Sắp xếp, sử dụng hợp lý trụ sở dôi dư
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính đã dôi dư số lượng khá lớn trụ sở tại các địa phương khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận cũ). Để tối ưu hóa công tác quản lý và sử dụng tài sản công, đảm bảo hiệu quả hoạt động và tiết kiệm nguồn lực, UBND tỉnh đã chủ động phương án sắp xếp, bố trí và xử lý tài sản công.
Chủ động điều chuyển, thay đổi công năng
Theo thống kê, tỉnh Ninh Thuận cũ có tổng cộng 293 cơ sở nhà, đất cấp tỉnh, trong đó có 84 trụ sở cơ quan hành chính nhà nước và 209 cơ sở thuộc các đơn vị sự nghiệp. Dựa trên phương án đã được phê duyệt, 189 cơ sở nhà đất sẽ tiếp tục được sử dụng phục vụ các mục đích dân sinh như: Trường học, bệnh viện, cơ sở thể thao, cùng các cơ sở nhà đất đặc thù khác được đề nghị giữ lại để tiếp tục khai thác. Đặc biệt, sẽ có 95 trụ sở dôi dư sau khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh sáp nhập và chuyển về cơ sở mới tại tỉnh Khánh Hòa. Trong số này, 65 trụ sở dôi dư sau khi hoàn thành việc sáp nhập sẽ được bàn giao cho Trung tâm Quản lý nhà và chung cư quản lý, khai thác và sử dụng. Giai đoạn đầu, các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn sẽ thuê dịch vụ bảo vệ để bảo vệ tài sản và hồ sơ tài liệu. Đối với 30 trụ sở dôi dư phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy cũng sẽ được giao cho Trung tâm Quản lý nhà và chung cư quản lý, khai thác theo đúng quy định.

Trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận cũ tại số 450 Thống Nhất, Phan Rang được chuyển đổi công năng thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa (cơ sở 2).
Nhiều trụ sở quan trọng cũng đã có phương án điều chuyển hoặc chuyển đổi công năng. Cụ thể, trụ sở HĐND tỉnh (đường 21/8, Phan Rang) sẽ được bố trí làm Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phan Rang, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tập trung, hiện đại. Trụ sở tiếp công dân tỉnh và trụ sở Sở Nông nghiệp và Môi trường (trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường cũ) sẽ được bố trí làm trụ sở làm việc phường Đông Hải. Các trụ sở: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch được điều chuyển về các địa phương để phục vụ hoạt động mới. Riêng trụ sở Tỉnh ủy Ninh Thuận cũ tại số 4 Hùng Vương, Phan Rang sẽ được chuyển đổi công năng sử dụng sang mục đích văn hóa xã hội, thành thư viện xanh có tính chất phục vụ công cộng. Trụ sở Sở Y tế sẽ giao cho Trường THPT Nguyễn Trãi quản lý, sử dụng làm khối hiệu bộ.
Đối với trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận cũ tại số 450 Thống Nhất, Phan Rang sẽ chuyển đổi công năng thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa, trụ sở tiếp công dân, Trung tâm Lưu trữ tỉnh và phục vụ một số hoạt động hành chính khu vực phía nam tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công cho biết: “Việc tiếp nhận sử dụng trụ sở UBND tỉnh Ninh Thuận cũ để phục vụ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là một giải pháp rất hiệu quả. Chúng tôi tận dụng được không gian rộng rãi, vị trí trung tâm, giúp nhân dân thuận tiện hơn rất nhiều trong việc đến làm các thủ tục hành chính, đồng thời cũng giúp tiết kiệm đáng kể nguồn lực đầu tư xây dựng mới”.
Đối với cấp huyện ở Ninh Thuận cũ, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính hai cấp sẽ có 20 trụ sở dôi dư và 9 trụ sở được điều chuyển. Các trụ sở dôi dư tại các huyện cũ sẽ được bố trí bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh xuống cấp, thất thoát, lãng phí, sau đó giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện để thực hiện chức năng quản lý, khai thác. Trong số 9 trụ sở điều chuyển, 7 trung tâm y tế huyện, thành phố sẽ giao Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên phường, xã mới, chuyển thành các trung tâm y tế khu vực. Các cơ sở như trụ sở UBND phường Phủ Hà cũ sẽ làm trụ sở Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (cơ sở Nam Khánh Hòa) và kho chứa hồ sơ; trụ sở UBND phường Mỹ Bình cũ làm trụ sở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Rang.
Vẫn còn khó khăn
Tuy nhiên, trong quá trình mới hoạt động, việc bố trí cơ sở hạ tầng thực hiện tại một số địa phương vẫn còn những bất cập, khó khăn. Điều này đòi hỏi cần phải có thời gian sắp xếp, cải tạo chuyển đổi công năng để hoạt động hiệu quả hơn, nhất là tại các tuyến xã vùng sâu, vùng xa. Điển hình tại xã Phước Dinh, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trên địa bàn rộng lớn sau sáp nhập, địa phương đã bố trí trụ sở UBND xã Phước Dinh cũ tại thôn Sơn Hải 1 làm nơi làm việc của Đảng ủy xã. Trong khi đó, trụ sở HĐND - UBND xã được bố trí tại thôn An Thạnh (trụ sở UBND xã An Hải cũ). Trung tâm Phục vụ hành chính công xã được bố trí tại cả hai thôn An Thạnh và Sơn Hải 1. Ông Ngô Huỳnh Quang - cán bộ công tác tại xã Phước Dinh bày tỏ: "Chúng tôi đã tận dụng không gian trụ sở làm việc của xã Phước Dinh cũ để làm trụ sở làm việc của Đảng ủy xã và Trung tâm Phục vụ hành chính công xã. Tuy nhiên, hiện tại, không gian vẫn còn khá chật hẹp, đặc biệt là khi tiếp công dân. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được quan tâm đầu tư để mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn và phục vụ người dân chu đáo hơn về lâu dài".
Hy vọng, với sự chủ động trong việc xây dựng phương án và tổ chức thực hiện, việc quản lý, sử dụng các trụ sở dôi dư sau sáp nhập sẽ dần được tối ưu hóa, biến những thách thức từ quá trình sáp nhập thành cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ nhân dân tại các địa phương phía nam tỉnh Khánh Hòa ngày một tốt hơn.