Sau bão Yagi, thị trường chứng khoán màu gì?

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.

Lo ngại chi phí bồi thường gia tăng sau bão, nhà đầu tư dè dặt với nhóm cổ phiếu bảo hiểm

Thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, VN-Index khởi đầu tuần từ 9/9-13/9/2024 giảm 0,5% xuống 1.267,7 điểm khi chốt phiên ngày 9/9. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 104/282. Phần lớn các ngành đều có diễn biến kém khả quan ngoại trừ Tiện ích, Tài nguyên cơ bản, Dầu khí và Ô tô & Phụ tùng. Trong đó, các cổ phiếu ngành thép như HPG (+0,8%), HSG (+2,3%), NKG (+2,6%) và TVN (+4,4%) vẫn tiếp nối đà tăng của phiên thứ Sáu trước đó.

Ngành Bảo hiểm có hiệu suất kém nhất với BVH (-0,5%), PVI (-1,8% và BIC (-4,3%) đồng loạt giảm điểm do lo ngại chi phí bồi thường bảo hiểm gia tăng do cơn bão Yagi

Ngành Bảo hiểm có hiệu suất kém nhất với BVH (-0,5%), PVI (-1,8% và BIC (-4,3%) đồng loạt giảm điểm do lo ngại chi phí bồi thường bảo hiểm gia tăng do cơn bão Yagi

Khối ngoại bán ròng với giá trị 470 tỷ đồng, tập trung vào FPT, MSN và HPG. VN-Index ngày 10/9 giảm 1% xuống mức 1.255,2 điểm khi chỉ số chỉ tăng nhẹ lúc đầu phiên trước khi quay đầu giảm điểm sau đó. Thanh khoản thị trường có sự phục hồi khi tăng tới hơn 35% so với phiên giao dịch trước đó.

Chăm sóc sức khỏe là ngành duy nhất có diễn biến tích cực. Trong khi đó, ngành ngân hàng có nhiều cổ phiếu gây áp lực lên chỉ số như VCB (-1,3%), BID (-1,1%), TCB (-1,8%) và SSB (-6,1%). Đà giảm vẫn tiếp diễn trong phiên 11/9 khi VN-Index giảm gần 2 điểm xuống mức 1.253,3.

Ngành Bảo hiểm có hiệu suất kém nhất với BVH (-0,5%), PVI (-1,8% và BIC (-4,3%) đồng loạt giảm điểm do lo ngại chi phí bồi thường bảo hiểm gia tăng do cơn bão Yagi. Hai ngành có vốn hóa lớn khác là Ngân hàng và Bất động sản cũng đồng thời giảm điểm. NVL chạm sàn do những thông tin bất lợi về khả năng không được giao dịch ký quỹ. Phiên 12/9 chứng kiến VN-Index phục hồi nhẹ 0,3% lên mức 1.256,4 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại giảm 7% so với phiên hôm trước. Công nghệ, Hóa chất và Viễn thông là những ngành có diễn biến tích cực với FPT (+1,3%), GVR (+1,3%) và VGI (+1,1%) dẫn dắt đà tăng. Đà phục hồi đã không thể tiếp diễn trong ngày 13/9 khi VN-Index giảm 0,4% xuống mức 1.251,7 điểm. Dịch vụ tài chính là ngành có diễn biến tích cực nhất với SSI (+0,2%), HCM (+1,2%), SHS (+0,7%), FTS (+2,3%), SHS (+0,7%) và MBS (+1,9%) tăng giá trong khi Tiện ích là ngành có diễn biến kém khả quan nhất. Kết tuần, VN-Index giảm 1,7% xuống mức 1.251,7 điểm, HNX-Index giảm 0,9% xuống 232,4 điểm và UPCOM-Index giảm 0,4% xuống mức 92,9 điểm.

Tuần này, FPT (+0,7%), TPB (+2,5%) và SBT (+8,4%) là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, SSB (-15,3%), VIC (-3,9%) và BID (-2,2%) là các mã gây áp lực lên chỉ số.

Khối ngoại bán ròng 1.132,9 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 1.122,2 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 17,2 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 6,5 tỷ đồng trên UPCOM.

Duy trì tầm nhìn dài hạn

Đưa ra khuyến nghị cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch từ 16/9- 21/9/2024, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho biết, nhà đầu tư cần duy trì tầm nhìn dài hạn, thị trường điều chỉnh là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu.

Thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch trầm lắng, điều này phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng bao gồm: kỳ họp lãi suất sắp tới của Fed diễn ra vào giữa tuần sau với dự báo Fed có tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay, thị trường chờ xem phản ứng của NHNN sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed và cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.

“Tôi vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-INDEX vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ sau. Thứ nhất. Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm. Thứ hai, áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp. Ba là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường. Đồng thời, kinh nghiệm quá khứ cho thấy “đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”- ông Hinh thông tin.

Chuyên gia VNDRECT nhận định thêm, VN-INDEX đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng gia đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-INDEX, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất độn sản khu công nghiệp.

Song Anh

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/sau-bao-yagi-thi-truong-chung-khoan-mau-gi-126893.html