Sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẽ xuất hiện 'siêu đô thị' xứng tầm châu Á

Việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo ra một 'đô thị đặc biệt' mở rộng của phía Nam, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của TP.HCM.

Trung tâm logistics và công nghiệp hàng đầu

Trả lời Báo Điện tử VTC News, chuyên gia kinh tế Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng việc sáp nhập TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương thành siêu đô thị đang thu hút sự chú ý lớn, bởi thành phố mới sẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế, cũng như thách thức có thể mang lại.

Theo đó, sau sáp nhập, GRDP của TP.HCM có thể lên tới 2.707.805 tỷ đồng (hơn 100 tỷ USD).

Đồng thời, các lợi thế phát triển có thể kể đến như hệ thống cảng biển hiện đại của Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, cùng mạng lưới khu công nghiệp phát triển ở Bình Dương. TP.HCM mở rộng có thể trở thành trung tâm logistics và kinh tế hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho siêu đô thị TP.HCM. (Ảnh: L. Ý)

Sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho siêu đô thị TP.HCM. (Ảnh: L. Ý)

Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng với các bãi biển đẹp, khi kết hợp với TP.HCM sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch liên vùng, thu hút du khách quốc tế và nội địa.

TP.HCM và Bình Dương đang đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các tuyến đường cao tốc và giao thông công cộng như Quốc lộ 13, hệ thống đường sắt đô thị, sẽ giúp kết nối hiệu quả giữa các khu vực công nghiệp, dân cư và cảng biển, tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo ông Thắng, dễ thấy các ngành được hưởng lợi lớn nhất khi không gian TP.HCM mới hình thành, là logistics và vận tải.

Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, một trong những cảng biển lớn nhất khu vực, sẽ tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa quốc tế. Cùng với các tuyến đường cao tốc và hệ thống giao thông liên vùng được đầu tư nâng cấp, sẽ kết nối hiệu quả giữa các khu công nghiệp, khu chế xuất và cảng biển.

"Hạ tầng đồng bộ tối ưu hóa chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, các doanh nghiệp logistics sẽ mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là điều kiện đưa TP.HCM trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa khu vực và quốc tế", ông Thắng nói.

Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn nổi tiếng là thế mạnh của 2 trung tâm lớn TP.HCM và Bình Dương. Việc sáp nhập sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô và tiếp cận nguồn lực tốt hơn.

Tài chính và công nghệ vốn là thế mạnh của TP.HCM, việc sáp nhập sẽ tăng cường khả năng thu hút đầu tư và phát triển các dịch vụ tài chính, công nghệ cao.

Lợi thế trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của Bình Dương hiện tại sẽ là điểm đến thu hút nhà đầu tư, vốn và lao động cho TP.HCM sau sáp nhập. (Ảnh: H. Linh)

Lợi thế trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo của Bình Dương hiện tại sẽ là điểm đến thu hút nhà đầu tư, vốn và lao động cho TP.HCM sau sáp nhập. (Ảnh: H. Linh)

Song song đó, việc mở rộng đô thị sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là các khu vực ven đô và gần các khu công nghiệp. Ông Thắng cho rằng bất động sản cũng sẽ hưởng lợi và bùng nổ trong thời gian tới.

Tổ chức lại các cực tăng trưởng

Chuyên gia quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nhấn mạnh TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được sáp nhập sẽ có nhiều yếu tố mới, gồm cả thử thách và cơ hội.

Sau sáp nhập, TP.HCM sẽ có 2 hạ tầng trọng điểm quy mô lớn nhất, gồm cảng biển lớn nhất là Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu và ga xe lửa lớn nhất Việt Nam là ga Sóng Thần tại Bình Dương.

TP.HCM kết hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu thì khu đô thị biển Cần Giờ có thể kết nối với Vũng Tàu thành chuỗi đô thị sinh thái và du lịch biển.

TP.HCM cũng sẽ thuận lợi để phát triển đô thị liên kết với các hạ tầng trọng điểm của vùng, gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt nối với sân bay quốc tế Long Thành. Đáng chú ý, diện tích TP.HCM sau sáp nhập sẽ tăng hơn gấp ba, nhưng dân số chỉ tăng khoảng gấp rưỡi, như vậy quỹ đất phát triển gia tăng mạnh mẽ.

Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) là 1 trong 11 cảng container tốt nhất thế giới.

Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) là 1 trong 11 cảng container tốt nhất thế giới.

Tương tự, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn Anh, sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM là lựa chọn đặt trong tổng thể chiến lược quốc gia về nâng cao hiệu quả quản trị và tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Từ lâu nay, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu có mối liên kết chặt chẽ. Nhưng sự phân tán về hành chính khiến cả 3 địa phương không thể vận hành trơn tru như một hệ thống đô thị thống nhất; các dự án hạ tầng giao thông liên tỉnh thường bị chia cắt, thiếu đầu mối điều phối.

Ông Tuấn Anh cho rằng, sáp nhập không chỉ là bài toán kỹ thuật mà là một lựa chọn chính trị - kinh tế có tính chiến lược quốc gia. Việc sáp nhập sẽ giúp tổ chức lại các cực tăng trưởng, hợp nhất thể chế, cân bằng giữa phát triển đô thị - công nghiệp - nông thôn và vùng biển.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các mô hình quốc tế, chọn lọc tinh hoa để xây dựng thể chế vùng hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.

Chuẩn bị đón đô thị đặc biệt

Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đang đầu tư phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Bộ, đang chuẩn bị nguồn lực để đón siêu đô thị đặc biệt TP.HCM sau mở rộng.

Biểu đồ thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người của ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024.

Biểu đồ thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người của ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đánh giá nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM thì sẽ tạo ra sự phát triển “bùng nổ”, tạo động lực phát triển rất lớn cho khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Việc sáp nhập sẽ cộng hưởng các lợi thế, ưu điểm của các địa phương.

“TP.HCM nối liền với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu là điều quá tuyệt vời. Bình Dương là đô thị thông minh toàn cầu, còn Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vận chuyển hàng hải quốc tế, và nay lại có thêm Cần Giờ nữa thì sẽ cộng hưởng sức mạnh ghê gớm”, ông Trần Đình Thiên nói.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin, cho rằng TP.HCM mở rộng không gian phát triển với 2 địa phương công nghiệp, dịch vụ đặc biệt là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là lợi thế rất lớn, mang lại lợi ích lớn cho nhiều ngành kinh tế và doanh nghiệp đã sẵn sàng chờ đón siêu đô thị này.

Ông nói việc sáp nhập tỉnh, mở rộng địa giới hành chính là hết sức cần thiết. Như Secoin hiện có 9 nhà máy tại 8 tỉnh thành cả nước, trong đó có 6 nhà máy tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Trước đây, khi đầu tư một nhà máy ở một tỉnh thành khác thì doanh nghiệp phải thành lập doanh nghiệp mới, đóng thuế ở địa phương đó.

"Bây giờ, nếu địa giới hành chính TP.HCM mở rộng bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu thì 3 nhà máy ở Bình Dương, 2 nhà máy ở TP.HCM và 1 nhà máy ở Bà Rịa - Vũng Tàu của chúng tôi coi như về 'một nhà'. Chúng tôi chỉ thành lập một doanh nghiệp thôi, nộp thuế ở một cơ quan thuế chứ không phải nộp thuế tại 3 nơi như trước", ông Kỳ nói.

Hệ thống giao thông đô thị đặc biệt kết nối các vùng đang được TP.HCM đẩy mạnh đầu tư. (Ảnh minh họa: Lương Ý)

Hệ thống giao thông đô thị đặc biệt kết nối các vùng đang được TP.HCM đẩy mạnh đầu tư. (Ảnh minh họa: Lương Ý)

Không chỉ vậy, khi doanh nghiệp mở rộng nhà máy, mở rộng địa bàn sản xuất hay các vấn đề về thị trường thì các rào cản về địa phương sẽ kéo giảm rất nhiều. Ví dụ trước đây ở TP.HCM, doanh nghiệp làm theo một quy định, sang Bà Rịa - Vũng Tàu lại gặp rào cản khác về thủ tục, các quy định về hàng hóa, nguyên liệu cũng khác.

"Hay quy định vật liệu tái chế không được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác mà chúng tôi sản xuất vật liệu không nung, rất nhiều thủ tục khi nhà máy sản xuất ở nhiều tỉnh thành. Bây giờ trở về một mối thì các thủ tục hành chính sẽ hết sức thuận lợi", ông Kỳ nói thêm.

Ông Trần Quang Thắng cho rằng có rất nhiều lợi thế, cơ hội của TP.HCM sau sáp nhập mà doanh nghiệp có thể tận dụng mở rộng thị trường. Trong đó đặc biệt quan trọng là tiếp cận nguồn lực đầu tư và khách hàng mới cùng và hạ tầng logistics phát triển để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh; mạng lưới kết nối mới cũng là lợi thế để mở rộng kinh doanh.

Tất nhiên, ở một không gian rộng lớn mới, cạnh tranh sẽ gia tăng, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi phải đối mặt với các doanh nghiệp lớn hơn. Chi phí vận hành có thể tăng do giá bất động sản và dịch vụ sẽ tăng cao. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tăng cường năng lực sản xuất và quản lý, chuẩn bị nguồn lực đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong môi trường cạnh tranh mới.

Do vậy, cần có chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong bối cảnh mới sau sáp nhập.

Hoàn thành sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước 15/9

Việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra một "đô thị đặc biệt" mở rộng của phía Nam, tạo nên một không gian phát triển quy mô lớn chưa từng có. Hiện TP.HCM có diện tích hơn 2.095 km2, dân số khoảng 10 triệu người, được phân loại đô thị đặc biệt.

Bình Dương có diện tích 2.694,70km2, với dân số hơn 2,4 triệu người, còn Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 1.980,80km2, dân số gần 1,5 triệu người.

TP.HCM mới sau sắp xếp, sáp nhập sẽ có diện tích 6.772,65 km2, dân số hơn 13,7 triệu người với 168 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Thông tin tại Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI ngày 15/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những buổi làm việc bước đầu, để bàn về việc sáp nhập. Một cuộc họp toàn thể giữa 3 tỉnh, thành sẽ được tổ chức, để thống nhất các phương án cuối cùng, bảo đảm hoàn thành đi vào hoạt động trước ngày 15/9.

Theo ông Nên, địa phương đã chủ động chuẩn bị cho quá trình này, từ công tác tổ chức bộ máy đến mô hình chính quyền hai cấp.

Hà Linh - Đại Việt

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sap-nhap-tp-hcm-binh-duong-ba-ria-vung-tau-se-xuat-hien-sieu-do-thi-xung-tam-chau-a-ar937144.html