Sắp xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và đồng phạm
Cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang và đồng phạm sẽ bị xét xử trong 5 ngày để làm rõ cáo buộc thiếu trách nhiệm, để Cty Dược Cửu Long 'biển thủ' hơn 3,8 triệu USD.
Theo dự kiến, ngày 21/11, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A H5N1 xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
HĐXX gồm 3 người do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử là 3 kiểm sát viên thuộc Viện KSND Tối cao và VKSND TP Hà Nội. Trong số 9 bị cáo hầu tòa, có 4 người thuộc Công ty Dược phẩm Cửu Long bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm Lương Văn Hóa - cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Tòng - cựu Phó tổng Giám đốc và hai thuộc cấp.
5 bị cáo còn lại bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: ông Cao Minh Quang - cựu Thứ trưởng Bộ Y tế; Dương Huy Liệu - cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; Nguyễn Việt Hùng - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược và hai cán bộ khác. Trong vụ án này, tòa án cũng triệu tập nhiều người liên quan tới phiên xử, trong đó có đại diện Bộ Y tế, đại diện Công ty Dược Cửu Long…
Theo cáo trạng, Công ty Dược Cửu Long được thành lập năm 2004, ban đầu có vốn nhà nước chiếm 51,07%. Đến năm 2019, sau khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, Dược Cửu Long trở thành công ty cổ phần 100% vốn tư nhân. Năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Thủ tướng phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng, chống dịch tại Việt Nam. Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai, chỉ đạo, giám sát việc sản xuất thuốc, dự trữ thuốc theo kế hoạch.
Bộ Y tế sau đó giao Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng giá thuốc Oseltamivir sản xuất trong nước. Trong số các doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir, Dược Cửu Long là một lựa chọn. Từ tháng 2 đến tháng 4/2006, Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng.
Về sau, giá nguyên liệu giảm, Lương Văn Hóa, cựu tổng giám đốc Dược Cửu Long chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,848 triệu USD; đồng thời, hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền trên. Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, ông Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện và yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, bị can tiếp tục chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục lòng vòng để hợp thức hồ sơ thanh toán.
Cáo trạng xác định, số tiền mà Dược Cửu Long giữ lại không thanh toán cho Công ty Mambo là khoản tiền có nguồn gốc thuộc ngân sách nhà nước. Các bị can tại Dược Cửu Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ, trái nguyên tắc tài chính, cố ý không báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính để hạch toán giảm nợ và ghi giảm giá vốn. Chuỗi hành vi dẫn tới ngân sách bị thiệt hại 3,848 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng).
Về phía Bộ Y tế, VKSND Tối cao nhận định các bị can tại cơ quan này được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng và định kỳ kiểm tra, đánh giá việc mua bán nguyên liệu sản xuất thuốc giữa Dược Cửu Long và nhà cung cấp. Tuy vậy, các bị can đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không xem xét, đánh giá việc thực hiện điều khiển đàm phán giá mua nguyên liệu, không kiểm tra báo cáo tài chính, chứng từ thanh toán… Hậu quả dẫn đến không phát hiện Dược Cửu Long được giảm giá và giữ lại số tiền 3,848 triệu USD.
Trong đó, ông Cao Minh Quang với tư cách trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir, ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc. Tuy nhiên, khi được trưởng đoàn là ông Nguyễn Việt Hùng báo cáo về việc Dược Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp 3,848 triệu USD, đồng thời cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều có chỉ đạo kiểm tra đối với số tiền này, ông Quang đã không chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.
Tại cơ quan điều tra, ông Quang khai khi được Bộ Y tế chỉ đạo kiểm tra số tiền 3,848 triệu USD, ông đã giao Cục Quản lý Dược tổng hợp ý kiến để báo cáo Thủ tướng, nhưng Cục Quản lý Dược không làm theo. Do bận nhiều việc, bị can không đề xuất hay giao đơn vị có chức năng kiểm tra tiếp. Ông Quang còn cho rằng việc kiểm tra tài chính là nhiệm vụ của thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách tài chính, không thuộc nhiệm vụ của mình. Dù vậy, ông thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức trách được giao. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, ông Quang có đơn gửi cơ quan điều tra và VKS xác nhận sai phạm, đồng thời tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Xem thêm video: Xét xử sơ thẩm vụ án Nhật Cường