Sau 1 tuần công bố vẫn có nhiều ý kiến về biểu trưng tỉnh Quảng Bình

Kết quả cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Quảng Bình được công khai chiều 24/5 nhưng đến ngày 30/5 dư âm về tác phẩm đạt giải nhất vẫn được nhiều người quan tâm.

Nhân kỷ niệm 420 năm danh xưng Quảng Bình (1604-2024), 75 năm ngày Quảng Bình quật khởi (1949-2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (1989-2024), tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) nhằm định hình bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Quảng Bình, với yêu cầu tác phẩm có bố cục, màu sắc, hình tượng đặc biệt, hiện đại…

Sau gần một năm phát động, Hội đồng nghệ thuật chấm chọn biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình đã lựa chọn và công bố giải nhất thuộc về tác phẩm có mã số: BT190A (M02) của tác giả Hoàng Thị Thu Thảo, giải nhì thuộc về tác phẩm có mã số DC03 (M03) của tác giả Nguyễn Văn Tiến và giải 3 thuộc về tác phẩm có mã số BT150A (M01) của tác giả Hoàng Xuân Hiếu.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi này gồm: 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng, 1 giải nhì 50 triệu đồng và 1 giải ba 30 triệu đồng.

Tác phẩm giành giải nhất cuộc thi.

Tác phẩm giành giải nhất cuộc thi.

Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình đưa thông tin về kết quả cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Quảng Bình vào chiều 24/5 nhưng đến nay (ngày 30/5), dư âm về tác phẩm đạt giải nhất vẫn được nhiều người quan tâm, bình luận.

Theo đó, tác phẩm đoạt giải nhất đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đa số ý kiến cho rằng tác phẩm đạt giải nhất không xứng tầm làm biểu trưng cho một Quảng Bình hào hùng trong quá khứ và năng động thời hiện đại, logo thiết kế cũ, ôm đồm nhiều chi tiết.

Được biết, Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi này gồm: Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật; thành viên Hội đồng nghệ thuật gồm: Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao; Tiến sĩ sử học Phan Viết Dũng; 3 giáo sư, tiến sĩ là Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật đồ họa, Hội đồng Mỹ thuật ứng dụng - Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Theo nhận xét của Hội đồng nghệ thuật, về mặt nội dung, mẫu Biểu trưng này thể hiện được một cách tốt nhất yêu cầu của Thể lệ cuộc thi. Trong đó các hình ảnh di tích lịch sử Quảng Bình Quan, di sản thiên nhiên đặc trưng, đặc điểm tự nhiên sông, biển được hòa quyện với nhau theo một tỉ lệ rất hợp lý, có chính, phụ nhưng không quá ưu tiên yếu tố này mà giảm thiều yếu tố kia. Cùng với đó, Logo của Ủy ban di sản thế giới của UNESCO được đặt ở trung tâm nhằm nhấn mạnh giá trị và đặc điểm nhận diện di sản thiên nhiên riêng có của tỉnh là một thành tố hết sức có ý nghĩa và khác biệt so với Biểu trưng các tỉnh thành ở Việt Nam.

Về hình thức, sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật, mẫu biểu trưng này có sự cân đối lý tưởng về cấu trúc, tỉ lệ giữa mảng tĩnh và mảng động, giữa xanh lá và xanh dương, giữa hình và nền, giữa mảng âm và mảng dương, giữa biểu tượng và kiến trúc, hang động và sông biển. Mảng xanh dương bên trái làm nền cho chữ Quảng Bình là thiết kế táo bạo, đem lại sự khác biệt và hình thái mạnh mẽ cho biểu trưng. Mảng sáng giữa biểu trưng rất có ý nghĩa và làm cho biểu trưng trở nên chắc chắn, vừa bay bổng và như đang tỏa sáng...

Cũng theo Hội đồng nghệ thuật, tổng thể biểu trưng này có tính mới, khác biệt và nghiêm trang của biểu trưng đơn vị hành chính nhà nước cấp tỉnh. Nó vừa mạnh mẽ, vừa có phần nhẹ nhàng, vừa chắc chắn vừa linh hoạt như tính cách của người và đất Quảng Bình. Mẫu biểu trưng này xứng đáng để được sử dụng làm biểu trưng chính thức của tỉnh Quảng Bình.

Trước nhiều ý kiến của dư luận với mẫu biểu trưng vừa đạt giải, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi có kết quả chính thức, ban tổ chức đã trao 3 giải thưởng nhất, nhì và ba.

"Việc trao giải là theo quy định. Còn với biểu trưng, lúc nào có quyết định của UBND tỉnh, thời điểm đó logo mới chính thức được sử dụng làm biểu trưng của tỉnh", bà Thủy nói.

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-1-tuan-cong-bo-van-co-nhieu-y-kien-ve-bieu-trung-tinh-quang-binh-a666129.html