Sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp vượt biến động thuế quan toàn cầu
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã và đang tích cực đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm giải pháp để linh hoạt, chủ động vượt 'bão thuế quan toàn cầu' đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp. Đây là thông tin được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết khi trao đổi với phóng viên.

Ngành gỗ - một trong những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Hoa Kỳ năm 2004. Ảnh: Lê Toàn
PV: Biến động thuế quan toàn cầu đang khiến tình hình thương mại thế giới gặp nhiều khó khăn, trong đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang chật vật tìm phương kế. Với vai trò của mình, VCCI đã kịp thời phản ứng ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Công: Những biến động thuế quan toàn cầu mà xuất phát từ tuyên bố sẽ áp dụng thuế đối ứng lên nhiều quốc gia từ Hoa Kỳ đã tạo áp lực rất lớn cho tình hình thương mại toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Mặc dù phía Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ - thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của chúng ta.
Trong những ngày qua, cùng với các hoạt động, các cuộc họp của Chính phủ, bộ, ngành liên quan, VCCI cũng đã gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đồng thời cũng gửi thư tới Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Phòng Thương mại Los Angeles, Phòng Thương mại San Francisco… với mong muốn các đối tác ủng hộ vận động Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối với Việt Nam.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khai mở thị trường
Trong thời gian tới, VCCI cũng tiếp tục nắm bắt tình hình, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành giúp các doanh nghiệp trong việc khai mở thị trường, xúc tiến thương mại. Sát cánh cùng doanh nghiệp, VCCI sẽ đề xuất với Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tìm ra kế sách vượt bão thuế quan.
Trong thời gian này, VCCI tiếp tục cập nhật thông tin chính xác và kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp về các sắc thuế mới của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã đánh giá tác động đa chiều tới các ngành hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo kịp thời lên Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng, nhằm đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả, bền vững. Hiện nay, VCCI đã có những đánh giá bước đầu về tác động của việc áp thuế đối ứng với các ngành hàng.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể những ngành hàng nào của Việt Nam sẽ chịu tác động từ quyết định thuế của Hoa Kỳ?
Ông Phạm Tấn Công: Theo rà soát của chúng tôi, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử. Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương - mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô. Không chỉ vậy, chúng ta còn đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, "trong nguy luôn có cơ". Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
PV: Hiện nay, Chính phủ, các cấp ngành, cộng đồng doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp đối ứng đảm bảo hài hòa quyền lợi thương mại với Hoa Kỳ. Trong bối cảnh này, ông có đề xuất gì với cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Phạm Tấn Công: Đối với Chính phủ các nước thì 90 ngày này là khoảng thời gian để kịp thời đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận tốt nhất cho doanh nghiệp. Còn với các doanh nghiệp thì đây cũng là cơ hội để tận dung 90 ngày để nhìn nhận và tăng tốc xử lý nhiều vấn đề như: các hợp đồng đã ký kết, việc xử lý hàng hóa, dây chuyền sản xuất sẽ như thế nào, phương án nối lại thị trường ra sao?
Đối với Việt Nam, trong 90 ngày tới, cần ưu tiên một số trọng tâm. Một là, phải ưu tiên đàm phán sao cho đạt kết quả tốt nhất, đảm bảo cho Việt Nam không mất đi những lợi thế cạnh tranh vốn có, cũng như những bước lùi cần thiết, nằm trong sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, cần định vị những giải pháp, xây dựng được những kịch bản để giữ thế chủ động trong thích ứng. Nếu đàm phán đạt kết quả cao, kết quả trung bình hay kết quả thấp thì giải pháp tương ứng để xử lý là gì? Chiến lược, định hướng phát triển nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sẽ như thế nào?
Ba là, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ. Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bốn là, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng. Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics - để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Việc đa dạng hóa thị trường cần nhìn rộng hơn bằng việc chọn thêm trụ cột mới của nền kinh tế. Đó là phát triển thị trường nội địa song song với xuất khẩu. Cùng với việc mở thêm không gian cho các thị trường mới thông qua việc ký kết các FTA.
Điều quan trọng cần làm là hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, chuyển đổi công nghệ, các công cụ về tài chính về đất đai, tạo thêm các quỹ, các chương trình khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Nhà nước có thể dành một phần tăng thu ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển song song với thúc đẩy đầu tư công.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cộng đồng kinh doanh Hoa Kỳ ủng hộ đề xuất của Việt Nam
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, VCCI đồng hành cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) bày tỏ sự mong muốn chính quyền Hoa Kỳ tăng cường đối thoại; tạm hoãn việc áp mức thuế mới với Việt Nam.
VCCI đã cùng với AmCham gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ bày tỏ: “Mặc dù thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng nguyên nhân của sự gia tăng này dường như đến từ môi trường đầu tư thuận lợi và xu hướng dịch chuyển, đánh giá lại chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo an toàn”. Chính vì vậy, VCCI và AmCham cho rằng: “nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp”. Đồng thời, VCCI đồng hành cùng Amcham tại Việt Nam, USABC bày tỏ sự mong muốn chính quyền Hoa Kỳ tăng cường đối thoại.
VCCI tin tưởng rằng với thiện chí và nỗ lực từ cả hai phía, quá trình đàm phán sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ. Thuế suất thấp hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và đối với các sản phẩm đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ giúp ích cho các công ty, nền kinh tế và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Một thỏa thuận nhanh chóng và công bằng sẽ giúp tạo ổn định cho doanh nghiệp và góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng cán cân thương mại theo hướng đôi bên cùng có lợi./.