Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Hướng tới tinh gọn, nâng cao chất lượng

PTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về 'Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập', tỉnh ta đã và đang từng bước sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ...

Giờ thực hành sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề.

Giờ thực hành sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng nghề.

PTĐT - Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập”, tỉnh ta đã và đang từng bước sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do tỉnh quản lý theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Việc sắp xếp này sẽ là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, tinh giản đội ngũ biên chế, tận dụng cơ sở vật chất, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động...
Đông nhưng chưa mạnh!

Theo số liệu của Sở LĐTB&XH, giai đoạn 2015- 2018, trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong đó có 20 cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh quản lý, bao gồm Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng kinh tế- kỹ nghệ thực hành, Trường Cao đẳng y tế Phú Thọ, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú, Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch, Trường Trung cấp nông lâm nghiệp, 13 Trung tâm GDNN-GDTX thuộc các huyện, thành, thị và 1 cơ sở đào tạo nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh.
Tuy mạng lưới cơ sở GDNN do tỉnh quản lý phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, ngành nghề và quy mô đào tạo đa dạng ở cả 3 cấp trình độ là cao đẳng (đào tạo 24 ngành nghề), trung cấp (35 ngành nghề), sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (69 ngành nghề); quy mô đào tạo khoảng 22 ngàn người/năm; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN do tỉnh quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN đông, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho học sinh, sinh viên song hiệu quả công tác đào tạo chưa cao, tỷ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp có chiều hướng giảm. Cụ thể năm 2015, các trường Cao đẳng do tỉnh quản lý tuyển sinh được 3.666 chỉ tiêu, năm 2016 giảm xuống còn 2.624 chỉ tiêu, năm 2018: 3.053 chỉ tiêu, trong đó Trường Cao đẳng kinh tế- KNTH, năm 2016 chỉ tuyển sinh được 391 chỉ tiêu, năm 2017: 462 chỉ tiêu, năm 2018: 728 chỉ tiêu trong đó có 35 chỉ tiêu hệ cao đẳng; Trường trung cấp VHNT và du lịch năm 2017: 55 chỉ tiêu, năm 2018: 42 chỉ tiêu; Trường Trung cấp nông lâm nghiệp năm 2017: 626 chỉ tiêu, năm 2018 giảm còn 525 chỉ tiêu. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo năm 2017 đạt 85%, năm 2018 đạt 72%, trong đó Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật và du lịch tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt thấp nhất, năm 2015 đạt 36%, năm 2016 đạt 11%, năm 2017 và năm 2018 chỉ đạt 4%. Việc các trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, bậc học dẫn đến việc thừa giáo viên chuyên ngành, thiếu giáo viên nghề, lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.Lý giải nguyên nhân các cơ sở GDNN đông nhưng hiệu quả chưa cao, bà Phan Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Đào tạo nghề, Sở LĐTB&XH cho biết: Do cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo các cơ sở GDNN còn chưa hợp lý, trùng lắp về ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do các trường có trùng ngành nghề đào tạo dẫn đến dôi dư giáo viên, cơ sở vật chất chưa tận dụng hết.Hiện nay Trường Cao đẳng nghề có 11 ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 11 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, 7 ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp; Trường Cao đẳng kinh tế-KNTH có 4 ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 8 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, 4 ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp. 2 trường này đều đóng trên địa bàn thành phố Việt Trì và Trường Cao đẳng kinh tế- KNTH có 7 ngành nghề trùng lắp với Trường Cao đẳng nghề; Trường Trung cấp nông lâm nghiệp có 3 ngành nghề trùng với các trường cao đẳng. Do không tuyển sinh đủ chỉ tiêu một số ngành nghề nên Trường Cao đẳng kinh tế - KNTH đang thừa khoảng 40 giáo viên giảng dạy Kế toán, Luật nhưng lại thiếu các nhà giáo các ngành nghề khác; Trường Trung cấp VHNT- Du lịch thiếu nhà giáo chuyên ngành du lịch, sân khấu, thừa nhà giáo về quản lý văn hóa; Trường Trung cấp nông lâm nghiệp thừa giáo viên do tuyển sinh khó khăn, các trung tâm GDNN-GDTX các huyện Thanh Ba, Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Thanh Sơn, Phù Ninh thiếu đội ngũ nhà giáo GDNN.

Giờ thực hành mô hình dàn trải điều hòa nhiệt độ hai cục hai chiều của Trường Cao Đẳng Kinh tế - KNTH.

Giờ thực hành mô hình dàn trải điều hòa nhiệt độ hai cục hai chiều của Trường Cao Đẳng Kinh tế - KNTH.

Tinh gọn để nâng cao chất lượng đào tạo

Nội dung Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đặt ra đối với lĩnh vực GDNN là sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động đồng thời bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Nghị quyết cũng đặt ra vấn đề sáp nhập các trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường không hiệu quả. Theo nhìn nhận của ông Bùi Đức Nhẫn- Giám đốc Sở LĐTB&XH, thông qua rà soát tại các cơ sở GDNN cho thấy hệ thống GDNN công lập của tỉnh bộc lộ những bất cập, chính vì thế việc sắp xếp, sáp nhập lại các cơ sở GDNN do tỉnh quản lý là điều tất yếu nhằm phát huy các lợi thế hiện có của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng có hiệu quả các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các cơ sở GDNN. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và chất lượng, hiệu quả đào tạo, cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDNN cần được thực hiện theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý, sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh.
Với quan điểm mục tiêu phát triển mạng lưới GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc sắp xếp các cơ sở GDNN theo Đề án sắp xếp các cơ sở GDNN do tỉnh quản lý được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2019-2020 sẽ tiến hành sáp nhập Trường Trung cấp nông lâm nghiệp, Trường Cao đẳng kinh tế- KNTT vào Trường Cao đẳng nghề, lấy trụ sở chính tại Trường Cao đẳng nghề; giải thể Trường Trung cấp VHNT- Du lịch; đối với các cơ sở GDNN còn lại giữ nguyên mô hình hoạt động như hiện nay đồng thời tiếp tục củng cố, chấn chỉnh các hoạt động của các trung tâm cấp huyện, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Như vậy đến năm 2020, chỉ còn 17 cơ sở GDNN do tỉnh quản lý. Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực với cơ cấu đào tạo, ngành nghề hợp lý, đồng bộ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GDNN, giữ vững, phát triển GDNN ở trình độ cao, hội nhập đầy đủ với khu vực và quốc tế; các cơ sở GDNN công lập được hoạt động theo cơ chế tự chủ nhằm phát huy tốt năng lực đào tạo của mỗi cơ sở…

Chi Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201911/sap-xep-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-huong-toi-tinh-gon-nang-cao-chat-luong-167771