Sau 5 năm thực hiện đề án giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông

Từ năm học 2015-2016 đến nay, Sở GD và ÐT đã triển khai Ðề án

Từ năm học 2015-2016 đến nay, Sở GD và ÐT đã triển khai Ðề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2015-2020” tại một số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh với hàng trăm nghìn lượt học sinh tham gia. Ðề án được thực hiện với sự liên kết của ngành GD và ÐT với Trung tâm ngoại ngữ E-connect.

Một tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Hồng Quang (Nam Trực).

Đến nay, toàn tỉnh đã có 88 trường với 26.014 học sinh ở cả 3 cấp học tham gia, 44 giáo viên nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Anh, Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Phi-líp-pin tham gia giảng dạy. Trình độ giáo viên từ cao đẳng, đại học trở lên và có Chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh (CELTA, TESOL, TEFL). Ðội ngũ giáo viên nước ngoài đã góp phần tạo nên luồng sinh khí mới cho việc dạy và học tiếng Anh ở các trường với phương pháp dạy hiện đại, giúp các tiết học, bài học trở nên thú vị, tạo sự lôi cuốn học sinh, gia tăng cơ hội trao đổi, trò chuyện bằng tiếng Anh giữa học sinh với người nước ngoài để các em hoàn thiện hơn về kỹ năng giao tiếp. Ngoài các tiết học trên lớp, giáo viên nước ngoài còn tham gia các hoạt động ngoại khóa nhân các dịp: Halloween, Giáng sinh, Tết Dương lịch, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)…; tổ chức CLB học tiếng Anh, CLB khiêu vũ thể thao…; qua đó các em có cơ hội rèn luyện, thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh hiệu quả. Ðể nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, Sở GD và ÐT đã hợp tác với Hội đồng Anh bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo chương trình “Teaching for Success” cho 160 giáo viên cốt cán của 3 cấp; bồi dưỡng phương pháp nâng cao kỹ năng viết cho 25 giáo viên THPT; bồi dưỡng phương pháp trợ giảng, cố vấn học tập cho 16 giáo viên nòng cốt; phối hợp với Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội và Ðại học Quốc gia Hà Nội bồi dưỡng năng lực và thi cấp chứng chỉ cuối khóa cho những giáo viên có nguyện vọng. Về chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh, hiện toàn tỉnh có 96% giáo viên bậc tiểu học đạt chuẩn B2, 97% giáo viên THCS đạt chuẩn B2, 89% giáo viên THPT đạt chuẩn C1 theo quy định của Bộ GD và ÐT. Nhiều “sân chơi trí tuệ” bằng tiếng Anh được tổ chức có hiệu quả như: CLB tiếng Anh trong nhà trường; tổ chức thi Hùng biện tiếng Anh; dạ hội, hội chợ, giao lưu bằng tiếng Anh… thu hút đông đảo phụ huynh học sinh, cộng đồng tham gia.

Theo Sở GD và ÐT, qua 5 năm thực hiện, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài đã thành công ngoài mong đợi. Số lượng trường đăng ký triển khai chương trình và số lượng học sinh tự nguyện theo học đã vượt xa mục tiêu của Ðề án; các giáo viên nước ngoài đã mang đến một không khí hào hứng học ngoại ngữ cho học sinh các bậc học trong tỉnh, đặc biệt đối với khối tiểu học và THCS. Các đơn vị có tỷ lệ học sinh tham gia đông như các trường tiểu học: Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Trần Quốc Toản (thành phố Nam Ðịnh); các trường THCS: Ðào Sư Tích (Trực Ninh), Trần Ðăng Ninh (thành phố Nam Ðịnh); các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, A Hải Hậu… Ngoài việc bước đầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, việc thực hiện Ðề án cũng giúp giáo viên dạy tiếng Anh các nhà trường giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để trau dồi năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Sự bổ sung tương trợ lẫn nhau giữa các giáo viên “ngoại” và giáo viên “nội” đã đem lại môi trường học ngoại ngữ hiệu quả hơn, khắc phục được điểm yếu của giáo viên và học sinh trong nước về phát âm và nghe nói. Các em học sinh theo học chương trình đã tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh, khả năng nghe nói tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Ngày càng có nhiều học sinh chọn môn tiếng Anh là môn học yêu thích và chuyển học theo khối D hoặc A1. Kết quả học tập ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nghe nói bằng tiếng Anh của học sinh đã có những bước chuyển biến rất tích cực trong 5 năm qua. Ðiểm trung bình thi Hùng biện tiếng Anh vòng chung kết cấp tỉnh hàng năm đã tăng lên rõ rệt. Qua 5 năm thực hiện Ðề án, điểm trung bình thi Hùng biện tiếng Anh cấp tiểu học tăng 1,4 điểm; cấp THCS tăng 2,5 điểm và khối THPT tăng 1,8 điểm. Kết quả thi Olympic tài năng tiếng Anh toàn quốc của tỉnh ta trong 3 năm Bộ GD và ÐT tổ chức đều đạt kết quả xuất sắc. Kết quả thi Olympic tiếng Anh trên internet hàng năm cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thi Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh của tỉnh và thi Toán Hà Nội mở rộng (thi bằng tiếng Anh) cũng có nhiều tiến bộ, đặc biệt năm học 2017-2018, Nam Ðịnh tham dự thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 đã đạt thành tích rực rỡ: 12 học sinh tham dự đạt 11 Huy chương, trong đó 5 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Ðồng. Năm học 2018-2019, tại cuộc thi HOMC, 10/12 học sinh Nam Ðịnh dự thi đạt giải, trong đó có 2 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Ðồng…

Từ thực tiễn thực hiện Ðề án, để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, cần có sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Sở GD và ÐT, phòng GD và ÐT các huyện, thành phố để ban giám hiệu các trường tổ chức thực hiện nghiêm túc, vào cuộc thực chất; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cơ quan quản lý, các nhà trường và phụ huynh học sinh trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Ðề án. Mặt khác, cần quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ thường xuyên cả về nhận thức, trình độ tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm. Quan tâm đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, các ứng dụng, tiện ích để dạy tiếng Anh hiệu quả nhất. Ðẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý các cấp, đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội về việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong các cơ sở giáo dục. Ðối với các vùng khó khăn, tăng cường các tình nguyện viên hỗ trợ dạy tiếng Anh. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nước ngoài. Ðổi mới nội dung công tác kiểm tra, đánh giá môn học ngoại ngữ đối với học sinh; tăng cường việc kiểm tra các kỹ năng của học sinh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói nhằm giúp học sinh có thêm động lực học. Duy trì và tăng cường các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh nhằm phát huy mạnh mẽ môi trường hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ: Tổ chức các cuộc giao lưu, thi Olympic tiếng Anh, CLB tiếng Anh, ngày hội ngoại ngữ... trong các nhà trường nhằm phát huy khả năng giao tiếp, nghe, nói của học sinh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ. Tiếp tục triển khai dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, thí điểm dạy Toán bằng tiếng Anh ở cấp tiểu học./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5546/202007/sau-5-nam-thuc-hien-de-an-giang-day-tieng-anh-trong-cac-truong-pho-thong-2538890/