Sắp tu bổ, tôn tạo di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Là những công trình tiêu biểu nằm trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế, di tích Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn sắp được tu bổ, tôn tạo.

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, thông qua nhiều Nghị quyết, trong đó, có các Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1); điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh Thành Huế.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 102/NQ-HĐND ngày 26/10/2022, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 66 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Quy mô đầu tư dự án gồm phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện với diện tích rộng 830m2. Cụ thể như phục hồi hệ tường móng xây gạch và các bậc cấp, cân chỉnh hệ thống chân táng đá Thanh hiện trạng, mặt nền hoàn thiện lát gạch Bát Tràng men. Phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách cửa bằng gỗ nhóm II, sơn bảo quản. Phục hồi mái lợp ngói liệt men vàng và toàn bộ hệ thống giao giống trang trí. Phục hồi tường xây gạch vồ vữa tam hợp, bả màu, quét vôi màu vàng nhạt. Phục hồi đồ nội thất...

Đồng thời, tu bổ, phục hồi sân miếu, Đại Thành Môn, Kim Thanh Môn, Ngọc Chấn Môn, Văn Miếu Môn, bến thuyền. Tôn tạo cây xanh, cảnh quan cùng hạ tầng kĩ thuật liên quan.

Trong quá trình triển khai công tác lập thiết kế dự án, các đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư dự án đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư một số nội dung.

Đó là bổ sung hạng mục thiết bị nội thất, đồ thờ tự, nhà vệ sinh, nhà bán vé - hướng dẫn vào quy mô đầu tư; Đề xuất cập nhật lại chi phí xây lắp đối với các hạng mục chính như Văn Miếu chính điện, Văn Miếu Môn trên cơ sở cập nhật lại đơn giá, định mức, khối lượng và suất đầu tư các công trình tương tự để đảm bảo tính khả thi của dự án…

Với các nội dung trên, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh là hơn 132,1 tỉ đồng, tăng hơn 66,1 tỉ đồng so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt trước đó.

Văn Miếu (thuộc phường Hương Hồ, TP Huế) nằm uy nghi bên dòng Hương giang thơ mộng. Ảnh: Nguyễn Hiệp.

Văn Miếu (thuộc phường Hương Hồ, TP Huế) nằm uy nghi bên dòng Hương giang thơ mộng. Ảnh: Nguyễn Hiệp.

Đối với Dự án Bảo tồn, tôn tạo thích nghi di tích Quốc Tử Giám - Kinh Thành Huế, tại Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 14/10/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án với quy mô gồm bảo tồn, tu bổ các hạng mục công trình trong khuôn viên tổng thể di tích như: Tam Quan; Nữ tường bao 4 mặt; Di Luân Đường; 2 nhà Học tả hữu; 2 nhà ở của các Giám sinh tả hữu và 2 Kiều gia tả hữu kết nối giữa nhà Học, 2 nhà ở của các Giám sinh; Nhà trù.

Ngoài ra còn tôn tạo thích nghi với các hạng mục như sửa chữa, nâng cấp nhà trực, bảo vệ; Sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh; Xây dựng Bãi đỗ xe cho cán bộ nhân viên; Sân đường, cảnh quan; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật... Tổng mức đầu tư dự án gần 60,6 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai công tác lập dự án, khảo sát, đánh giá chất lượng hiện trạng các công trình; các đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư dự án đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư với các nội dung như thay đổi phương án tu bổ công trình Di Luân Đường từ tu bổ cục bộ sang tu bổ tổng thể; Bổ sung các hạng mục nhà che bia Huỳnh Tự Thư Thanh và nội thất của Di Luân Đường, 2 nhà học Tả Hữu; Điều chỉnh tăng chi phí xây lắp trên cơ sở lập dự toán chi tiết sau khi đã có thiết kế xây dựng và cập nhập lại đơn giá nhân công, ca máy đối với các hạng mục 2 nhà Học tả hữu, 2 nhà ở Giám sinh tả hữu và 2 Kiều gia tả hữu...

Với các nội dung trên, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được điều chỉnh là hơn 108,6 tỉ đồng, tăng hơn 48 tỉ đồng so với chủ trương đầu tư đã phê duyệt trước đó.

Văn Miếu và Quốc Tử Giám triều Nguyễn là những công trình tiêu biểu trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế.

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là các dự án quan trọng, cấp thiết cần bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Ban thống nhất với nội dung UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, cân đối bố trí nguồn lực sớm triển khai thực hiện.

Hải Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/sap-tu-bo-ton-tao-di-tich-van-mieu-va-quoc-tu-giam-trieu-nguyen-c2a87780.html