Sát cánh vì thành phố bình yên
Thời gian qua công tác phối hợp giữa các cơ quan báo chí với lực lượng Công an nhân dân ngày càng chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, Báo Lao động Thủ đô là một trong những đơn vị đồng hành cùng lực lượng Công an, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt vì sự bình yên của Thành phố.
Phối hợp chặt chẽ
Những ngày đầu tháng 6, trong cái nắng trưa hè oi bức, nhà báo Hà Hạnh Dung - Truyền hình Nhân dân, vẫn tập trung hết sức cho cảnh quay trong phóng sự tuyên truyền đảm bảo an toàn, kỹ năng phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Ba Đình. Dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt không ngăn được bước chân thoăn thoắt trèo lên những bậc thang để có được những cảnh quay ưng ý. “Tôi theo mảng tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, đã từng đến hiện trường rất nhiều vụ cháy nghiêm trọng, chứng kiến những hình ảnh thương tâm. Khi về nhà, những hình ảnh ấy cứ lẩn khuất trong đầu, đã thôi thúc tôi phải làm sao có được nhiều hơn những phóng sự, bài viết cảnh báo về mức độ nguy hiểm của hỏa hoạn đến với nhiều người dân hơn nữa”, nhà báo Hà Hạnh Dung chia sẻ.
Theo nhà báo Hà Hạnh Dung, trong quá trình tác nghiệp, chị luôn được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ phía lực lượng Công an cũng như chính quyền địa phương. “Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để tôi thực hiện hàng nghìn lượt tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền, phản ánh những thành tích, kết quả nổi bật về các mặt của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm chung trong công tác đảm bảo an ninh trật tự”, nữ nhà báo Truyền hình Nhân dân cho hay.
Được cơ quan giao theo dõi đưa tin các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông… không biết hữu duyên hay vì yêu thích lĩnh vực này, mà đến nay, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã có nhiều thời gian gắn bó với lực lượng Công an thành phố Hà Nội. Chúng tôi đã có nhiều ngày đồng hành, tác nghiệp cùng lực lượng Công an trên các tuyến phố, đi từng ngõ, từng nhà kịp thời phản ánh những khó khăn, gian khổ, vất vả, cống hiến thầm lặng, hy sinh anh dũng của lực lượng Công an Thủ đô; tuyên truyền, biểu dương, lan tỏa sâu rộng những tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; qua các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam, hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Thủ đô vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhiều đêm không ngủ cùng các Tổ công tác 141 cắm chốt trên những tuyến đường, đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời phát hiện các đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự… tôi đã chứng kiến những sự vất vả, hy sinh của lực lượng chức năng. Thời gian gần đây, xuất hiện một số nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe máy có các hành vi như: Nẹt pô, rú ga, xe không gắn biển số... cầm hung khí chạy rất nhanh trên đường, gây bức xúc trong dư luận. Hình ảnh những chiến sĩ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động phải đối diện với những chiếc xe lao vun vút trên đường của nhóm thanh, thiếu niên quả thật khiến nhiều người chứng khiến không khỏi lo lắng. Cùng với đó, sự liều lĩnh manh động của các đối tượng thường rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ… Tuy nhiên, các Tổ công tác 141 đã thường xuyên có mặt tại các địa bàn trọng điểm để kiềm chế kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng trên.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 2, Tổ trưởng Tổ công tác Y2/141, cho biết, các đối tượng tàng trữ ma túy thường rất ngoan cố, thủ đoạn, manh động, che giấu tinh vi, tìm mọi cách chối tội, phi tang hòng qua mắt lực lượng chức năng hoặc bỏ chạy khiến tổ công tác phải truy đuổi rất vất vả, nguy hiểm. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần kiên quyết đấu tranh đến cùng với tội phạm ma túy đường phố, tổ công tác vẫn buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận tội. “Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí và đội ngũ những người làm báo đã luôn phối hợp, ủng hộ, đồng hành cùng lực lượng 141 trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Anh em trong Tổ công tác vẫn luôn trân trọng sự đồng hành của các phóng viên, nhà báo đã ghi lại những hình ảnh chân thực về công việc cũng như tinh thần kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm của lực lượng Công an”, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải cho hay.
Thay đổi để bắt kịp xu hướng
Mỗi người có một cách đến với nghề báo. Dù không được đào tạo chuyên ngành về báo chí, nhưng từ ham thích đọc báo, được trải nghiệm sau những chuyến đi, tôi đã viết được nhiều tác phẩm báo chí, trong đó có nhiều tin bài có sức ảnh hưởng đến một số mặt của đời sống xã hội. Có một câu nói mà tôi vẫn luôn ghi nhớ: “Nếu bạn không có đam mê cho công việc của mình thì đừng chọn nó, và nếu đã lựa chọn thì hãy làm hết khả năng để theo đuổi nó”. Dẫu biết rằng, làm báo là sẽ phải đối đầu với những khó khăn, vất vả nhưng niềm đam mê, yêu thích công việc này chính là động lực để tôi cố gắng.
Khoảng 10 năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội khiến báo chí bị đặt vào thế cạnh tranh khốc liệt khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng, vừa phải cạnh tranh thu hút độc giả, kéo độc giả về phía mình. Thì lúc này, sự “đam mê”, “bản lĩnh” và“trách nhiệm” chính là ngọn lửa dẫn dắt những người làm báo không bị chông chênh trước những sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.Và trên con đường làm báo, tôi đã được học hỏi từ những người anh, người đồng nghiệp đi trước trong cơ quan; và được gặp nhiều nhà báo vẫn tiếp tục không quản hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc, thiên tai, bão lũ; làm phóng sự điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp… Và rất nhiều trong số đó đã không ngại thay đổi, tích cực, say mê học hỏi để trau dồi thêm kiến thức lý luận, kĩ năng nghiệp vụ và đặc biệt là tiếp cận với các công nghệ mới, xu hướng mới của báo chí hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình.
Phạm Đức Ngọc - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hai Bà Trưng, nhấn mạnh, các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết, phóng sự xã hội sâu sắc, thể hiện sự sẻ chia với những gian khổ của lực lượng Công an; phản ánh những chiến công, thành tích của lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Đồng thời tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt trong phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lan tỏa những thông tin tích cực về lực lượng Công an nhân dân.
Đi cùng, thức cùng, tác nghiệp cùng
Nếu như cán bộ Công đoàn phải “ăn cùng”, “ở cùng” với công nhân để nắm bắt tình hình thực tế, thì đối với những phóng viên báo chí chuyên theo dõi mảng an ninh trật tự có dịp “đi cùng, thức cùng, tác nghiệp cùng” 5 tổ công tác “đặc biệt” Công an thành phố Hà Nội mới thấy nỗi vất vả của các chiến sỹ “thức cho dân ngủ” ra sao.
Ghi nhận trong các khung giờ cao điểm từ 6-8h sáng và 17-18h chiều, trên các tuyến đường xuyên tâm, các trục giao thông chính Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Giải Phóng, Xã Đàn, Đại Cồ Việt… mật độ phương tiện tại các nút giao thông trọng điểm tuy có đông nhưng vẫn bảo đảm thông suốt. Người và phương tiện di chuyển chậm theo sự hướng dẫn của các lực lượng chức năng. Vào thời điểm trên, 5 Tổ công tác đặc biệt vẫn cắm chốt làm nhiệm vụ xử lý những lỗi vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông như: Người điều khiển xe mô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, đối tượng giả dạng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật điều khiển xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp...
Nhìn vào thực tế, một số đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ mong muốn, các cơ quan báo chí nói chung, Lao động Thủ đô nói riêng đã làm tốt công tác tuyên truyền về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông tới đây tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền sâu hơn, rộng hơn góp phần vào sự bình yên của Thành phố vì an toàn cho mỗi người dân và du khách gần xa khi đến Thủ đô thân yêu.
Trước đó, ngày 16/5, Công an thành phố Hà Nội tổ chức ra quân 5 tổ công tác đặc biệt để tuần tra, xử lý vi phạm giao thông các khu vực nội thành. Khác với kế hoạch 141 Công an Thành phố đã được triển khai thời gian qua, 5 tổ công tác đặc biệt không có sự tham gia của Cảnh sát hình sự. Các tổ này sẽ tập trung xử lý vi phạm vào khung giờ cao điểm, tại các nút giao thông và các tuyến đường trọng điểm. Đặc biệt, khi triển khai nhiệm vụ, 5 tổ công tác linh hoạt vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều. Đồng hành cùng 5 Tổ công tác tại các tuyến đường nội thành của Thủ đô, dễ dàng nhận thấy, sau một thời gian đưa vào hoạt động, các vi phạm giao thông đã giảm, ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Tại những điểm có các tổ công tác phối hợp cùng Cảnh sát giao thông và Công an địa bàn không xảy ra ùn tắc, va chạm và tai nạn giao thông. Người dân chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh người tham gia điều tiết giao thông đi đúng làn, không chen lấn, dần dần tạo thói quen tham gia giao thông văn minh, lịch sự.
Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội thống kê, chỉ tính riêng trong 30 ngày (từ 16/5 - 16/6), 5 tổ công tác đặc biệt đã xử lý 2.847 trường hợp vi phạm. Trung bình mỗi ngày 5 tổ xử lý được 105 trường hợp vi phạm; số tiền phạt ước tính 2,553 tỷ đồng, tạm giữ 776 phương tiện, tước 120 giấy phép lái xe…Ngoài tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, điều khiển xe lạng lách đánh võng..., các tổ công tác sẽ tiếp tục thực hiện kiểm soát tại một điểm và kết hợp tuần tra kiểm soát lưu động, mục đích là khép kín địa bàn được phân công để thực hiện xử lý nghiêm các lỗi vi phạm.
Tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông
Qua khảo sát, phóng viên nhận thấy, các tổ công tác đặc biệt đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Anh Đỗ Minh Phú (ở quận Thanh Xuân) cho biết, qua các kênh thông tin anh rất ủng hộ chủ trương hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, các anh đã góp phần giữ bình yên cho Thủ đô. Có thêm các tổ công tác đặc biệt người dân càng yên tâm tham gia giao thông văn minh, lịch sự đi đúng làn đường, không chen lấn xô đẩy. “Cá nhân tôi cảm thấy khi có lực lượng chức năng thường xuyên xuất hiện trên các tuyến phố, đã hạn chế rất nhiều trường hợp lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, anh Phú chia sẻ.
Nếu như cán bộ Công đoàn phải “ăn cùng”, “ở cùng” với công nhân để nắm bắt tình hình thực tế, thì đối với những phóng viên báo chí chuyên theo dõi mảng an ninh trật tự có dịp “đi cùng, thức cùng, tác nghiệp cùng” 5 tổ công tác “đặc biệt” Công an thành phố Hà Nội mới thấy nỗi vất vả của các chiến sỹ “thức cho dân ngủ” ra sao.
Đại úy Tạ Đức Hùng, Tiểu đoàn số 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, việc luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của người dân Thủ đô chính là nguồn động lực để các lực lượng tham gia công tác hoàn thành nhiệm vụ, dù vẫn còn nhiều người vi phạm tỏ thái độ không hợp tác, gây khó khăn.Trực tiếp làm nhiệm vụ, chỉ huy Tổ công tác, Trung tá Nguyễn Hoàng Hải, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2 thông tin, quá trình kiểm tra, một số trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu nhằm tránh né việc kiểm tra. Tuy nhiên, các tổ công tác đã có các phương án phối hợp xử lý, nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông khác. “Cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác gặp nhiều khó khăn, vất vả từ điều kiện thời tiết đến thực tế làm việc song vẫn quyết tâm vượt nắng thắng mưa để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Trung tá Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, thực hiện Kế hoạch số 172 về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự, an toàn giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông. Các tổ công tác đặc biệt đã tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuộc về ý thức tham gia giao thông đã tạo chuyển biến tích cực. Những vi phạm quy định về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; chở quá số người quy định; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; điều khiển xe ba, bốn bánh tự sản xuất… đã giảm hẳn. Ngoài ra, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các Tổ công tác chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông. Cũng trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong quá trình tham gia giao thông, để lại ấn tượng đẹp trong mắt nhân dân thủ đô, thể hiện tinh thần “Đâu dân cần Cảnh sát giao thông có, đâu dân khó có Cảnh sát giao thông”.
Nhìn vào thực tế, một số đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ mong muốn, các cơ quan báo chí nói chung, Lao động Thủ đô nói riêng đã làm tốt công tác tuyên truyền về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông tới đây tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền sâu hơn, rộng hơn góp phần vào sự bình yên của Thành phố vì an toàn cho mỗi người dân và du khách gần xa khi đến Thủ đô thân yêu.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/sat-canh-vi-thanh-pho-binh-yen-172468.html