Sát thủ phòng không châu Âu có thay thế được lá chắn thép Patriot cho Ukraine?
Đức đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc mở rộng và đẩy nhanh hỗ trợ quân sự cho Ukraine, sau khi xuất hiện thông tin rò rỉ về danh sách yêu cầu vũ khí được cho là do Kiev đệ trình.
Danh sách này được Bild, tờ báo lớn nhất nước Đức công bố. Theo đó, Ukraine đã đề xuất một loạt yêu cầu trị giá hàng tỷ euro cho các loại vũ khí hiện đại, phản ánh nhu cầu cấp thiết về phòng không, xe bọc thép cơ động và hệ thống tác chiến điện tử giữa lúc Nga tăng cường các cuộc tấn công.

Tổ hợp phòng không IRIS-T. Ảnh: DW
Danh sách này được cho là do các nhà hoạch định quân sự Ukraine trình bày với đại diện chính phủ Đức, mô tả rõ ràng bức tranh chiến trường đang thay đổi và chiến lược của Kiev nhằm đối phó với các chiến thuật ngày càng tinh vi của Nga. Tuy nhiên, danh sách này cũng đẩy Berlin vào thế khó. Đó là Đức có thể và sẵn sàng đi xa tới đâu khi cuộc xung đột Ukraine bước sang năm thứ ba, giữa bối cảnh sự ủng hộ từ Mỹ đang trở nên bấp bênh.
Danh sách vũ khí chiến lược của Ukraine
Theo bản tin, đề xuất của Ukraine được chia thành 3 nhóm chính: phòng không, năng lực cơ động được bảo vệ và tác chiến điện tử.
Đứng đầu danh sách là 4 hệ thống IRIS-T SLM, một tổ hợp phòng không tầm trung phóng từ mặt đất, do công ty Diehl Defence của Đức phát triển. Để vận hành các hệ thống này, Kiev đang tìm kiếm 1.500 tên lửa dẫn đường cho IRIS-T SLM, cùng với 500 tên lửa bổ sung cho biến thể IRIS-T SLS tầm ngắn. Ukraine cũng yêu cầu 200.000 viên đạn cỡ nòng 40 mm để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ UAV bầy đàn của Nga.
Về phương tiện cơ động, Ukraine yêu cầu: 1.000 xe bọc thép chống mìn, 200 xe bọc thép bánh xích, 30 xe rà phá mìn bọc thép, 30 xe công binh bọc thép WiSENT dùng để dọn chướng ngại và hỗ trợ hạ tầng. Ngoài ra còn có 200 xe địa hình phục vụ triển khai nhanh lực lượng đặc nhiệm.
Trong lĩnh vực tác chiến điện tử, Kiev muốn 1.000 thiết bị gây nhiễu GPS nhằm vô hiệu hóa UAV Nga, 200 radar di động phục vụ giám sát và xác định mục tiêu - những công cụ ngày càng thiết yếu trong tác chiến điện tử và cuộc chiến UAV đang leo thang.
Trong khi các nguồn tin quốc phòng và công nghiệp xác nhận tính xác thực của danh sách, Bộ Quốc phòng Đức từ chối bình luận, viện dẫn lý do an ninh và chính sách mới về sự mơ hồ chiến lược trong thông tin liên quan đến hỗ trợ Ukraine.
Trọng tâm trong danh sách của Ukraine là hệ thống IRIS-T SLM, một sản phẩm nội địa của Đức, hiện được coi là trụ cột của năng lực phòng không hiện đại tại châu Âu.
Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn nhiều mối đe dọa khác nhau, từ máy bay, trực thăng đến tên lửa hành trình và UAV với tầm bắn tối đa 40 km và khả năng đánh trúng mục tiêu ở độ cao tới 20 km. Các tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại cùng khả năng theo dõi bằng radar tiên tiến của hệ thống này cho phép nó đồng thời đánh chặn nhiều mối đe dọa với thời gian phản ứng tối thiểu.
Mỗi tổ hợp IRIS-T SLM gồm: bệ phóng tên lửa, radar, thiết bị điều khiển hỏa lực - tất cả đều cơ động và có thể triển khai dễ dàng. Kể từ khi được triển khai ở Ukraine năm 2022, IRIS-T SLM được cho là đã đánh chặn hơn 60 tên lửa và UAV Nga, trong đó có một số phương tiện bay tiên tiến nhất của Moscow.
Kỷ nguyên mới dưới thời Thủ tướng Merz
Thông tin rò rỉ về danh sách vũ khí Ukraine trùng hợp với thời điểm chuyển giao quyền lực tại Berlin. Ông Friedrich Merz, nhậm chức Thủ tướng Đức từ đầu tháng 5/2025, đã nhanh chóng bắt tay vào định hình lại chính sách đối ngoại, thể hiện lập trường rõ ràng, tự tin và cam kết mạnh mẽ hơn đối với an ninh châu Âu.
Một trong những hành động đầu tiên của ông Merz là tái khẳng định sự ủng hộ của Đức đối với Ukraine, đồng thời nhấn mạnh việc giữ kín thông tin liên quan đến viện trợ quân sự. Lý do chính thức được đưa ra là nhằm không để Tổng thống Putin nắm được tình hình, song các nhà phê bình cho rằng sự mập mờ này cũng giúp chính phủ tránh bị giám sát về tiến độ hoặc quy mô viện trợ.
Về phía Ukraine, chính quyền Kiev cũng tôn trọng thỏa thuận ngầm này, tránh bình luận công khai về danh sách vũ khí bị rò rỉ - một động thái nhằm giữ vững sự hỗ trợ từ Berlin trong bối cảnh Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của Kiev đang điều chỉnh chính sách viện trợ.
Sự kiện quốc tế đầu tiên của ông Merz trong cuộc gặp 3 bên với Pháp và Ba Lan được cho là nhằm thể hiện thống nhất của châu Âu trong việc bảo vệ Ukraine cũng như đối phó với căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong khuôn khổ điều chỉnh chiến lược mới này, ông Merz đã bổ nhiệm ông Johann Wadephul, một chuyên gia quốc phòng và là người ủng hộ mạnh mẽ Kiev làm Ngoại trưởng Đức. Điều ấy cho thấy rõ Ukraine vẫn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Berlin.
“Không có nếu hay nhưng trong việc ủng hộ Ukraine”, ông Merz tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tiên, thể hiện lập trường cứng rắn, dù tại Đức vẫn còn nhiều tiếng nói kêu gọi xem xét lại cam kết quân sự sâu sắc hơn với Ukraine.
Lấp đầy khoảng trống của Patriot
Quyết tâm của Thủ tướng Merz không chỉ bị thử thách bởi những yêu cầu từ Ukraine mà còn bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của NATO.
Ngày 4/7, ông Merz đã trực tiếp gọi điện cho Tổng thống Donald Trump để kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là việc chuyển giao hệ thống phòng không Patriot, vốn là một yếu tố quan trọng trong lá chắn phòng không của Ukraine.
Cuộc gọi diễn ra sau khi có tin Lầu Năm Góc tạm hoãn chuyển giao 30 tên lửa Patriot do kho dự trữ của Mỹ suy giảm - một động thái mà Kiev cảnh báo có thể làm suy yếu năng lực đánh chặn các cuộc tấn công tầm xa từ Nga.
Trong khi đó, Berlin đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như mua thêm hệ thống Patriot từ Mỹ hoặc tìm nguồn từ kho dự trữ của các nước NATO khác.
Đức hiện đã cung cấp 3 hệ thống Patriot từ kho vũ khí của mình và hiện đang tích cực tìm kiếm thêm các hệ thống này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, người trực tiếp điều phối hỗ trợ quốc tế cho Ukraine, đã khởi động một sáng kiến trong khuôn khổ nhóm Ramstein gồm 50 quốc gia nhằm tìm kiếm và huy động thêm các tổ hợp Patriot cho Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius dự kiến sẽ tới Washington trong tháng này để hội đàm với người đồng cấp Mỹ, tập trung vào vấn đề mua sắm và các hạn chế trong sản xuất quốc phòng.
Song song với đó, Berlin được cho là đang chuẩn bị một đơn hàng xe tăng trị giá 25 tỷ euro - một bước đi nhằm tăng cường lực lượng mặt đất của Đức cũng như củng cố sườn phía Đông của NATO. Dù Bộ Quốc phòng chưa xác nhận thông tin này nhưng kế hoạch trên phù hợp với nỗ lực tái vũ trang của Berlin trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine và tình hình an ninh châu Âu ngày càng bất ổn.
Hệ thống phòng không MIM-104 Patriot do Raytheon phát triển, đã chứng minh hiệu quả trên chiến trường Ukraine khi đánh chặn thành công nhiều mục tiêu giá trị cao của Nga, bao gồm cả tên lửa Iskander-M và Kinzhal.
Radar đa chức năng của Patriot có thể theo dõi hơn 100 mối đe dọa cùng lúc và tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên tới 24 km. Phiên bản PAC-2 GEM-T có khả năng vô hiệu hóa tên lửa hành trình và máy bay trong phạm vi 160 km, trong khi PAC-3 MSE được tối ưu hóa để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km.
Tính toán chiến lược
Năm 2025, Berlin đã tăng ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine từ 7,1 tỷ euro lên 8,3 tỷ euro - tức tăng thêm 1,2 tỷ euro nhằm đáp ứng một phần các yêu cầu mới từ Kiev.
Bộ trưởng Pistorius hiện phải đối mặt với một bài toán cân bằng phức tạp: vừa đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ Ukraine, vừa phối hợp với NATO, đồng thời giải quyết những hoài nghi trong nước, mà vẫn đảm bảo không vượt quá giới hạn ngân sách và ràng buộc chính trị.
Danh sách vũ khí bị rò rỉ và phản ứng của Đức đang diễn ra vào một thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc xung đột. Nga đang gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, trong khi sự hỗ trợ từ Mỹ không còn chắc chắn. Khả năng Ukraine giữ vững phòng tuyến ngày càng phụ thuộc vào tốc độ và độ tin cậy của viện trợ từ phương Tây.
Việc Berlin lựa chọn hành động hay thận trọng sẽ không chỉ định hình giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của Đức như một cường quốc trung tâm trong cấu trúc an ninh châu Âu.