Sau 30 năm, khu chế xuất Tân Thuận 'loay hoay' chờ chuyển đổi

Thành lập năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận (phường Tân Thuận Đông, quận 7) là khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam. 30 năm trước, đây được xem là mô hình công nghiệp kiểu mẫu, là động lực thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên với tốc độ, xu hướng phát triển hiện nay, mô hình khu chế xuất này đã không còn thực sự hiệu quả.

Với vị trí đắc địa, chỉ cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5km, đối diện với khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuận lợi di chuyển tới các cảng biển lớn trong khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay sau khi hết hạn hợp đồng cho thuê vào năm 2041, Thành phố Hồ Chí Minh nên chuyển đổi chức năng của Khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ cao, dịch vụ thương mại, xen kẽ đất ở để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có.

TS TRẦN DU LỊCH –Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh: "Tôi nghĩ rằng nên tổ chức một phức hợp trong đó có phần quan trọng là công viên giải trí, phúc lợi công cộng ven sông.. Thứ hai là một số dịch vụ cao cấp, duy trì một vài dịch vụ người ta thuê lại và chuyển chức năng đi vào công nghệ cao".

Ông TSAO CHUNG HUNG – TGĐ Công ty TNHH Tân Thuận: "Khu chế xuất Tân Thuận là một nơi rất tốt để có thể thu hút được các ngành nghề công nghệ cao đầu tư vào, và việc này cũng tạo được động lực kinh tế cho Việt Nam trong việc đổi mới mô hình trong tương lai. Nếu dùng khu vực này để phát triển bất động sản hoặc đất thương mại thì thật sự rất đáng tiếc, vì đất thương mại và bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh không thiếu".

Tuy nhiên, theo ông Phan Chánh Dưỡng, Nguyên Phó TGĐ Công ty Liên doanh khu chế xuất Tân Thuận, là một trong những người đầu tiên tham gia vào quá trình hình thành và phát triển của Khu chế xuất Tân Thuận thì Thành phố Hồ Chí Minh nên dành 300 ha đất này để xây dựng thành không gian công cộng, trung tâm hành chính – văn hóa, là biểu tượng của thành phố.

Ông PHAN CHÁNH DƯỠNG – Nguyên Phó TGĐ Công ty Liên doanh khu chế xuất Tân Thuận: "Nhiều người cứ nghĩ sau này sẽ làm nhà cao tầng, thương mại, dịch vụ thì ngay từ đầu chúng tôi không có ý định này. Mà chúng tôi đã tính toán, suy nghĩ trước cái thiếu nhất của TP. Hồ Chí Minh là phần quảng trường. Cho nên tôi muốn dành khoảng 100 ha làm không gian như quảng trường, hai bên là cơ quan nhà nước, cơ quan tiêu biểu cho Việt Nam, tòa nhà mang tính văn hóa... thể hiện ý chí vươn lên của Thành phố Hồ Chí Minh".

Hiện còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc chuyển đổi công năng của dải đất 300ha ven sông Sài Gòn này. Tuy nhiên, dù chuyển đổi theo hình thức nào thì các doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận vẫn mong muốn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm đưa ra định hướng, lộ trình, chính sách và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu chế xuất sớm có điều kiện di dời, chuyển đổi, cơ cấu lại cho phù hợp./.

Thực hiện : Thùy Vân Nguyễn Trình Văn Quyền

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/sau-30-nam-khu-che-xuat-tan-thuan-loay-hoay-cho-chuyen-doi