Sau ánh đèn sân khấu

Khắc ghi lời Bác dạy: 'Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy' nên trong suốt chặng đường dài hoạt động nghệ thuật, cô Lý Sa Quyên, ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) luôn ra sức rèn đức, luyện tài, không ngừng trao truyền nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Cô Sa Quyên vẫn ngày từng ngày cống hiến sức mình vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Được biết, cha cô Quyên rất giỏi chơi đàn. Ông có thể chơi điêu luyện tất cả các loại nhạc cụ của đồng bào Khmer như: đàn cò, đàn Tà-khê, đàn Khưm… Chính tiếng đàn của cha đã thôi thúc cô đến với sân khấu dù kê để từng bước trở thành cô đào trứ danh một thời. Mười ba tuổi, cô bé Sa Quyên có thể hát được tất cả các bài hát, làn điệu ở các thể loại khác nhau của sân khấu dù kê; thực hiện điêu luyện các điệu múa đặc trưng của đồng bào Khmer như apsara, rom vong, lăm leo… Tuy nhiên, để đạt được thành công trong nghề nghiệp thì người nghệ sĩ cũng phải trải qua một quá trình khổ luyện lâu dài, từ luyện thanh đến luyện múa các động tác chân, tay, thể hình, sắc thái gương mặt. Người học thì nhiều nhưng người thành công sống được với nghề chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Cô Lý Sa Quyên tích cực trao truyền nghệ thuật dù kê cho thế hệ trẻ.

Cô Lý Sa Quyên tích cực trao truyền nghệ thuật dù kê cho thế hệ trẻ.

Mười bốn tuổi, cô bé Sa Quyên bước lên sân khấu với các vai diễn nhỏ; mười lăm tuổi chính thức trở thành đào chánh ở nhiều đoàn dù kê lúc bấy giờ. Mỗi lần đoàn hát đi đến đâu khi nghe giới thiệu đến cô đào Sa Quyên là đêm diễn ấy coi như “bể rạp”. Khán giả khắp nơi trong tỉnh, kể cả một số tỉnh bạn ai cũng hâm mộ cô đào tài sắc vẹn toàn.

Đầu những năm 2000, sân khấu dù kê bước vào giai đoạn thoái trào, các đoàn dù kê lớn nhỏ trong tỉnh đa phần rã gánh. Vì thế, vợ chồng cô Sa Quyên phải làm thuê, làm mướn đủ nghề để mưu sinh, nhưng trong lòng họ lúc nào cũng cháy bỏng một tình yêu sâu nặng với sân khấu dù kê. Thiếu ánh đèn sân khấu thì vợ chồng cô làm bạn với ánh đèn dầu, đèn điện. Ngày thì ra đồng làm thuê, đêm thì dạy múa, dạy hát truyền nghề cho các con. Vào những dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer như tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn Ta, lễ hội Oóc om bóc hay các đám tiệc trong quê là đại gia đình cô lại tham gia biểu diễn phục vụ. Thù lao chẳng có gì ngoài những tràng pháo tay của người xem, có khi, mai ra cũng được bà con cho ít gạo về nuôi con. Dẫu vậy, vợ chồng cô vẫn chẳng hề thất vọng, họ như thân tằm cần mẫn nhả tơ trả nợ cho đời.

Mặc dù cuộc sống còn không ít khó khăn, nhưng bằng tình yêu nghề tha thiết, cô Quyên đã thuyết phục được nhiều em tham gia vào đội văn nghệ do mình thành lập, mang tên Đội múa apsara. Đều đặn mỗi ngày khi hoàng hôn buông xuống, các thành viên trong Đội múa apsara lại tập trung về trước sân nhà cô Sa Quyên tập luyện. Trên khoảng sân nhỏ hẹp phủ bóng của cây sa la cổ thụ, gần 20 em nhỏ đủ mọi lứa tuổi, có em mới vào lớp 1, em cao tuổi nhất cũng vừa học xong lớp 9 say sưa tập luyện theo sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Sa Quyên. Cô vừa là người thầy vừa là người mẹ chỉ bảo, nắn nót cho các em từng động tác múa, từng cách luyến láy trong lời ca. Một sân khấu dù kê thu nhỏ như hiện ra trước mắt người xem.

Tiếng lành đồn xa, ngoài biểu diễn phục vụ bà con tại địa phương trong các dịp lễ hội, đám tiệc thì Đội múa apsara còn được mời biểu diễn tại nhiều địa phương trong và ngoài huyện Kế Sách. Thù lao cho mỗi buổi biểu diễn thì tùy hỷ người mời, có khi cũng chỉ vừa đủ tiền bao xe, tiền ăn cho các thành viên trong đội nhưng cô Sa Quyên luôn tự hào, lấy đó làm động lực để duy trì hoạt động của đội múa, theo cô, hễ khi nào còn người xem thì khi ấy sân khấu dù kê vẫn còn đất sống.

Khắc ghi lời Bác dạy: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” nên trong suốt chặng đường dài hoạt động nghệ thuật của mình, cô Lý Sa Quyên luôn ra sức rèn đức, luyện tài, không ngừng trao truyền nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Học trò do cô Sa Quyên đào tạo nhiều em đã trở thành những diễn viên nòng cốt trong phong trào văn nghệ tại địa phương cũng như tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Kế Sách. Trong đó, một số em đã đạt được giải cao trong các kỳ liên hoan văn nghệ quần chúng do tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Riêng cô Sa Quyên, trong năm 2023 cô đã đạt Giải thí sinh cao tuổi tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ lần thứ I do Đài Phát thanh - truyền hình Sóc Trăng phối hợp với VTV5 tổ chức.

Bây giờ thì tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cô Sa Quyên vẫn ngày từng ngày cống hiến sức mình vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, qua đó, góp phần cùng với tỉnh nhà xây dựng một Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202412/sau-anh-den-san-khau-fc41d05/