Sau 20 tháng động binh với Ukraine, Nga đã thích nghi với việc 'sống chung với lũ'

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã tung ra 11 gói trừng phạt bao trùm hệ thống ngân hàng, ngành công nghiệp và cả lĩnh vực năng lượng của Nga. Tuy nhiên, 20 tháng sau khi chiến sự nổ ra, 'sự nhiệt tình' của phương Tây trong việc đưa ra các gói trừng phạt mới đã phần nào suy yếu, và những hạn chế đã được áp đặt cũng đang dần mất đi hiệu quả.

 Các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế Nga.

Các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế Nga.

Trường Kinh tế Kyiv (KSE) gần đây đã công bố một báo cáo về tình trạng nền kinh tế của Nga tính đến tháng 10/2023. Báo cáo chỉ ra rằng người Nga đã dần thích nghi với việc “sống chung với lũ” và đang tìm cách lách các hạn chế, thậm chí còn tăng thêm nguồn thu trong bối cảnh giá dầu tăng cao.

Vô hiệu đòn trừng phạt lên dầu mỏ

Tháng 12 năm ngoái, nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng đối với xuất khẩu dầu của Nga. Tới tháng 2/2023, những hạn chế tương tự tiếp tục được đưa ra đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Động thái này được cho là sẽ làm giảm khả năng tài trợ cho chiến sự của Điện Kremlin hơn là dẫn đến tình trạng thiếu dầu trên thị trường toàn cầu.

Hạn chế này ban đầu khá hiệu quả khi giá dầu xuất khẩu trung bình của Nga giảm xuống mức 50-52 USD/thùng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá dầu xuất khẩu của Nga đã ổn định ở mức trên 60 USD/thùng kể từ tháng 7 và vượt quá 80 USD vào tháng 9.

Nga đã tìm cách lách các biện pháp này bằng cách thành lập cái gọi là “hạm đội tàu ma". Trên thực tế, Nga đã mua và thuê các tàu chở dầu cũ trên khắp thế giới và sử dụng chúng để vận chuyển dầu của mình. Điều quan trọng là những tàu chở dầu này cũng có hợp đồng bảo hiểm nhưng không phải với các công ty phương Tây. Vì vậy, giá xuất khẩu loại dầu này không bị phương Tây điều chỉnh.

Tính đến tháng 8, các tàu chở dầu không được các công ty EU hoặc G7 bảo hiểm đã vận chuyển tổng cộng 65% lượng dầu của Nga được xuất khẩu bằng đường biển. Con số này cao gấp hơn 3 lần so với chỉ 20% vào tháng 4/2022.

Điện Kremlin cũng đã tìm được giải pháp thay thế cho thị trường phương Tây khi chuyển hướng sang các thị trường khác. EU, Mỹ và Anh chiếm 55% lượng tiêu thụ dầu của Nga vào đầu năm 2022. Nhưng bước sang năm 2023, dòng chảy dầu của Nga đã được vận chuyển chủ yếu đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất nhiên, việc đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu này có những hạn chế. Dầu Nga trước đây thường được giao dịch trên toàn cầu bằng USD - đồng tiền dự trữ của thế giới. Tuy nhiên, hệ thống tài chính của Nga về cơ bản bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, khiến Nga không thể thực hiện các giao dịch bằng "đồng bạc xanh", dẫn đến những hạn chế thương mại quốc tế.

Do đó, Nga đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách bán dầu cho các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ bằng đồng nội tệ của chính các nước này là đồng nhân dân tệ và rupee.

Khoảng hai năm gần đây, Nga đã trở thành một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ và đạt doanh thu hàng tỷ USD. Điều này dẫn đến việc tích lũy tài sản bằng đồng rupee của Nga lên tới 1 tỷ USD mỗi tháng tại các ngân hàng Ấn Độ.

Tuy nhiên, khó khăn là Nga không thể tiếp cận được khoản tiền này do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) ra quy định hạn chế việc chuyển toàn bộ đồng rupee được lưu trữ trong các tài khoản ngân hàng ở Ấn Độ sang Nga, cũng như hạn chế cho phép chuyển chúng thành đồng ruble. Do đó, Nga chỉ có thể sử dụng số tiền này để mua hàng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã tăng đều đặn trong những tháng gần đây. Tất cả là nhờ giá dầu toàn cầu tăng và khả năng vượt qua các hạn chế về giá của Nga với sự trợ giúp của "hạm đội tàu ma".

Khi doanh thu xuất khẩu tăng lên thì nguồn thu thuế vào kho bạc của Nga cũng tăng theo, lên khoảng 1.000 tỷ ruble (10,6 tỷ USD) vào tháng 9 vừa qua.

Áp lực do đồng ruble mất giá

Các vấn đề về thu nhập ngoại hối từ việc bán dầu và các hạn chế khác đã khiến đồng ruble giảm mạnh so với đồng usd, giá nội tệ Nga đã có thời điểm yếu đến mức hơn 100 ruble đổi 1 USD vào mùa hè vừa qua và đã dao động quanh mốc tâm lý này trong hai tháng nay.

Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga có ít lựa chọn để hỗ trợ đồng ruble. Phần lớn dự trữ ngoại hối của nước này (khoảng 310 tỷ USD) bị đóng băng ở EU, Anh và Mỹ. Phần còn lại trong số 570 tỷ USD chủ yếu là vàng (141 tỷ USD).

Đồng Ruble năm nay liên tục mất giá so với USD.

Đồng Ruble năm nay liên tục mất giá so với USD.

Sự mất giá của đồng ruble không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân Nga mà còn ảnh hưởng đến mức độ lạm phát. Vào đầu năm nay, cơ quan thống kê Nga báo cáo lạm phát hàng năm của nước này đã giảm xuống dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, điều này chủ yếu là do cơ sở so sánh cao vào năm 2022, khi tốc độ lạm phát lên tới 16-18%.

Ngân hàng Trung ương Nga đã phản ứng trước sự gia tăng lạm phát bằng cách tăng dần lãi suất cơ bản. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí cho vay và chi phí vay của chính phủ Nga trên thị trường nội địa. Điều này có thể làm chậm lại sự tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế Nga. Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Nga đã sụt giảm 2,1% vào năm 2022. Tuy nhiên, người Nga hiện đang dần thích nghi với tình hình mới khi phải hứng chịu loạt hạn chế quốc tế.

Các tổ chức kinh tế tài chính hàng đầu thế giới kỳ vọng GDP của Nga sẽ tăng trưởng 0,8-2,2% trong năm 2023.

Một trong những động lực lớn nhất nhằm khôi phục nền kinh tế Nga hiện nay là mua sắm quân sự. Nguồn kinh phí mà Điện Kremlin sử dụng để trang bị cho quân đội chiếm đóng và sản xuất tên lửa, đạn dược và thiết bị hạng nặng đã giúp tăng cường sản xuất trong các ngành liên quan.

Hơn nữa, nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu phục hồi vừa phải, điều này đã giúp Bộ Tài chính Nga phân bổ chi tiêu quốc phòng kỷ lục trong ngân sách năm 2024.

Hải Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sau-20-thang-dong-binh-voi-ukraine-nga-da-thich-nghi-voi-viec-song-chung-voi-lu-20180504224290811.htm