Sắp sửa, bỏ nhiều điều kiện sản xuất, nhập khẩu ôtô
Nhiều điều kiện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô được quy định tại Nghị định 116/2017 sẽ được sửa đổi hoặc bãi bỏ trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Theo ông, điều này là phù hợp trong bối cảnh thị trường và hoạt động nhập khẩu ôtô đã đi vào ổn định. Dự thảo sửa đổi đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.
Bãi bỏ nhiều điều kiện về lao động, cháy nổ
Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, theo quy định hiện nay, người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ôtô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ôtô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô tối thiểu 5 năm.
Doanh nghiệp phải có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Và doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.
Nếu đề xuất được chấp thuận, việc quản lý Nhà nước sẽ chuyển hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các điều kiện này mà không đặt ra trong điều kiện cấp giấy phép kinh doanh.
Đề xuất này nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong các lĩnh vực: sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô; điện lực; hóa chất; thực phẩm; than, khoáng sản; kinh doanh khí.
Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi.
Kiểm tra ôtô nhập khẩu theo kiểu loại thay vì theo lô
Tham gia góp ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn lời nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho rằng quy định kiểm tra từng lô xe nhập khẩu (tại mục 2, điểm a, khoản 2, điều 6 của Nghị định 116) làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị thay đổi theo hướng chứng nhận, thử nghiệm lần đầu và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo có cùng kiểu loại nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 116 theo hướng kiểm tra xe nhập khẩu theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Với năng lực của các trung tâm đăng kiểm hiện nay, việc cải cách trong quản lý là phù hợp.
Bên cạnh đó, VCCI cũng ghi nhận kiến nghị của các doanh nghiệp về vấn đề sửa đổi quy định về lô xe nhập khẩu và giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan thẩm quyền nước ngoài (VTA).
Cụ thể, Nghị định 116 quy định “lô xe nhập khẩu là các ôtô thuộc một tờ khai hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp nhập khẩu ôtô” (khoản 10 Điều 3).
Như vậy, 1 lô hàng có cùng vận đơn, cùng hóa đơn, cùng cảng đích, có số thuế nhập khẩu từ 12 chữ số sẽ phải làm thủ tục khai báo hải quan bằng giấy mà không thể sử dụng hệ thống VNACCS, vì phải tách tờ khai để giảm trị giá.
Tuy nhiên, khi tách tờ khai, doanh nghiệp cần lấy ít nhất 2 xe ôtô nhập khẩu thay vì 1 xe đi làm mẫu. Điều này cũng làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị bổ sung sửa đổi điểm này thành “một lô xe nhập khẩu là một lô hàng mà các ôtô có chung một vận đơn”.
Nghị định 116 cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cung cấp VTA (tại mục 1 điểm a khoản 2 Điều 6). Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, Chính phủ Nhật Bản không có cơ chế và quy định về cấp VTA.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị chấp thuận phương án thay thế VTA bằng một trong nhiều giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sap-sua-bo-nhieu-dieu-kien-san-xuat-nhap-khau-oto-post983188.html