Bãi biển xã Phú Thuận là một trong những bãi biển đẹp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thu hút nhiều người dân, du khách tới tắm biển, vui chơi vào những ngày nắng nóng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay bờ biển xã Phú Thuận có tổng chiều dài khoảng 4,5km. Những năm qua, việc đầu tư, xây dựng một số đoạn bờ kè giúp giải quyết được tình trạng sạt lở gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vị trí chưa được đầu tư xây kè dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp.
Đáng chú ý, tại vị trí bãi tắm tiếp giáp phường Thuận An (TP Huế), biển ăn sâu vào đất liền với chiều dài 300m, xâm thực vào 30-40m. Đoạn từ Tân An đến Xuân An dài hơn 1,4km ăn sâu vào đất liền 20-30m và đoạn giáp xã Phú Hải với chiều dài 180m, ăn sâu vào đất liền từ 20-30m.
Tình trạng sạt lở tại bãi tắm xã Phú Thuận khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tắm biển của người dân.
Sạt lở ngày càng ăn sâu.
Những mảng bê tông bị nứt gãy theo thời gian.
Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, xã đã được đầu tư khoảng 2,5km kè biển và 0,5km kè ngầm với tổng kinh phí gần 354 tỷ đồng. Hiện còn khoảng 1,9km chưa được đầu tư, dẫn đến tiếp tục xuất hiện sạt lở nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản người dân và hạ tầng giao thông, du lịch.
"Việc đầu tư kè biển ngoài ứng phó sạt lở, còn giúp địa phương ổn định dân cư, phát triển sản xuất, nhất là dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng của một xã biên giới biển", ông Dân nói.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, trước tình trạng sạt lở như hiện nay, xã kiến nghị cơ quan chức năng triển khai thi công đoạn kè biển từ Tân An đến Xuân An trước mùa mưa bão. Đầu tư kè tại bãi tắm Phú Thuận theo hướng đóng cọc bê tông dự ứng lực sát mặt đất để giữ bãi tắm, đồng thời đầu tư kè đoạn còn lại tại thôn An Dương 3, giáp xã Phú Hải.
Video: Sạt lở, xâm thực diễn biến phức tạp giữa mùa khô đe dọa bãi tắm.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hàng năm, do ảnh hưởng thiên tai và thời tiết cực đoan làm cho tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển, bồi lấp cửa biển diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng với chiều dài khoảng hơn 21km bờ biển bị sạt lở/trên tổng số 127km bờ biển của tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn tỉnh đầu tư xây dựng được khoảng 9,38km/21km kè chống sạt lở bờ biển tại các đoạn xung yếu, nguy hiểm và ổn định cửa biển với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
"UBND tỉnh bố trí nguồn vốn, đang tiếp tục triển khai xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở bờ biển xung yếu qua các thôn Tân An - Trung An - Xuân An, xã Phú Thuận với tổng kinh phí dự kiến khoảng 250 tỷ đồng, bằng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 và nguồn ngân sách tỉnh", ông Hòa nói.
Hoàng Dũng