Sắp ra mắt Quỹ ASEAN ứng phó đại dịch trị giá 2.800 tỷ USD
Dự kiến sẽ được ra mắt tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11 sắp tới, Quỹ ASEAN ứng phó đại dịch sẽ tập trung giải quyết những cách biệt về cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN với giá trị 2.800 tỷ USD trong thời gian tới.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11 sắp tới, Quỹ ASEAN ứng phó đại dịch trị giá 2.800 tỷ USD dự kiến sẽ ra mắt với mục tiêu tập trung giải quyết những cách biệt về cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN. Đồng thời quỹ này sẽ cung cấp những biện pháp kích thích kịp thời cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo ngân hàng HSBC, việc kết nối các nguyên tắc lựa chọn dự án của Quỹ ASEAN ứng phó Đại dịch (ASEAN Pandemic Recovery Fund) với những cam kết về khí hậu và bền vững của khu vực sẽ là những chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo ASEAN.
Bên cạnh mức thâm hụt cơ sở hạ tầng hiện có, Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank) đã dự đoán rằng GDP của các nước trong khu vực ASEAN có thể giảm 11% vào năm 2100 nếu các vấn đề biến đổi khí hậu không được giải quyết. Điều này bao gồm bảo vệ các nước trong khu vực chống lại các thảm họa thiên nhiên như mực nước biển dâng cao, đảm bảo an ninh lương thực mạnh mẽ hơn và hướng tới các nguồn năng lượng ít carbon hơn.
Theo ông Tim Evans - Tổng Giám đốc của ngân hàng HSBC Việt Nam, việc áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững cho Quỹ ứng phó Đại dịch ASEAN hoàn toàn có ý nghĩa đối với khu vực. Quỹ này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và ngân sách của chính phủ bằng cách thu hút đầu tư tư nhân giữa các ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức. Quỹ cũng sẽ giúp các thị trường ASEAN vốn dễ bị tổn thương do các loại hình thiên tai có liên quan đến vấn đề khí hậu như lũ lụt có thể xây dựng cơ sở hạ tầng phòng bị và từ đó, đạt được tự tin cậy về mặt kinh tế. Cuối cùng, quỹ này sẽ giúp các quốc gia đạt được Hiệp định Paris và các mục tiêu Phát triển bền vững khác của Liên Hiệp Quốc.
"Thực hiện được điều đó sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư cần thiết để bù đắp những thiếu hụt chi tiêu của chính phủ, xây dựng khả năng phục hồi kinh tế trong tương lai chống lại các loại hình thiên tai (bao gồm cả nước biển dâng) và giúp khu vực thoát khỏi lộ trình phát triển phát thải cao", ông Tim Evans cho biết.