'Sát thủ trên không' của Trung Quốc khiến tướng lĩnh Mỹ lo sốt vó
PL-15E, mẫu tên lửa không-đối-không truy kích ngoài tầm nhìn hết sức tinh vi, có thể làm giải ưu thế trên không của Không quân Mỹ.
Nỗi lo của người Mỹ về PL-15
Tại Hội thảo về Hàng không, Vũ trụ và Không gian 2021 mới đây, rất nhiều diễn giả đã nêu ra sự cấp thiết phải đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa của Mỹ để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng không ai có thể nêu rõ ràng hơn là Bộ trưởng Không quân Frank Kendall, khi ông nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của ông là “Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc”.
Ông có đủ lý do để lo ngại. Bởi theo nhiều quan chức phát biểu tại sự kiện, Không quân Trung Quốc đã “sánh ngang với Không quân Mỹ trong nhiều lĩnh vực chủ chốt”, và ở một số lĩnh vực quan trọng khác, Mỹ rõ ràng “đã bị tụt hậu”.
Không có gì phải bàn cãi khi những mối quan ngại đó được Mỹ nêu ra, đặc biệt là sau khi Trung Quốc cho ra mắt phiên bản xuất khẩu của mẫu tên lửa mới của Viện Nghiên cứu Điện tử Leihua (LETRI) PiLi, thường được nhắc tới với cái tên PL-15 – mẫu tên lửa không-đối-không truy kích ngoài tầm nhìn (BVR) – tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.
Biến thể xuất khẩu, PL-15E, hiện đang được sử dụng trong lực lượng Không quân của quân đội Trung Quốc (PLA), là phiên bản nâng cấp của PL-12. Dựa trên mẫu R-77 của Nga, PL-12 được phát triển đặc biệt nhằm đối phó với tên lửa không-đối-không AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Đầu dò chủ động AMR-1 của nó, bắt chước theo đầu dò 9B-1348 mà Nga lắp đặt cho R-77, được phát triển với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu AGAT ở Moscow.
Tên lửa PL-15E được thiết kế lại và đã có nhiều điều chỉnh ở phần cánh (vây) điều khiển và sải cánh ngắn hơn. Nó được điều chỉnh như vậy là để trang bị cho các mẫu chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo J-20 “Mãnh Long” và FC-31.
Theo nhà sản xuất, Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, PL-15E “có khả năng tấn công các máy bay có người lái, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và nhiều mục tiêu khác ở khoảng cách 145 km”. Tên lửa tầm xa này có thể di chuyển với vận tốc gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Nó được lắp 2 motor phản lực và liên kết dữ liệu hai chiều để tái nhắm mục tiêu năng động trên không.
Đầu dò của tên lửa sử dụng radar AESA, cho phép PL-15 có thêm các Biện pháp đối phó Điện tử (ECM), điều mà giới phân tích quân sự Mỹ đặc biệt chú ý.
Ở thời điểm hiện tại, các mẫu chiến đấu cơ J-10C, J-16 và một số chiếc J-20 đã được trang bị PL-15.
Tầm bắn của PL-15 được cho là khoảng 200 km, với Vùng không thể trốn thoát (NEZ) rộng. Phiên bản xuất khẩu còn được một số nguồn tin cho là có tầm bắn lớn hơn so với tên lửa không-đối-không của Mỹ. PL-15E được lắp đặt hệ thống dẫn đường vệ tinh, liên kết dữ liệu và radar. Nó có thể được sử dụng trong cả các trận không chiến tầm xa và tầm gần, và cả các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Cán cân sức mạnh nghiêng dần về phía Trung Quốc
Đối thủ của PL-15 chính là tên lửa không-đối-không tầm trung AIM-120 do hãng Raytheon chế tạo. Nó hiện được trang bị cho Không quân, Hải quân và Lục quân Mỹ. AIM-120 có thể đạt vận tốc Mach 4, gấp 4 lần tốc độ âm thanh, với tầm bắn hiệu quả là 110 km. Đầu đạn của nó chứa thuốc nổ mạnh, phân mảnh.
Các biến thể chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet C/D/E/F đều được trang bị tên lửa AIM-120. Thêm vào đó, các mẫu chiến đấu cơ tàng hình F-15, F-16 và cả F-35, F-22 cũng mang theo tên lửa này.
Nếu như đem tầm bắn ra phân tích thì có thể thấy PL-15 của Trung Quốc có lợi thế hơn đôi chút – nhưng cũng chưa thể khẳng định ưu thế đó đủ để “vô hiệu hóa” ưu thế trên không của Mỹ. Luận điểm này vẫn còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, PL-16 là thứ vũ khí gây quan ngại trên toàn thế giới, bởi nó đủ khả năng để sánh ngang với tên lửa MBDA Meteor của châu Âu hay R-37M của Nga.
Tầm bắn của PL-15 thậm chí còn vượt trội hơn phiên bản tên lửa không-đối-không tầm trung mở rộng mới nhất của Không quân Mỹ, mẫu AIM-120D. Đây cũng là lý do mà hãng Lockheed Martin được giao nhiệm vụ cấp thiết phải phát triển mẫu tên lửa AIM-260 để lấy lại cán cân sao cho lợi thế nghiêng về Không quân Mỹ.
Tướng Herbert Carlisle, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến đấu thuộc Không quân Mỹ, nói với tờ Flight Global rằng AIM-120 “còn vượt qua cả mức ưu tiên cao”. “Hãy nhìn vào những địch thủ của chúng ta và thứ mà họ đang phát triển, như PL-15 và tầm bắn của thứ vũ khí đó. Chúng ta cần phải vượt qua thứ tên lửa đó”, ông nói.
Một mối quan ngại dài hạn lớn hơn là, tên lửa PL-15 được chế tạo tích hợp công nghệ chống chặn sóng mới nhất, trong khi tên lửa AIM-9X và AIM-120D lại bị cho là rất dễ chịu tổn thương bởi các kỹ thuật chặn Bộ nhớ tần số vô tuyến mục tiêu (DRFM) hiện đại.
Chuyên gia phân tích Miguel Miranda ở Philippines nói với tờ EurAsian Times rằng “các công ty nhà nước Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đủ khả năng để sản xuất hàng loạt các loại tên lửa đất-đối-không hiện đại. Một trong số chúng là PL-15 và các biến thể của nó. Những cũng phải xem nó được lắp cho các máy bay nào.”
Mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Handout)
“Nếu xét về điều đó, mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương chính là các mẫu chiến đấu cơ tối tân nhất của Trung Quốc: J-20, J-16 và J-15 trên tàu sân bay, ngoài ra còn có J-11 và Su-30MK mà Nga cung cấp” – ông Miranda nói thêm.
“Hiện tại, Hải quân và Lục quân Mỹ vẫn có lợi thế số lượng xét về tàu chiến và máy bay nếu so với Hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa rất nhỏ khi các loại vũ khí chống tiếp cận của Trung Quốc (tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên ống phóng di động) ngăn chặn vùng biển nằm giữa đường bờ biển của Trung Quốc và Thái Bình Dương” – vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nếu Trung Quốc duy trì tốc độ sản xuất máy bay thế hệ 4,5 và cho ra mắt các chiến đấu cơ tàng hình như hiện nay đến giữa thập kỷ, cán cân không lực sẽ nghiêng về phía họ; ông Miranda cảnh báo.