Sắp xuất hiện sao chổi lớn hơn đỉnh núi Everest
Theo các nhà thiên văn học, một sao chổi lớn hơn đỉnh núi Everest có thể được nhìn thấy bằng mắt thường trong những tuần tới, khi nó tiến vào sâu hơn vào hệ mặt trời sau hơn 70 năm.
12P/Pons-Brooks là một sao chổi loại Halley – nghĩa là nó sẽ chỉ xuất hiện một hoặc có thể hai lần trong một đời người. Nó đi vòng quanh quỹ đạo của nó 71,3 năm một lần và sẽ tiến gần mặt trời nhất vào ngày 21/4. Mặc dù một số báo cáo cho rằng 12P/Pons-Brooks được phát hiện từ thế kỷ 14, nó được đặt tên theo nhà thiên văn học người Pháp Jean-Louis Pons, người chính thức ghi nhận ngôi sao vào năm 1812 và nhà thiên văn học người Mỹ gốc Anh William Robert Brooks, người đã theo dõi nó trong quỹ đạo tiếp theo vào năm 1883.
Với một hạt nhân được ước tính có đường kính khoảng 30 km, nó được xếp vào loại sao chổi băng lạnh, nghĩa là nó phun trào bụi, khí ga và băng trong khi áp suất tích tụ bên trong nó được nung nóng. Một đợt bùng phát vào năm ngoái đã khiến 12P/Pons-Brooks sáng lên gấp trăm lần và khiến nó được mệnh danh là “Sao chổi quỷ dữ”, sau khi đám mây mù bao quanh nó tạo thành hình cái sừng.
Trong khi sao chổi màu xanh lục này đã được phát hiện trên bầu trời đêm, các chuyên gia tin rằng nó sẽ còn sáng hơn nữa trong những tuần tới. “Sao chổi dự kiến sẽ đạt cường độ 4,5, điều đó có nghĩa là nó có thể được nhìn thấy từ một địa điểm tối. Sao chổi sẽ di chuyển từ chòm sao Andromeda đến Song Ngư. Bởi vì nó đi ngang qua các ngôi sao sáng, bạn sẽ dễ dàng phát hiện nó hơn vào những ngày nhất định. Đặc biệt, vào ngày 31/3, 12P/Pons-Brooks sẽ chỉ cách ngôi sao sáng Hamal 0,5 độ”, tiến sĩ Paul Strøm, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Warwick (Anh), nói.
Nhưng tiến sĩ Robert Massey, phó giám đốc điều hành của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia (Anh) cho biết, ngay cả khi sao chổi trở nên sáng hơn thì vẫn có thể khó nhìn thấy nó, đồng thời nói thêm rằng các dụng cụ cơ bản như kính thiên văn sẽ giúp ích rất nhiều. Hiện những góc nhìn đẹp nhất sẽ là từ bán cầu bắc. Tiến sĩ Massey khuyên rằng những người muốn ngắm sao chổi nên ra ngoài vào một buổi tối trời trong và nhìn về phía Tây-Tây Bắc khi hoàng hôn kết thúc. “Bạn nên tránh sương mù, ánh trăng, và ô nhiễm ánh sáng”.
Theo ông Strøm, sao chổi, cũng như các tiểu hành tinh, thường được coi là những tài nguyên chưa được sử dụng của hệ mặt trời, cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các điều kiện hình thành nó. Ông Massey cho biết cũng có sự phấn khích xung quanh việc nhìn thấy một sao chổi chỉ mới được quan sát một vài lần kể từ khi được phát hiện chính thức. “Đó là một điều khá hay để chúng ta suy ngẫm”, ông nói.