Sắt thép là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Malaysia

Nửa đầu năm 2024, sắt thép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Malaysia với 307 triệu USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Malaysia đạt 2,61 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 39 mặt hàng chính, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 100 triệu USD với tổng 1,49 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Sắt thép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sangMalaysia với 307 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ lại giảm 0,2%.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu sắt thép giảm thì lượng lại ghi nhận tăng từ 428.883 tấn lên 450.449 tấn. Sự chênh lệch đến từ việc giá xuất khẩu sắt thép bình quân từ Việt Nam sang quốc gia Đông Nam Á này giảm 5%, từ 719 USD/tấn tại cùng kỳ năm trước xuống còn 683,1 USD/tấn tại nửa đầu năm 2024.

Theo báo Công Thương, sau sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai với 277 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng vị trí thứ ba là gạo với 274 triệu USD, tăng tới 188% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này được tác động bởi sự tăng trưởng cả về lượng và giá. Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu sang Malaysia tăng tới 133% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 461.555 tấn. Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng tăng từ 487 USD/tấn lên 595 USD/tấn, tương ứng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các mặt hàng trong nhóm trên 100 triệu USD còn có điện thoại và linh kiện với 246 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 202 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm hóa chất với 189 triệu USD, giảm sâu 42% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm may mặc, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Malaysia mang về 77 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; giày dép với 55 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; xơ sợi dệt thu về 15 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm lâm nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất với 75 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; giấy và sản phẩm từ giấy xuất khẩu sang Malaysia cũng thu về 32 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhóm nông, thủy sản, ngoài gạo, Việt Nam còn xuất khẩu 19.605 tấn cà phê sang Malaysia, mang về 79 triệu USD, tăng tới 105% so với cùng kỳ năm trước về kim ngạch.

Đứng sau là mặt hàng thủy sản đat 51 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; rau quả với 27 triệu USD, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 5,7 triệu USD, tăng tới 78% so với cùng kỳ năm trước; hạt tiêu với 4,8 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; chè với 2 triệu USD, tăng 42%so với cùng kỳ năm trước.

Trong 39 mặt hàng xuất khẩu chính sang Malaysia, 17 mặt hàng có kim ngạch giảm và 22 mặt hàng tăng về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hóa chất là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng cao nhất với tăng 304% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, than có mức giảm lớn nhất với giảm 99% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo Nhân dân, các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam-Malaysia còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Nếu năm 2011, Việt Nam chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Malaysia với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 7,2 tỷ USD thì đến năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Malaysia đã tăng lên 12,67 tỷ USD. Cả hai nước đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và triển vọng hợp tác rất lớn của hai nước.

Malaysia là nước có nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương và được hưởng lợi lớn từ các hiệp định này. Có thể thấy rõ điều này qua việc Malaysia xuất siêu liên tục trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, nền kinh tế Malaysia đa dạng, có nhiều phân khúc thị trường khác biệt về văn hóa, tôn giáo nhưng cùng tồn tại và bổ sung cho nhau. Đặc tính của người tiêu dùng nhìn chung là tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên yêu cầu về Halal (sản phẩm hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo) là sự khác biệt lớn nhất cần lưu ý.

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy giao thương giữa Việt Nam và Malaysia có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, Malaysia là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Thứ hai, Malaysia là quốc gia có độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Về mặt khó khăn, thách thức, trước hết là sự cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.

Thứ hai, các mặt hàng thực phẩm đều yêu cầu có chứng chỉ Halal, và việc đạt tiêu chuẩn này sẽ làm doanh nghiệp sản xuất tăng thêm chi phí.

Ông Firdauz Bin Othman, Tổng Lãnh sự Malaysia tại Tp.HCM chia sẻ: Riêng về mảng thực phẩm Halal, là thị trường đang phát triển với tốc độ rất nhanh, được dự báo sẽ đạt giá trị vào khoảng 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Malaysia với một hệ sinh thái Halal bao quát cho sự phát triển của ngành Halal. Hệ sinh thái này bao gồm hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng, các ưu đãi, nguồn nhân lực và hệ thống tài chính Hồi giáo, hỗ trợ bởi hiệu quả thống nhất từ các học viện của Chính phủ. Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong trong ngành Halal, có một môi trường kinh tế thân thiện, có mức độ tín nhiệm cao về chứng nhận Halal và được chấp nhận bởi hầu hết các thị trường Hồi giáo trên toàn thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, việc khai thác thành công thị trường Malaysia sẽ là cơ sở giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông đầy tiềm năng, cũng như thâm nhập thị trường Halal toàn cầu.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sat-thep-la-mat-hang-xuat-khau-lon-nhat-cua-viet-nam-sang-malaysia-204240720120322503.htm