'Sát thủ' thầm lặng

Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã và đang phải chật vật đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí-'sát thủ' thầm lặng cướp đi sinh mạng hàng triệu người mỗi năm.

Hình ảnh các thành phố lớn trên khắp thế giới chìm trong "sương mù" do ô nhiễm không khí với mật độ bụi mịn (kích thước nhỏ hơn 2,5 micrometre, hay còn gọi là bụi PM2.5) ở mức cao hay người dân đeo khẩu trang kín mít mỗi khi ra đường liên tục xuất hiện ngập tràn trên các phương tiện truyền thông và trang mạng xã hội. Không quốc gia nào, dù phát triển hay đang phát triển, “miễn nhiễm” với tình trạng này. Chỉ cần nhìn vào số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đủ để thấy sẽ không có gì là quá lời khi cho rằng ô nhiễm không khí đang thực sự trở thành một thảm họa xã hội toàn cầu.

 Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Theo kết quả nghiên cứu của WHO đối với hơn 4.300 thành phố của 108 quốc gia trên toàn thế giới, 91% dân số trên toàn cầu phơi nhiễm với không khí bị ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép. Trong năm 2019, nhiều quốc gia ghi nhận chất lượng không khí xuống mức không an toàn cho sức khỏe con người thấp nhất trong nhiều năm qua. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tiếp xúc với bụi mịn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp. “Tử thần” mang tên ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người mỗi năm, trở thành “thủ phạm” giết người nhiều hơn cả hút thuốc lá, khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,8 năm. Không chỉ tước đoạt mạng sống của nhiều người, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính ô nhiễm không khí còn khiến kinh tế thế giới “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm do các chi phí liên quan tới nguồn lao động và y tế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lại chọn “Ô nhiễm không khí” là chủ đề của năm nay.

Tất nhiên, chính phủ các nước đều ý thức rõ về hệ lụy của ô nhiễm không khí và đều đã thực thi nhiều giải pháp để đối phó. Đơn cử như mới đây nhất, Hội đồng quốc gia về khí hậu và chất lượng không khí Hàn Quốc đã đề xuất siết chặt quy định đốt rác thải tại vùng nông thôn, sử dụng các xe phun nước rửa đường tại những khu vực gần trường học, bệnh viện, đồng thời cấm các ô tô chạy bằng động cơ diesel hoạt động trong khu vực trường học. Trong khi chính quyền Bangkok của Thái Lan có kế hoạch lắp đặt tháp lọc không khí cỡ lớn ở trung tâm thủ đô thì thủ đô Jakarta của Indonesia lại mở rộng quy định hạn chế đối với các phương tiện ô tô cá nhân và quản lý theo hình thức biển số “chẵn, lẻ” không chỉ tại những trục lộ chính mà kể cả các tuyến đường nhỏ hơn.

Mặc dù vậy, theo các tổ chức quốc tế, do dân số gia tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tại các khu vực đô thị, nên các nỗ lực làm giảm ô nhiễm không khí chỉ như “muối bỏ bể” và tình hình ngày càng trở nên trầm trọng. Đó là chưa kể tới một thực tế là nhiều người dân chưa ý thức được rằng ô nhiễm không khí không chỉ xảy ra ở ngoài trời mà còn cả ở trong nhà. Nếu như ô nhiễm không khí ngoài trời do khí phát thải từ các phương tiện giao thông, khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện, công trường xây dựng, cháy rừng... cướp đi sinh mạng của khoảng 4,2 triệu người mỗi năm thì ô nhiễm không khí trong nhà do khói thuốc lá, khói than, củi khi đun nấu... cũng không hề kém cạnh khi là nguyên nhân tử vong của khoảng 3,8 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.

Ô nhiễm không khí rõ ràng đang là một thách thức lớn đối với thế giới. Đây không phải là cuộc chiến của riêng ai mà cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, từ việc tích cực triển khai các kế hoạch cải thiện chất lượng không khí của các cấp chính quyền cho đến sự chủ động tham gia bảo vệ môi trường sống của người dân các nước.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/sat-thu-tham-lang-592851