Sáp nhập trường đại học cao đẳng là phương án bất đắc dĩ, nhiều hệ lụy
Trước thực trạng tuyển sinh èo uột, hàng loạt trường đại học, cao đẳng đứng trước kế hoạch sáp nhập. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là bước đi bất đắc dĩ.
Tình hình tuyển sinh của trường đại học Quảng Nam vài năm qua không thực sự tốt, nên vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi làm việc với đại học Đà Nẵng về đề án chuyển trường đại học Quảng Nam trở thành thành viên của đại học Đà Nẵng vào năm 2023. Tuy nhiên, việc sáp nhập của trường vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc. Từ đó, dấy lên nhiều băn khoăn về câu chuyện sáp nhập trường đại học, cao đẳng, liệu có có thực sự nên trở thành xu hướng hay chỉ là phương án bất đắc dĩ?
Nhiều hệ lụy kéo theo
Trước vấn đề này, GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT - nhận định: “Tôi cho rằng, việc sáp nhập, giải thể các trường đại học, cao đẳng chỉ là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ. Bởi lẽ, tổng số trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất ít so với dân số.
Thực tế có nhiều trường gặp khó khăn, hoạt động kém hiệu quả thậm chí chuyện duy trì, đảm bảo chất lượng cũng kém. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp đáng khuyến khích.
Trước hết, phải xem lại tất cả chủ trương, chính sách của nhà nước xem các trường này còn vướng mắc ở đâu, để tạo điều kiện giúp đỡ, nếu đang trên đà thuận lợi cho các trường mạnh thì cần làm gì để các trường yếu vươn lên.
Về phía Nhà nước, nên xem xét coi các trường khó khăn do đâu và tạo điều kiện cho các trường có thể vượt qua khó khăn đó. Đó là giải pháp ưu tiên. Trong trường hợp, sau tất cả những sự cố gắng đó, các trường này vẫn không thể vượt qua được thì nếu là trường ngoài công lập thì phải tự tìm con đường riêng để tồn tại và phát triển. Còn các trường công lập thì phải tính toán, hoặc là sáp nhập, hoặc là thay đổi sứ mệnh”.
GS.TS Trần Hồng Quân phân tích thêm: “Hiện nay, có nhiều nơi, quyết định việc sáp nhập, giải thể các trường đại học, cao đẳng hơi dễ dàng, tôi cho rằng điều đó không được hợp lý và có phần hơi vội vàng. Đáng lẽ, phải thử hết mọi khả năng để vực dậy là tốt nhất, chứ không phải cứ thấy các trường yếu thì ngay lập tức sáp nhập hoặc giải thể.
Việc sáp nhập và giải thể các trường đại học, cao đẳng cũng có rất nhiều hệ lụy, liên quan đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, liên quan đến sinh viên…, nhiều hệ quả tiếp theo phải giải quyết”.
Cần cân nhắc năng lực, sứ mệnh và tình huống
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) - cũng cho rằng: “Chuyện giải thể, sáp nhập hay nâng cao năng lực các trường đại học, cao đẳng từ trường kém để cải tạo nâng cao năng lực tất cả đều diễn ra trong hệ thống giáo dục đại học thế giới. Tuy nhiên, nâng cao năng lực, sáp nhập hay giải thể phải phụ thuộc vào năng lực, sứ mệnh và tình huống cụ thể.
Chẳng hạn, một trường đào tạo nhân lực ngành đặc thù, không thể thiếu trong xã hội. Nếu trường đó có hơi yếu thì cũng không thể giải thể được. Yếu thì phải nâng cao năng lực: cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên. Trường hợp trường đó nguồn nhân lực có nhiều trường đào tạo thì những trường không đảm bảo chất lượng, pihải giả tán chứ không thể cứ nuôi một trường duy trì tốn kém mà chất lượng ko đảm bảo.
Bên cạnh đó, nếu trường hoạt động chưa hiệu quả lắm, có thể quy mô nhỏ, thì có thể sáp nhập vào các trường khác, để nâng cao quy mô của trường đó lên, hay trường có chất lượng đội ngũ giảng viên yếu thì sáp nhập vào trường lớn hơn, để trường lớn hơn nâng được cho trường nhỏ”.
“Tuy nhiên, cần lưu ý, khi sáp nhập các trường lại với nhau, phải có chung sứ mệnh, nếu không, sẽ tạo ra những chuyện rắc rối.
Hiện nay, rộ lên trường đại học địa phương có xu hướng sáp nhập một số trường đại học địa phương trở thành phân hiệu của trường đại học quốc gia, đại học vùng. Ta có thể thấy, các đại học quốc gia, đại học vùng có năng lực tốt hơn, nổi trội hơn, khi sáp nhập vào để cải thiện, chất lượng giảng viên ở các trường đại học địa phương đương nhiên yếu hơn cho với đại học quốc gia, đại học vùng, dẫn đến phải loại bỏ đội ngũ.
Chính vì vậy, việc sáp nhập các trường phải xem xét trên phương diện cùng một sứ mệnh đào tạo, nếu không, việc sáp nhập là một sự khập khiễng. Sẽ dẫn tới một chuyện: trường đại học trọng điểm quốc gia đào tạo một nguồn nhân lực tinh hoa cho cả quốc gia, phải đạt chuẩn quốc gia thậm chí quốc tế; trong khi trường đại học tại địa phương chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực ngay tại địa phương, không đòi hỏi nguồn nhân lực tinh hoa, chỉ cần đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực.
Trong trường hợp sáp nhập như vậy, các trường đại học địa phương chịu thiệt thòi, đội ngũ giảng viên của các trường địa phương bị loại hết do khó cạnh tranh hơn. Ví dụ, sáp nhập cao đẳng sư phạm Hà Nam vào trường đại học Sư phạm Hà Nội. Từ giảng viên sư phạm thành giáo viên phổ thông cho trường thực hành chất lượng của trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Bên cạnh đó, các trường đào tạo nhân lực đặc thù cho địa phương, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nếu ghép như thế là khập khiễng, là không ổn. Sau khi ghép trường, điểm xét tuyển đầu vào nâng lên, nhiều thí sinh địa phương sẽ mất cơ hội vào trường. Nếu sáp nhập thì trường cũng thiệt mà người học cũng thiệt” - TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.