Sắp xếp các phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế ra sao sau sắp xếp đơn vị hành chính?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký Văn bản số 2147/BYT-TCCB ngày 12-4-2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước hướng dẫn định hướng sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Hạnh Dung
Theo đó, đối với các tỉnh, thành phố sau sắp xếp, sáp nhập, tiến hành thành lập Sở Y tế mới là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố sau sắp xếp.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế được giao, Giám đốc Sở Y tế xây dựng đề án, trình UBND các tỉnh, thành phố quyết định cơ cấu tổ chức của Sở Y tế phù hợp với yêu cầu quản lý đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Y tế tại địa phương và bảo đảm các tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế hiện có trước khi sắp xếp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố quyết định duy trì, giải thể hoặc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế. Thực hiện sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp khác.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẽ tiến hành giải thể, kết thúc hoạt động của các phòng y tế thuộc UBND cấp huyện hiện có, chuyển chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước của phòng y tế trước đây về phòng văn hóa - xã hội thuộc trung tâm hành chính công thuộc UBND cấp cơ sở (xã, phường) sau sắp xếp để tiếp tục triển khai nhiệm vụ.
Đối với các trung tâm y tế cấp huyện, cơ bản duy trì các trung tâm hiện có và chuyển các trung tâm y tế này thành trung tâm y tế khu vực, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế. Trên cơ sở rà soát, đánh giá phạm vi hoạt động và hiệu quả hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện, Giám đốc Sở Y tế tham mưu, xây dựng đề án trình UBND tỉnh, thành phố quyết định duy trì tất cả hoặc giải thể, tổ chức lại, sáp nhập một số trung tâm y tế huyện, thành phố trên địa bàn.

Điều trị bệnh bằng y học cổ truyền cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Tân Hiệp, huyện Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung
Đối với các phòng khám đa khoa khu vực, các trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện có, Bộ Y tế hướng dẫn cơ bản duy trì, giữ nguyên và chuyển giao cho UBND cấp cơ sở (xã, phường mới) quản lý. Bảo đảm mỗi xã, phường mới sau sắp xếp có ít nhất 1 trạm y tế. Tùy theo quy mô dân số và đặc điểm địa lý của mỗi xã, phường mới để duy trì hoặc tổ chức lại, thành lập thêm các trạm y tế do UBND cấp cơ sở quản lý để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại xã, phường đó.
Nhân lực của các trạm y tế xã, phường mới được bố trí trên cơ sở tiếp nhận viên chức tại trạm y tế xã, phường trước đây và được điều động, bổ sung từ các cơ sở y tế cấp tỉnh, từ trung tâm y tế cấp huyện trước đây để đảm bảo mỗi trạm y tế mới có ít nhất từ 2 bác sĩ trở lên.
Đồng Nai hiện có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 4 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm y tế, 10 phòng y tế cấp huyện, thành phố, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 159 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đối với số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao phương án 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Trong đó, tiến hành hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.