Sát cánh cùng các sản phụ nhiễm Covid-19

Những ngày cuối năm Tân Sửu, số sản phụ nhiễm Covid-19 nhập viện vẫn liên tục tăng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2. Nguy cơ quá tải vẫn luôn thường trực vì có rất nhiều sản phụ nhiễm Covid-19 chưa tiêm vaccine, diễn biến chuyển nặng nhanh cần phải theo dõi và điều trị sát sao.

Nhiều ca can thiệp cho các thai phụ nhiễm Covid-19 để cứu tính mạng cả mẹ và con.

Nhiều ca can thiệp cho các thai phụ nhiễm Covid-19 để cứu tính mạng cả mẹ và con.

Căng thẳng vì 78,8% sản phụ chưa tiêm vaccine

Với chỉ tiêu giường ban đầu là 50 điều trị sản phụ nhiễm Covid-19, số giường tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2 tăng lên nhanh chóng với 140 giường vào giữa tháng 1.

ThS, BSCK2 Nguyễn Công Định, Giám đốc cơ sở 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, cơ sở hiện đang điều trị cho khoảng 130 sản phụ và 40 em bé, trong đó có khoảng 10% bệnh nhân trung bình, nặng.

Số thai phụ chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vaccine. Dựa trên con số 300 sản phụ nhập viện giai đoạn 1 (6 tuần đầu tiên), có tới 78,8% sản phụ chưa tiêm vaccine. Đặc biệt, trong số 49 bệnh nhân nặng nằm tại đây, chỉ duy nhất có 1 trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, còn lại 48 trường hợp chưa tiêm mũi nào hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine.

“Người bình thường nhiễm Covid-19 chỉ có khoảng 20% có triệu chứng, nhưng với các thai phụ đến 90% có triệu chứng và diễn biến chuyển từ nhẹ sang trung bình và nặng rất nhanh. Nhiều trường hợp có thể chuyển sang thể nguy kịch ngay lập tức nên việc chăm sóc đòi hỏi chăm cả mẹ và em bé, sơ sểnh 1 trong 2 là thất bại”, bác sĩ Định nói.

 Các sản phụ nhiễm Covid-19 được theo dõi đặc biệt.

Các sản phụ nhiễm Covid-19 được theo dõi đặc biệt.

Theo bác sĩ Định, phụ nữ mang thai cơ thể mệt mỏi, kháng thể kém hơn kèm với yếu tố đông máu tăng hơn so với người bình thường. Đặc biệt các thai phụ trên 24 tuần thai chưa tiêm vaccine nguy cơ chuyển nặng rất cao.

Có những tình huống, nhiều thai phụ phải kết thúc thai kỳ sớm lúc 29-31 tuần khi tình trạng của mẹ diễn biến nặng nhanh, nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và con. Nhiều em bé non tháng chào đời sớm có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh tật.

Có nhiều lý do các sản phụ đưa ra khi nhiễm Covid-19 nằm điều trị tại đây, trong đó có 2 lý do chính là sợ ảnh hưởng tới em bé và lo ngại tác dụng phụ của vaccine.

Tuy nhiên, bác sĩ Định nhấn mạnh, cả 2 vấn đề này không đúng. Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho sản phụ từ 13 tuần thai trở lên, do đó các sản phụ không cần phải lo lắng về cấu trúc của em bé.

Thứ hai, tác dụng phụ của vaccine có thể xảy ra nhưng không thể xảy ra với tất cả thai phụ. Tác dụng phụ đó sẽ trôi qua nhanh chóng nhưng lợi ích mà vaccine mang lại vượt trội hơn so với không tiêm.

Giấu nỗi buồn phía sau những thành công

Điều kiện chăm sóc không thể tốt như các cơ sở tuyến trên, việc cung cấp thực phẩm cho sản phụ cũng trong điều kiện hạn chế. Đó là lý do nhiều sản phụ không hợp tác, thậm chí còn lên mạng xã hội để phàn nàn.

Bác sĩ Định cho hay, đó là điều rất buồn với các y, bác sĩ. Thực tế, trong điều kiện Covid-19, sản phụ không thể nào đòi hỏi có phòng riêng, có người nhà chăm sóc và được mang nhiều đồ ăn vào. Tất cả tại đây đều phải bảo đảm quy trình chống lây nhiễm, xử lý rác thải đúng quy trình và nhân lực không thể đủ để hỗ trợ được mọi yêu cầu của sản phụ.

 Có 40 em bé được chăm sóc tại bệnh viện dịp Tết nguyên đán.

Có 40 em bé được chăm sóc tại bệnh viện dịp Tết nguyên đán.

Bên cạnh đó, thời gian qua, bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị một số thai phụ mắc Covid-19 chuyển nặng do tự theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp điển hình là sản phụ mang thai lần 2, thai 30 tuần 6 ngày, chưa tiêm vaccine Covid-19. Ngày 14/1, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, sốt, tự test nhanh Covid-19 và tự theo dõi tại nhà. Ngày 20/1, bệnh nhân được được chuyển vào khu điều trị thai phụ F0 tại Cơ sở 2 - 38 Cảm Hội của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội lúc 21 giờ 30 phút trong tình trạng khó thở, tần số thở 37 lần/phút, SpO2 88%, nhịp tim nhanh 137 lần/phút, HA 110/60mmHg, sốt 39,2 độ, tim thai dao động 160-170 lần/phút.

Sản phụ được tiến hành cấp cứu thở ô-xy mặt nạ túi không hiệu quả, chuyển thở máy HFNC, xét nghiệm cho thấy dấu hiệu tăng viêm, bão cytokin. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp cấp thể nặng, sau khi hội chẩn các bác sĩ đi đến quyết định chấm dứt thai kỳ.

Ê-kíp BSCKII Trương Minh Phương và ThS, BS Đặng Tiến Long mổ cấp cứu lấy ra một bé trai 1.600g. Sau mổ, sản phụ và trẻ sơ sinh tiếp tục được hồi sức, điều trị tích cực theo phác đồ.

"Phụ nữ mang thai vốn có sức đề kháng yếu hơn người bình thường, đó là lý do khiến họ trở thành đối tượng nhạy cảm trong hoàn cảnh đại dịch. Để bảo đảm an toàn cho tính mạng của mẹ và thai nhi, tất cả phụ nữ mang thai khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đều phải thông báo với trung tâm y tế phường để được phân luồng theo dõi và điều trị, không được tự theo dõi và điều trị tại nhà", bác sĩ Định khuyến cáo.

Nỗ lực hết mình vì các sản phụ và thai nhi

Chưa từng chiến đấu ở mặt trận điều trị Covid-19, đầu tháng 12/2021, các nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ có đúng 5 ngày để triển khai cơ sở điều trị sản phụ nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Định kể lại, trong 5 ngày đó, một cơ sở hoàn toàn điều trị ngoại trú phải tăng tốc chuẩn bị mọi vật tư, trang thiết bị để trở thành cơ sở điều trị nội trú cho sản phụ F0. Bài toán đặt ra là phải phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nhất để tránh lây nhiễm.

Các bác sĩ can thiệp chấm dứt thai kỳ sớm cho sản phụ nhiễm Covid-19.

Các bác sĩ can thiệp chấm dứt thai kỳ sớm cho sản phụ nhiễm Covid-19.

Trong tuần đầu, các anh em khá lo lắng vì phải xây dựng quy trình, phải học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã từng chống dịch thành công. Cả cơ sở ban đầu có 3 bác sĩ sản, 1 bác sĩ gây mê, 1 bác sĩ sơ sinh gần như không nghỉ ngơi phút nào trong 3 tuần đầu tiên. Bất kỳ tình huống nào đều có thể xảy ra trong những tuần đầu và vì thế không một ai dám lơ là. Đồng thời, anh em cũng cố gắng không để xảy ra lây nhiễm trong khu điều trị, thấu hiểu nỗi lo lắng của thai phụ và điều trị tốt nhất cho họ.

“Những hôm đầu tiên, chúng tôi gần như không ngủ. Bệnh nhân tăng nhanh, chuyển nặng cũng nhiều, chúng tôi lo lắng không biết có điều trị được không, trường hợp nào cần chuyển tuyến. Mỗi ngày đều rút kinh nghiệm từng chút một. Sau 1 tuần có kinh nghiệm tốt hơn, thành quả cũng đã đến. Chúng tôi đã tự tin để điều chỉnh thuốc, đặt ô-xy, hoàn thiện công tác chăm sóc tốt hơn, bệnh nhân được cứu sống nhiều hơn, không bị trở nặng. Đến nay, tại cơ sở chúng tôi chưa bệnh nhân nào tử vong”, bác sĩ Định cho hay.

Những kỳ tích cũng đã được lập nên tại cơ sở này, trong đó có một ca cứu sống thai phụ và song thai 30 tuần thoát khỏi cửa tử vì Covid-19 thể nguy kịch; mổ đẻ thành công cứu sống song thai cho sản phụ làm IVF.

 Gần 70 cán bộ y tế sẽ làm việc xuyên Tết nguyên đán chăm sóc các sản phụ.

Gần 70 cán bộ y tế sẽ làm việc xuyên Tết nguyên đán chăm sóc các sản phụ.

Tết năm nay đặc biệt hơn với các bác sĩ xung phong tình nguyện chăm sóc sản phụ nhiễm Covid-19 của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hơn 70 nhân viên y tế bám trụ xuyên Tết Nguyên đán, có 43 người ở vòng trong đang làm việc căng hết sức với khối lượng công việc khổng lồ. Mặc dù nhớ nhà, có những người đi nhiều ngày chưa được về, nhưng với mục tiêu cao nhất chăm sóc, điều trị tốt nhất cho các sản phụ, các nhân viên y tế đã sẵn sàng trực chiến.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/sat-canh-cung-cac-san-phu-nhiem-covid-19-684332/