Sắp xếp đơn vị hành chính - tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững | Hà Nội tin mỗi chiều
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chính thức tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu quả
Phát biểu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải làm thật tốt và hiệu quả công tác truyền thông về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã bằng nhiều hình thức. Phó Thủ tướng nhận định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay có thuận lợi hơn so với đầu nhiệm kỳ do có kinh nghiệm hơn. Theo Phó Thủ tướng, đã có 20 địa phương chủ động đề xuất sắp xếp địa giới hành chính cấp huyện để có dư địa phát triển, các giải pháp đề ra cũng hài hòa hơn, tôn trọng kiến nghị hợp lý của cơ sở.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 diễn ra vào tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, phải tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương.”
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, sắp xếp các đơn vị hành chính tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cơ bản phù hợp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế hơn 300 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.600 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Nội vụ cho biết giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.200 đơn vị cấp xã. Trong 50 huyện sẽ sáp nhập, 11 huyện bắt buộc, 16 huyện khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sáp nhập, toàn quốc dự kiến giảm 14 huyện. 19 huyện thuộc diện sáp nhập nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù. Toàn quốc giảm hơn 600 xã sau khi sáp nhập 1.243 xã. Hơn 500 xã thuộc diện sắp xếp nhưng không thực hiện do đặc thù.
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đặt ra nhiệm vụ "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước"; "xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Trong đó, sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng.
Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đó còn là vấn đề khác biệt về địa chí, văn hóa, phong tục tập quán hình thành từ lâu đời. Do đó, trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt. Phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không nóng vội, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn); đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội; tạo không gian phát triển mới, với tư duy mới, tạo giá trị mới.
Chính thức tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3
Từ ngày mai (29/2), Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa chính thức có hiệu lực. Theo đó giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75 - 6,67%, tùy theo số km của chặng bay, trong đó đường bay từ 1.280 km trở lên, giá trần lên 4 triệu đồng, tăng 6,67%. Đó là các đường bay như Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Hà Nội - Phú Quốc. Mức giá đưa ra bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ các khoản thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ cho cảng hàng không gồm giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Lý giải về việc tăng giá trần, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, việc nới giá trần vé bay nội địa sẽ hướng tới một thị trường cởi mở có nhiều sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Từ đó, thị trường sẽ điều tiết giá vé máy bay theo nhu cầu của thị trường. Việc điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa tạo điều kiện để các hãng hàng không có thể bù đắp được chi phí đã thay đổi trong suốt thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa.
Còn đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa vẫn đang là một trong các dịch vụ thuộc loại có thị trường cạnh tranh hạn chế và vẫn đang thuộc tiêu chí do Nhà nước định giá theo quy định tại Điều 21 dự thảo Luật Giá.
Theo PGS. TS, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc nâng trần giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Bởi trần giá vé hiện tại đã áp dụng được 4 năm, trong khi nền kinh tế đã có nhiều biến động. Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng và các hãng bay cần làm rõ việc so sánh chi phí, các chỉ số so sánh phải đồng nhất. Thời điểm áp giá trần của năm 2019 ra sao và đến nay các chi phí đầu ra, đầu vào và các chi phí khác của hãng bay đến thời điểm nới trần như thế nào. Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc nâng giá trần có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều hay 5 triệu đồng/vé/chuyến không phải là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, nó sẽ tác động mạnh đến các hãng bay, lượng người bay sẽ ít, sẽ giảm sự chú ý của người dân đến loại hình vận tải này.
Giá trần chúng ta có thể hiểu là giá tối đa, là ngưỡng để các doanh nghiệp phải cạnh tranh để hạ giá thành. Việc nâng giá trần phải đi đôi với an toàn bay, giờ bay, chất lượng dịch vụ bay. Nhìn nhận một cách khách quan chúng ta có thể thấy việc tăng giá trần sẽ phá thế độc quyền của các hãng hàng không. Khi người tiêu dùng không mặn mà với loại hình vận tải này, thì giá vé sẽ không thể tăng mà buộc phải hạ xuống. Đây là sự va đập giữa cung - cầu của thị trường. Từ đó, giá vé sẽ do người tiêu dùng quyết định. Họ có quyền bỏ phiếu cho những hãng hàng không nào mà họ cảm thấy phù hợp, chất lượng dịch vụ tốt./.