Sạt lở bờ sông ở huyện Châu Thành ngày càng phức tạp

Tỉnh Đồng Tháp nói chung và huyện Châu Thành nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là sạt lở bờ sông. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt và địa hình thấp trũng, những năm gần đây, tần suất các vụ sạt lở xảy ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện trường vụ sạt lở tại tuyến huyện lộ Rau Cần - Xã Khánh, thuộc địa bàn xã Phú Long vào tháng 7/2024 (Ảnh: Nhựt An)

Hiện trường vụ sạt lở tại tuyến huyện lộ Rau Cần - Xã Khánh, thuộc địa bàn xã Phú Long vào tháng 7/2024 (Ảnh: Nhựt An)

Theo UBND huyện Châu Thành, sạt lở, sụt lún bờ sông trên địa bàn huyện những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, không chỉ xuất hiện ở các con sông lớn mà hiện nay sạt lở còn lấn sâu vào các kênh, rạch nhỏ. Có 3 nguyên nhân chính gây ra sạt lở gồm: do mất đất sản xuất, nước lũ dâng cao, biên độ giữa mùa lũ và mùa cạn lớn gây áp lực lên đê bao; việc xây nhà, công trình trên bờ sông làm tăng tải trọng gây sạt lở; giao thông thủy, thiếu phù sa bồi đắp khiến bờ sông bị xói mòn nghiêm trọng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 22 vị trí sạt lở với chiều dài sạt lở tương đối nhỏ từ 10 - 90m, ước thiệt hại 4.760,5 triệu đồng. Các khu vực thường xảy ra sạt lở gồm: tuyến rạch Nha Mân - Tư Tải, Xẽo Mát - Cái Vồn; kênh Ba Càng. Sạt lở chủ yếu xảy ra ở các vị trí cũ.

Điển hình như vụ sạt lở xảy ra ven bờ sông Tiền, thuộc ấp An Hòa, xã An Hiệp vào cuối tháng 7/2024 đã làm mất gần 6.000m2 đất trồng cây ăn trái, gây bất an cho người dân trên khu vực. Hay vụ sạt lở tại tuyến huyện lộ Rau Cần - Xã Khánh, thuộc địa bàn xã Phú Long vào ngày 10/7/2024 đã “nuốt” gần hết mặt đường, khiến tuyến đường huyết mạch nối xã Phú Long bị chia cắt, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của người dân. Mặc dù không thiệt hại về người, nhưng vụ sạt lở như một “vết thương” lớn trên đất đai, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân, giao thông chia cắt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của người dân.

Theo ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, ngay sau khi xảy ra các vụ sạt lở không ảnh hưởng đến tài sản, vật kiến trúc và hạ tầng, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tổ chức cắm bảng cảnh báo nguy hiểm và giăng dây rào chắn; trường hợp sạt lở ảnh hưởng đến đường giao thông, sẽ tổ chức rào chắn cắt giao thông, phân luồng giao thông. Chủ động ứng phó tình huống thiên tai, hàng năm, UBND huyện đã xây dựng dự toán chi Quỹ phòng, chống thiên tai, kế hoạch phòng, chống thiên tai, kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn...

Hiện trường vụ sạt lở tại ấp An Hòa, xã An Hiệp vào cuối tháng 7/2024 (Ảnh: Nhựt An)

Hiện trường vụ sạt lở tại ấp An Hòa, xã An Hiệp vào cuối tháng 7/2024 (Ảnh: Nhựt An)

Thông qua tuyên truyền, ý thức phòng, chống thiên tai của người dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên và thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả. Mặc dù vậy, do các khó khăn về kinh phí và quy trình đầu tư xây dựng theo quy định mất nhiều thời gian nên việc khắc phục sự cố thiên tai kéo dài, mất nhiều thời gian...

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết thêm, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài được địa phương triển khai thực hiện đó là khuyến cáo người dân không xây dựng nhà cửa, lều quán trên bờ sông để hạn chế áp lực lên các công trình giao thông; trồng cây bần để củng cố bờ sông. Địa phương điều chỉnh lại các công trình giao thông, cụ thể, đối với các tuyến giao thông mới sẽ xây dựng cách xa bờ sông để giảm áp lực lên bờ và đảm bảo ổn định lâu dài, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/moi-truong/sat-lo-bo-song-o-huyen-chau-thanh-ngay-cang-phuc-tap-126799.aspx