Sắt son vì sự nghiệp

…'Một đời nghề báo' của Tâm Đắc đã được bộc lộ, ấp ủ sau một chặng đời công tác liên tục gần 40 năm làm báo, tự nguyện, dấn thân của tác giả - nhà báo chiến sĩ. Bắt đầu anh còn là sinh viên khóa I của cái nôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay, cho đến ngày chính thức nghỉ ngơi nghiệp đời báo chí sau gần 20 năm làm quản lý. Đó là lời tâm huyết của nhà báo Cao Văn Định viết lời tựa cuốn sách của tác giả…

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn Báo Phú Thọ. Ảnh tư liệu

(baophutho.vn) - …“Một đời nghề báo” của Tâm Đắc đã được bộc lộ, ấp ủ sau một chặng đời công tác liên tục gần 40 năm làm báo, tự nguyện, dấn thân của tác giả - nhà báo chiến sĩ. Bắt đầu anh còn là sinh viên khóa I của cái nôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày nay, cho đến ngày chính thức nghỉ ngơi nghiệp đời báo chí sau gần 20 năm làm quản lý. Đó là lời tâm huyết của nhà báo Cao Văn Định viết lời tựa cuốn sách của tác giả…

Trở lại chủ đề chính của bài viết này theo thư mời của Ban Biên tập Báo Phú Thọ: Trân trọng kính mời đồng chí tham gia viết bài với nội dung “Những kỷ niệm với Báo Đảng tỉnh”.
Đối với tôi nội dung, yêu cầu của tòa soạn không dễ chút nào; bởi một lẽ rất giản dị nhưng rất đỗi chân thành và sâu sắc…Gần 40 năm gắn bó với nghề, trong đó đã hơn 20 năm kề vai sát cánh cùng các đồng nghiệp Báo Phú Thọ vượt qua những khó khăn trong nghề nghiệp, trong cuộc sống thường nhật, của những năm tháng cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90; những công việc thường ngày vẫn diễn ra, như xếp chữ chì để in typo, sửa bản in chì, bản bông… Việc sửa bản thảo từ bản viết tay hoặc đánh máy chữ là cả một quy trình phức tạp, tốn kém giấy mực và thời gian… Nhưng mọi việc vẫn phải diễn ra đồng bộ hàng ngày, để 5 giờ đến 6 giờ sáng báo phải được phát hành đến tay người đọc… Và còn rất nhiều công việc phải xử trí hàng ngày, nào là máy in typo cũ rão, hỏng hóc; chữ chì mòn phải sửa chữa, thay thế thường xuyên, ngoài ra còn những việc “cơm áo, gạo tiền” cho người lao động cần giải quyết…Đến giữa thập niên 90, công nghệ thông tin và in ấn đã có bước phát triển đột phá, báo chí nói chung, Báo Phú Thọ nói riêng đã bước sang trang mới. Báo Phú Thọ từ việc in typo khổ nhỏ (27x42cm) một tuần hai kỳ tiến dần lên in OFFSet hai kỳ khổ rộng, rồi ba, bốn kỳ; từ việc in đen trắng sang in màu bằng công nghệ hiện đại… Kể câu chuyện này để các nhà báo trẻ thế hệ 7x, 8x, 9x hiểu thêm nghề báo gian khổ, vất vả như thế nào? Để hôm nay Báo Phú Thọ có cơ đồ, tiềm lực gấp nhiều lần năm xưa.

Thiết kế số báo kỷ niệm 25 năm Báo Vĩnh Phú (1962-1987). Ảnh tư liệu
Từ bài học “tự lực - tự cường” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng… nhân đây tôi xin kể câu chuyện vui trong nghề. Năm 1996, kinh tế tỉnh ta còn rất khó khăn… Việc lo lương, chi thường xuyên cho cán bộ công chức, viên chức luôn là vấn đề thời sự… Cùng thời gian này, công nghệ thông tin cùng mạng internet phát triển, Báo Phú Thọ lúc ấy rất cần có một phòng vi tính để trợ giúp cho xuất bản báo. Nhu cầu thì cấp thiết, tiện ích rất rõ ràng, còn vấn đề tiền lấy ở đâu để mua thiết bị… “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, đúng lúc khó khăn đồng chí Trần Lưu Vị - Trưởng ban Tài chính - Quản trị Trung ương lên Phú Thọ làm việc đã ghé thăm Báo, nhân cơ hội này, Ban Biên tập đã mạnh dạn đặt vấn đề và được đồng chí Trần Lưu Vị giúp đỡ. Với số tiền 150 triệu đồng lúc đó là rất có ý nghĩa. Ban Biên tập đã lên kế hoạch mua 10 máy vi tính, 1 máy chủ; xây dựng mạng LAN nội bộ; đồng thời Ban Biên tập động viên mọi người góp công, góp sức xây một căn phòng 20m2 đó là phòng vi tính đầu tiên của Báo Phú Thọ để nối mạng khép kín trong tòa soạn. Từ khi có mạng internet, có máy vi tính hoạt động, báo chí đã khởi sắc và tiến bộ nhiều mặt. Từ thực tế đó đã rút ra bài học kinh nghiệm quý báu đó là: Nếu chúng ta biết phát huy mối quan hệ; đoàn kết, thống nhất trong nội bộ từ trên xuống dưới, dù việc khó mấy cũng thành công!
Cả một đời làm báo những kỷ niệm về nghề đối với tôi là tất cả… Từng lời nói, việc làm, bữa cơm ăn, giấc ngủ; những cuộc trao đổi, gặp gỡ bạn hữu, đồng nghiệp đều chứa đựng một không gian báo chí sôi động, thắm tình đồng chí, đồng nghiệp; những kỷ niệm vui có, buồn có, lúc nào cũng đầy ắp trong suy nghĩ, tình cảm và trong hành động của mình… Có thể nói: Đời và nghề là một, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ.“Những kỷ niệm với Báo Đảng tỉnh” đối với tôi nhiều nhiều lắm, không thể kể hết được. Đúc kết kinh nghiệm gần 40 năm làm báo đó là: Sự đoàn kết, nhất trí, trên dưới đồng lòng; thẳng thắn, chân tình, cởi mở, vị tha đó là vị ngọt, sợi dây liên kết để làm nên mọi thành công trong cuộc sống, trong nghề. Kỷ niệm 60 năm Báo Đảng tỉnh Phú Thọ xuất bản số đầu tiên và đón nhận Huân Chương Độc lập hạng Nhì - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Báo Phú Thọ; lớp lớp các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên và người lao động tin tưởng, tự hào tiếp tục phấn đấu vươn lên; nguyện sắt son vì sự nghiệp đó vừa là kinh nghiệm sống, vừa là kỷ niệm nhớ đời của tôi đối với Báo Phú Thọ thân yêu.

- Nhà báo Tâm Đắc

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202204/sat-son-vi-su-nghiep-183917