Sau 29 tháng thi công, cầu Thiên Trường ở Nam Định chính thức khánh thành
Sau 29 tháng thi công, cầu Thiên Trường mang biểu tượng của Nam Định chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông của tỉnh này.
Sáng ngày 19/5, UBND TP Nam Định tổ chức lễ khánh thành cầu Thiên Trường bắc qua sông Đào, nối đường Song Hào với đường Vũ Hữu Lợi, TP Nam Định.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND TP Nam Định cho biết, cầu Thiên Trường được đưa vào khai thác sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với TP Nam Định, góp phần hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông, tăng khả năng kết nối giữa thành phố với các huyện phía Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của nhân dân.
Bên cạnh đó, công trình còn là điểm nhấn về cảnh quan, là biểu tượng mới của đô thị Nam Định, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, góp phần thu hút đầu tư, phát triển thành phố.

Sáng ngày 19/5, UBND TP Nam Định tổ chức lễ khánh thành cầu Thiên Trường bắc qua sông Đào, nối đường Song Hào với đường Vũ Hữu Lợi, TP Nam Định.
Theo tìm hiểu của PV, dự án “Xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi” được HĐND tỉnh Nam Định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 15/10/2021 và được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 619/QĐ-UBND ngày 28/3/2022. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.200 tỷ đồng.
Dự án bao gồm hai hạng mục chính là cầu vượt sông Đào và hệ thống đường dẫn hai đầu cầu, với tổng chiều dài tuyến khoảng 1,6km.
Điểm đầu cầu Thiên Trường: Tại vị trí giao giữa đường Trần Bích San với đường Song Hào, phường Năng Tĩnh, TP. Nam Định.
Điểm cuối: Giao với đường Vũ Hữu Lợi, kết nối với đường trục phía Nam TP. Nam Định đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B (thuộc địa phận phường Nam Vân).
Cầu vượt sông dài khoảng 0,8km, mặt cắt ngang rộng 20,5m, gồm 16 nhịp (13 nhịp dẫn và 3 nhịp chính dầm liên tục). Cầu chính sử dụng kết cấu dây văng với hai trụ tháp bê tông cốt thép cao 31,5 m từ mặt cầu, mỗi bên bố trí 9 bó cáp dây văng. Cầu dẫn sử dụng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực hiện đại, đảm bảo độ bền và an toàn.

Hình ảnh nhìn tư trên cao cầu Thiên Trường về đêm.
Cầu được chia thành nhiều đoạn phù hợp với quy hoạch đô thị: Đoạn từ đường Trần Bích San – Song Hào đến đường Tiền Phong: mặt cắt ngang rộng 26–28m, vỉa hè mỗi bên 3–5m, mặt đường 18m. Đoạn từ đường Tiền Phong đến đường Trần Nhân Tông: mặt cắt ngang 38,5m, gồm vỉa hè mỗi bên 3m, đường gom hai bên cầu rộng 6m và phần cầu rộng 20,5m.
Đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Vũ Hữu Lợi: đường hai làn xe với mặt cắt ngang 34m, vỉa hè mỗi bên 5m, mặt đường mỗi bên 10,5m, dải phân cách giữa rộng 3m. Đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến cuối tuyến: mặt cắt ngang 46m, vỉa hè mỗi bên 10m, mặt đường mỗi bên 10,5m, dải phân cách giữa rộng 5m.
Trước đó, ngày 27/4/2025, HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND chính thức đặt tên cho cây cầu là “Cầu Thiên Trường”. Việc đặt tên mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, không chỉ nhằm định danh công trình mà còn thể hiện niềm tự hào về bề dày văn hóa – lịch sử của vùng đất Thành Nam.
“Thiên Trường” là tên gọi xưa của vùng đất phát tích vương triều Trần – triều đại rực rỡ bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1262, Thái thượng hoàng Trần Thái Tông ngự giá về hành cung Tức Mặc, đổi tên thành Phủ Thiên Trường – kinh đô thứ hai của Đại Việt sau Thăng Long. Nơi đây từng là trung tâm chính trị – văn hóa – quân sự trọng yếu, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quốc gia trong suốt hơn 175 năm tồn tại của nhà Trần.
Từ thời Lê trở về sau, Thiên Trường tiếp tục được nhắc đến với nhiều tên gọi hành chính như Lộ Thiên Trường, Đạo Thừa Tuyên Thiên Trường, Trấn Sơn Nam Hạ… Mỗi tên gọi là một giai đoạn lịch sử in dấu những biến chuyển của đất nước và mảnh đất Nam Định.
Việc lựa chọn tên “Cầu Thiên Trường” có ý nghĩa: Giúp nhận diện giao thông, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho phương tiện và người dân; Khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc; Giáo dục truyền thống dựng nước – giữ nước cho thế hệ trẻ; Góp phần tôn vinh di sản văn hóa – lịch sử của Thành Nam trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video: Cầu vượt sông lớn ở Nam Định sắp 'soán ngôi' phà Đống Cao