Sáp nhập xã, phường: Gọn trong bộ máy, rộng trong kết nối

Sáp nhập xã, phường đã và đang mang lại những lợi ích cốt lõi, nổi bật như tinh gọn bộ máy quản lý và tăng cường kết nối cộng đồng dân cư.

Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường là một giải pháp quan trọng trong công cuộc cải tổ bộ máy hành chính hiện nay, nhằm tái cấu trúc tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng không gian phát triển cho các địa phương.

Từ thực tiễn có thể thấy rõ hai lợi ích nổi bật trong sáp nhập xã, phường đó là tinh gọn bộ máy quản lý và tăng cường kết nối cộng đồng - nền tảng quan trọng để phát triển bền vững.

Gọn trong quản lý

Trong lịch sử, phần lớn các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã trải qua quá trình thay đổi địa giới hành chính, bao gồm sáp nhập hoặc tách ra trong các giai đoạn khác nhau. Nhiều đơn vị cấp xã, phường cũng thực hiện sáp nhập, tạo hiệu quả lớn trong việc tinh gọn bộ máy, giúp bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả hơn.

Sáp nhập xã giúp tinh gọn bộ máy, mở rộng kết nối. Ảnh: Quốc Huy

Sáp nhập xã giúp tinh gọn bộ máy, mở rộng kết nối. Ảnh: Quốc Huy

Là một trong những địa phương nổi bật về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã mới, giảm 76 xã; sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW khi giảm trên 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, địa phương này cũng đã thực hiện thành công việc nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện (22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố) và 547 đơn vị hành chính cấp xã.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Trần Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) - cho biết, sau khi sáp nhập phường Phú Sơn và phường Tân Sơn (lấy tên phường Phú Sơn), phường Phú Sơn có diện tích tự nhiên là 2,70 km2 và quy mô dân số là 33.359 người, trở thành phường có quy mô lớn, nằm trong top đầu tại TP. Thanh Hóa.

“Việc sáp nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn tạo ra sự thay đổi tích cực, phát huy nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tiềm năng phát triển của địa phương. Đặc biệt, việc sáp nhập 2 phường đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức; tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương”, bà Trang chia sẻ.

Sau khi sáp nhập xã, phường đã giúp tinh gọn bộ máy, đời sống nhân dân được nâng cao. Ảnh: Quy Huy

Sau khi sáp nhập xã, phường đã giúp tinh gọn bộ máy, đời sống nhân dân được nâng cao. Ảnh: Quy Huy

Cũng theo bà Trang, sau sáp nhập, phường duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; không làm xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Không chỉ riêng tại phường Phú Sơn hay tại tỉnh Thanh Hóa, thực tế trên cả nước, hiệu quả từ việc sáp nhập xã là điều có thể dễ dàng nhận thấy. Chủ trương này không chỉ giảm đầu mối làm việc, giúp tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch, tổ chức lại không gian phát triển kinh tế - xã hội một cách bài bản, hiệu quả hơn. Nhờ có bộ máy tinh gọn, mọi nhu cầu cấp bách, khó khăn của người dân được giải quyết nhanh chóng, kịp thời.

Đặc biệt, sau khi tinh gọn, một số xã đã tăng tốc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, nhờ khả năng huy động nguồn lực tập trung và điều hành hiệu quả hơn.

Rộng trong kết nối

Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành, phân bổ hợp lý nguồn lực để phát triển. Bên cạnh hiệu quả về mặt bộ máy hành chính, một trong những tác động quan trọng, đáng được chú ý đó là khả năng tăng cường kết nối cộng đồng dân cư.

Người dân ở các khu dân cư trước đây hoạt động biệt lập, ít kết nối nay được gắn kết trong cùng một tổ chức chính trị - xã hội, từ đó hình thành một không gian cộng đồng mới rộng lớn hơn, đa dạng hơn và nhiều tiềm năng hơn. Thông qua các hoạt động như hội nghị cử tri, lễ hội truyền thống, các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa,... người dân có thêm cơ hội để trao đổi, giao lưu, hợp tác và cùng phát triển.

Đơn cử như tại huyện Quan Hóa, một huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, việc sáp nhập xã hứa hẹn sẽ hình thành những cộng đồng dân cư lớn mạnh cả về “chất và lượng”.

Sáp nhập xã, phường sẽ tạo cơ hội để cộng đồng dân cư, anh em các dân tộc xích lại gần nhau. Ảnh: Quốc Huy

Sáp nhập xã, phường sẽ tạo cơ hội để cộng đồng dân cư, anh em các dân tộc xích lại gần nhau. Ảnh: Quốc Huy

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Anh Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa - chia sẻ: “Khu vực miền núi có đặc thù địa bàn rộng, đa dạng về dân tộc, phong tục tập quán. Các khu dân cư, bản làng thường được hình thành dựa trên sự tương đồng về lịch sử văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Chính vì vậy, việc sáp nhập xã không chỉ là một chủ trương mang tính hành chính mà còn mở ra nhiều cơ hội để chính quyền địa phương phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân”.

“Bên cạnh đó, sáp nhập xã tạo điều kiện để mở rộng không gian giao lưu giữa các khu dân cư, giữa các dân tộc anh em, qua đó củng cố sự hiểu biết, chia sẻ và gắn bó giữa các cộng đồng. Trên nền tảng đó, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được lồng ghép, triển khai một cách hiệu quả và sâu rộng hơn đến từng người dân”, ông Toàn chia sẻ thêm.

Không chỉ riêng khu vực miền núi, vùng cao, mà ngay tại những đô thị lớn, việc sáp nhập xã, phường cũng sẽ có những đóng góp lớn trong việc gắn kết cộng đồng dân cư.

“Trước đây, khi chưa sáp nhập, các khu dân cư giáp ranh về vị trí địa lý nhưng lại hoạt động độc lập, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền 2 phường, không có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, các khu dân cư đoạn giáp ranh đã có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác, tăng tinh thần đoàn kết. Từ đó, cũng có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc giám sát địa bàn, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường”, bà Trần Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa chia sẻ.

Có thể thấy, sáp nhập xã, phường không chỉ mang lại hiệu quả về quản lý hành chính mà còn góp phần hình thành nên những cộng đồng dân cư lớn mạnh hơn, gắn bó hơn và có khả năng thích ứng tốt hơn với các yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Với tầm nhìn dài hạn, chủ trương này cần tiếp tục được thực hiện một cách linh hoạt, có sự lắng nghe từ cơ sở, để “gọn trong quản lý, rộng trong kết nối” thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho từng địa phương và cả quốc gia.

Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-nhap-xa-phuong-gon-trong-bo-may-rong-trong-ket-noi-383349.html