Sau bão lũ linh hoạt kế hoạch giảng dạy, bù kiến thức

Đón trò trở lại trường cũng là lúc thầy cô vừa khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra, rà lại kiến thức để có kế hoạch giảng dạy phù hợp.

Học sinh Trường PTDTBT THCS Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được tặng ba lô cùng vở viết. Ảnh: Phương Thảo

Học sinh Trường PTDTBT THCS Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được tặng ba lô cùng vở viết. Ảnh: Phương Thảo

Nhanh chóng bắt nhịp

Mưa bão khiến cơ sở vật chất của ngành Giáo dục TP Yên Bái (Yên Bái) thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Dạy học trong bối cảnh tổn thất nặng nề, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT TP Yên Bái thông tin: Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Yên Bái, trong tháng 9 các nhà trường chưa tổ chức học bù, học thêm cho học sinh để dành thời gian khắc phục hậu quả mưa lũ và ổn định tình hình lớp học, tâm lý cho học sinh, giáo viên.

Thầy Vũ Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái (TP Yên Bái), ngôi trường cuối cùng của tỉnh Yên Bái hoạt động trở lại sau bão lũ chia sẻ: Trường có 632 học sinh. Sáng 23/9, trò trở lại học bình thường với tâm lý vui tươi; có 11 em nghỉ, trong đó 2 em đi tránh lũ ở Lục Yên với gia đình nên chưa kịp về. Đối với chương trình học của học sinh, nhà trường sẽ cắt giảm những tiết bổ sung. Ví dụ trước kia có quy định 7 tiết/ngày và tổng số tiết giảng dạy là 32 tiết/tuần thì những tiết bổ sung sẽ không dạy mà dành cho bài chính khóa.

“Thời gian tới, nhà trường cũng có kế hoạch dạy học tăng cường vào buổi chiều thứ 6 hoặc thứ 7 để học sinh kịp tiến độ chương trình. Các đơn vị khác chỉ nghỉ 1 tuần còn Trường Tiểu học Hồng Thái nghỉ 2 tuần nên sẽ vất vả hơn cho cả thầy và trò trong việc dạy học đảm bảo chương trình”, thầy Tấn nhấn mạnh.

Trường Tiểu học & THCS Phúc Ninh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) phải cho học sinh nghỉ 1 tuần sau khi khai giảng do ảnh hưởng của bão lũ. Nhà trường dự kiến tổ chức dạy bù cho học sinh vào tháng 10 tới.

“Với học sinh cấp tiểu học được thầy cô điều chỉnh các tiết học; cấp THCS sẽ xây dựng chương trình học buổi sáng học 5 tiết, buổi chiều học bù 3 tiết (không quá 8 tiết/ngày). Hiện, học sinh các khối đi học đều và đầy đủ. Chúng tôi rất vui khi thấy có em dù nhà bị sạt lở, phải ở tạm lán nhưng phụ huynh đã dành một không gian riêng cho con học tập”, cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Như Oanh cho biết.

Tại Thái Nguyên, sau khi mưa lũ đi qua, thầy cô khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định tâm lý cho học sinh, đồng thời bố trí phòng học, chỗ ăn ở để trò nhanh chóng bắt nhịp khi trở lại trường lớp. Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục ưu tiên đảm bảo an toàn cho học sinh, có thể linh động học trực tuyến nếu cần thiết, sớm ổn định tâm lý để việc dạy và học hiệu quả nhất…

Chia sẻ của cô Long Thị Anh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên): Năm học 2024 - 2025, trường có 333 học sinh 9 lớp. Nhà các em đa phần cách trường từ 10 - 20km nên việc sinh hoạt, ăn đều ở trường. Do tình hình mưa lũ, sạt lở, địa hình chia cắt, nhà trường đã cho học sinh nghỉ 1 tuần.

Từ ngày 12/9, học sinh trở lại trường học tập. Sau 2 tuần, sĩ số các lớp đều duy trì, không có tình trạng nghỉ học. Để bù đắp kiến thức cho các em sau những ngày nghỉ học, nhà trường chỉ đạo giáo viên dạy bù nhằm kịp tiến độ thực hiện khung thời gian và chương trình dạy học. Điều này khiến cho giáo viên vất vả hơn trong quá trình tổ chức dạy học sau bão lũ.

 Em Nông Huyền Trang - học sinh lớp 7 Trường Tiểu học & THCS Phúc Ninh (huyện Yên Bình, Yên Bái) được gia đình ưu tiên góc học tập riêng bên lán tạm do nhà bị sạt lở. Ảnh: Đức Hạnh

Em Nông Huyền Trang - học sinh lớp 7 Trường Tiểu học & THCS Phúc Ninh (huyện Yên Bình, Yên Bái) được gia đình ưu tiên góc học tập riêng bên lán tạm do nhà bị sạt lở. Ảnh: Đức Hạnh

Linh hoạt kế hoạch dạy học

Tại Trường PTDTBT THCS Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), bão số 3 và mưa lũ gây ảnh hưởng và thiệt hại đến cơ sở vật chất, cô và trò phải tạm nghỉ 3 ngày. Nhà trường đang khắc phục hậu quả và tổ chức dạy học để đảm bảo kiến thức cho học sinh.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng trao đổi, cách đây 1 tuần, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên trường đã chia làm 2 ca học, lớp 6 và 7 học buổi sáng, lớp 8, 9 học buổi chiều. Đến ngày 23/9, trường khắc phục cơ bản, có đầy đủ lớp học nên các em tiếp tục học cả ngày. Trường cũng bố trí học bù vào tiết 5 buổi sáng, tiết 4 buổi chiều để tuần 3 hoặc tuần 4 tháng 9 sẽ kịp tiến độ học tập.

“Bên cạnh tổ chức dạy bù để đảm bảo đúng thời gian chương trình, nhà trường cũng chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ phù hợp với đặc điểm của học sinh để đảm bảo được kiến thức cơ bản, không gây quá tải trong kiểm tra, đánh giá”, cô Hằng nói.

Đóng chân tại huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn), Trường Tiểu học Xuân La có 1 điểm trường chính và 3 điểm lẻ gồm Nặm Nhả, Khuổi Bốc và Xiêng Cọng với tổng 279 học sinh, chia thành 13 lớp.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ nên học sinh tại điểm trường chính nghỉ 2 ngày, học sinh 3 điểm trường lẻ nghỉ 3 ngày. Ngay sau khi trở lại học tập, trường đã động viên thầy cô cùng học sinh tổ chức học bù để lấp khoảng trống kiến thức vào buổi chiều ngày thứ 6 và các ngày thứ 7, Chủ nhật.

“Đối với học sinh tiểu học, nhà trường tăng cường thời lượng môn Tiếng Việt, rèn Toán để các em nắm vững kiến thức cơ bản. Riêng khối 1, học sinh nhỏ tuổi, thời lượng chương trình học khá nặng nên việc dạy bù gặp khó khăn về thời gian, thầy cô cũng vất vả hơn. Đến nay, học sinh của trường đã đuổi kịp chương trình chính khóa”, thầy Văn Phúc Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La nói.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, sau khi học sinh đi học trở lại, Trường Tiểu học và THCS Đại Dực 1, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã kêu gọi các tổ chức cá nhân ủng hộ nước sạch, gạo, quần áo, sách vở, xe đạp cho trò có hoàn cảnh khó khăn; qua đó, ổn định tâm lý, tạo động lực các em yên tâm tới trường.

Tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Lê Đức Trọng, do mất điện và nhà ăn bán trú bị sạt lở đất nên nhà trường chưa tổ chức ăn bán trú mà chỉ sắp xếp lại lịch học cho phù hợp tình hình thực tế.

Cụ thể, thay vì học tất cả buổi sáng và chiều như trước đây, nhà trường cho học sinh học buổi sáng bởi phần lớn nhà học trò ở xa, mất nhiều thời gian di chuyển đến trường; bên cạnh đó đường sá đi lại bị ảnh hưởng nên việc điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho các em.

 Học sinh Trường THCS Phùng Hưng (TX Sơn Tây, TP Hà Nội) đi học đầy đủ sau thời gian nghỉ do mưa ngập. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Phùng Hưng (TX Sơn Tây, TP Hà Nội) đi học đầy đủ sau thời gian nghỉ do mưa ngập. Ảnh: NTCC

Không gây áp lực cho trò

Tại Hà Nội, cô Đặng Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vật Lại (huyện Ba Vì) cho biết, từ ngày 7/9, điểm trường trung tâm bị ngập sâu nên phải cho hơn 400 trẻ tại đây phải nghỉ học và chuyển sang học online. Hai điểm trường lẻ của trường có tổng 300 trẻ đang học trực tiếp.

Khi dạy học trực tiếp tại hai điểm lẻ thôn Vật Yên và Cao Bồ, giáo viên tiếp tục dạy trẻ các bài học, kỹ năng cần thiết phù hợp với từng độ tuổi. Tại điểm trường trung tâm, các cô quay video bài học và gửi cho phụ huynh để hướng dẫn trẻ thực hiện một số kỹ năng tại nhà. Khi nước rút, nhà trường sẽ tổng vệ sinh khử khuẩn, đón các em trở lại lớp và thực hiện đúng theo phân phối chương trình.

“Trẻ mầm non đang trong giai đoạn phát triển nên rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ nhà trường và gia đình. Dù nghỉ ở nhà hay đến lớp học trực tiếp, các cô cũng tập trung các giải pháp để sớm ổn định tâm lý, tuyệt đối không gây áp lực cho trẻ. Những kỹ năng trẻ học được thời gian qua sẽ được cô giáo luyện lại để tạo thói quen tốt, giúp các em bắt trở lại nhịp học tập bình thường trên lớp”, cô Huệ trao đổi thêm.

Tại Trường THCS Phùng Hưng (TX Sơn Tây, TP Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Khuất Quang Hải cho hay, từ thời điểm bão số 3 quét qua gây mưa lớn và ngập sâu, nhà trường lập tức chuyển sang trạng thái dạy học online để duy trì nhịp học tập cho học sinh.

Từ ngày 19/9, toàn bộ 1.556 học sinh của trường học trực tiếp. Thầy cô tổng hợp danh sách những em không có điều kiện học online thời gian qua để tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức. Giáo viên tâm sự, nắm bắt tâm lý, nếu em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà bị gián đoạn việc học sẽ giải pháp hỗ trợ kịp thời.

“Chúng tôi chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy, nhất là với 356 học sinh khối 9, theo từng chuyên đề, bám sát cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, giáo viên thực hiện các bài kiểm tra để đánh giá mức độ nắm bắt kiến thức của học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp”, thầy Hải nói.

Bà Nguyễn Thị Mây - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thông tin, dạy học liên quan chương trình, thời khóa biểu và thực tiễn từng trường nên phòng đã chỉ đạo các trường linh hoạt sắp xếp lịch dạy học, kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sao cho phù hợp, hiệu quả nhất.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sau-bao-lu-linh-hoat-ke-hoach-giang-day-bu-kien-thuc-post702208.html