ vượt quá định mức thì cho phép tổ chức 2 trường trở lên; việc duy trì các trường học phải đảm bảo số lớp tối thiểu theo quy định. Bên cạnh đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư phải đảm bảo phù hợp, tạo tâm lý ổn định, yên tâm công tác.
Dự kiến năm học 2024-2025, Trường Mầm non Vĩnh Hải và Mầm non Hướng Dương (TP. Nha Trang) sẽ được sáp nhập. Trong ảnh: Hoạt động ngoại khóa của các bé Trường Mầm non Hướng Dương.
Theo thống kê, toàn ngành GD-ĐT tỉnh có 490 cơ sở GD công lập. Cụ thể, có 33 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT; 457 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, chưa có đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 1 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; 21 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 468 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát mạng lưới trường, điểm trường phù hợp, khả thi theo hướng tập trung tinh gọn đầu mối, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tránh gây xáo trộn. Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp tập trung cơ cấu lại các trường có quy mô nhỏ, điểm trường nhỏ lẻ, phân tán. Bên cạnh đó, xây dựng phương án bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đảm bảo định mức, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm của từng loại hình trường theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các địa phương thực hiện nhiệm vụ khảo sát, đánh giá
Mới đây, Sở GD-ĐT đã hoàn thành việc hợp nhất Trường Bổ túc Trung học Nha Trang 2, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Khánh Hòa và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp Nha Trang thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang. Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, sẽ sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; thành lập Trường THCS và THPT Tô Hiến Thành trên cơ sở sáp nhập Trường THCS Tô Hiến Thành và Dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa); thành lập Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh trên cơ sở sáp nhập Trường THCS Lương Thế Vinh và Dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT Bắc Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh); thành lập Trường THCS và THPT Tây Bắc Diên Khánh trên cơ sở sáp nhập Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh và Dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT Tây Bắc Diên Khánh (huyện Diên Khánh); thành lập Trường THPT Nam Cam Ranh (TP. Cam Ranh). Đến năm học 2025-2026, sẽ thành lập Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân trên cơ sở sáp nhập Trường THCS Nguyễn Viết Xuân và Dự án Đầu tư xây dựng Trường THPT Vĩnh Lương (TP. Nha Trang).
Như vậy, đến năm học 2025-2026, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD-ĐT sẽ giảm 2 trung tâm cấp tỉnh, tăng 1 trường THPT, 4 trường liên cấp THCS và THPT; tổng số đơn vị sau khi sắp xếp là 37 đơn vị. Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện, sau khi thực hiện sắp xếp sẽ giảm 64 đơn vị.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ khảo sát hệ thống trường, điểm trường, xác định khoảng cách, điều kiện đến trường, điều kiện đất đai, cơ sở vật chất tại các điểm trường để xác định các điểm trường trung tâm, điểm dự kiến dồn ghép đến, phương án sử dụng các điểm không còn tổ chức các hoạt động GD. Đồng thời, điều tra quy mô lớp, học sinh, xu hướng phát triển số lượng trẻ, đối chiếu với quy định về số học sinh, số trẻ trên lớp; định mức giáo viên để tính toán phương án sắp xếp mạng lưới, chuyển đổi mô hình trường phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, phải đánh giá tác động của việc đưa đón học sinh; phương án sử dụng cơ sở vật chất, đất đai, điểm trường dừng hoạt động; phương án xử lý giáo viên, nhân viên dôi dư do sắp xếp, tinh gọn bộ máy…
Giai đoạn 2022-2026, các đơn vị sự nghiệp GD công lập trực thuộc UBND cấp huyện dự kiến sắp xếp lại như sau: TP. Nha Trang giảm 11 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 7 trường THCS; tăng 5 trường tiểu học - THCS. TP. Cam Ranh giảm 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường THCS. Huyện Cam Lâm giảm 2 trường mầm non và 4 trường tiểu học. Huyện Diên Khánh giảm 5 trường tiểu học, 1 trường THCS; tăng 1 trường tiểu học -THCS. Thị xã Ninh Hòa giảm 2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường tiểu học - THCS, 2 trường THCS; tăng 1 trường tiểu học - THCS. Huyện Vạn Ninh giảm 11 trường tiểu học, 2 trường THCS; tăng 1 trường tiểu học - THCS. Huyện Khánh Vĩnh giảm 2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường THCS; tăng 2 trường tiểu học -THCS. Huyện Khánh Sơn giảm 1 trường mầm non.
H.NGÂN