Thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong 2- 3 năm tới
Trong nhiều năm gần đây, VN-Index thường giảm trong tháng 9, tháng 10 theo tính chất mùa vụ, khi thị trường rơi vào vùng trũng thông tin. Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong 2-3 năm tới.
Nhận định tại Chương trình Khớp Lệnh – Tài chính thịnh vượng, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, “Sell in may” (Bán trong tháng 5) có lẽ không còn chính xác mà phải nói “Wake me up when September ends” – Đứng ngoài thị trường cho đến hết tháng 9".
Phóng viên: Ông nghĩ sao về “lời nguyền tháng 9” mà các nhà đầu tư hay chia sẻ?
Ông Trần Hoàng Sơn: Tháng 9 luôn là tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Mỹ xét về ảnh hưởng theo mùa. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, tháng 9 năm nào, hiệu suất S&P 500 cũng rất thấp. Nếu tính chu kỳ dài 10 năm trở lại đây, S&P 500 tháng 9 thường có hiệu suất thấp nhất trong năm. “Sell in may” có lẽ không còn chính xác mà phải nói “Wake me up when September ends”.
Tương tự, VN-Index cũng giảm trong tháng 9 các năm gần đây. Tôi cho rằng, sự điều chỉnh này cũng mang tính mùa vụ. Tại Việt Nam, vào tháng 3, 4, 9 và 10, hiệu suất thị trường thường rất thấp. Dữ liệu lịch sử cho thấy, VN-Index rất đồng biến với S&P 500 của Mỹ.
Phóng viên: Vậy tháng 9 và 10 năm nay thì sao, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Sơn: Đến hiện tại, thị trường vẫn khá yếu, ít nhất trong 3 tuần gần đây. Vùng kháng cự xoay quanh 1.285 – 1.300 điểm chưa vượt qua được. Mặt khác, thanh khoản giảm sâu là điểm trừ. Điều đó cho thấy tháng 9 năm nay cũng là tháng mà hiệu quả không cao.
Chúng ta cũng cần lưu ý diễn biến thị trường chứng khoán trước và sau cuộc họp của Fed. Do đó, nhà đầu tư nên chờ đợi và thận trọng trong thời gian tháng 9 và 10 này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế sắp tới trước làn sóng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là động thái của Fed?
Ông Trần Hoàng Sơn: Làn sóng cắt giảm lãi suất cho thấy bức tranh kinh tế có vấn đề chứ không chỉ là lạm phát vì lạm phát đã hạ nhiệt 2 năm gần đây. Bức tranh kinh tế toàn cảnh ở hầu hết quốc gia từ châu Âu đến châu Á cho thấy sụt giảm rõ rệt. Châu Âu năm qua thoát khỏi lo ngại suy thoái nhưng nhiều quốc gia như Ý, Pháp, Đức có tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ, đặc biệt là Đức tăng trưởng âm quý vừa rồi.
Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản tăng trưởng kỳ vừa rồi rất thấp, đặc biệt là Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng nhiều. Nếu không hạ lãi suất hợp lý, kịp thời thì có thể xảy ra suy thoái.
Lạm phát đang trong xu hướng giảm trên toàn cầu và giảm rất nhanh, nhiều chuyên gia còn cho rằng nếu không hạ lãi suất hợp lý thì lạm phát còn thấp hơn kỳ vọng của ngân hàng trung ương. Mặt khác, việc hạ lãi suất cũng có độ trễ nhất định, phải mất 3 đến 6 tháng sau mới thấm vào nền kinh tế.
Các ngành sản xuất từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đi xuống thấy rõ. PMI của hầu hết quốc gia đều dưới 50. Để vực lại tốc độ tăng trưởng kinh tế thì hành động giảm lãi suất phải nhanh.
Tuần qua, ECB đã hạ lãi suất lần thứ 2 liên tiếp, lãi suất huy động giảm 0,25 điểm % nhưng lãi suất tái cấp vốn giảm đến 60 điểm cơ bản (1 điểm % = 100 điểm cơ bản). Lãi suất tái cấp vốn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, do vậy việc hạ mạnh lãi suất này có mối lo liên quan đến tăng trưởng kinh tế.
Một thống kê cho thấy, số ngân hàng trung ương dự kiến hạ lãi suất lên đến 57% trên toàn cầu.
Nhìn dài hạn hơn, lãi suất đi xuống tạo môi trường dễ thở hơn cho doanh nghiệp sản xuất, bất động sản. Về lâu dài, việc hạ lãi suất sẽ tác động tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải lần nào, Fed hạ lãi suất cũng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Thống kê cho thấy, lịch sử không ít lần Fed hạ lãi suất là suy thoái.
Trong trung và dài hạn, Fed hạ lãi suất sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và nền kinh tế dù cho có suy thoái kinh tế hay không. Nếu có suy thoái kinh tế thị trường sẽ giảm sau 6 tháng và tăng sau 1 năm. Trong trường hợp không có suy thoái thì thị trường chứng khoán tăng tốt sau 6 tháng và tăng mạnh mẽ sau 1 năm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn (trong vòng 6 tháng), thị trường có những nhịp sụt giảm mạnh, có thể bay tài khoản nếu nhà đầu tư không quản trị rủi ro thận trọng.
Do vậy, những kỳ vọng Fed hạ lãi suất đã phản ánh trong 2 năm nay rồi, S&P 500 có 2 năm tăng tốt và gần đỉnh lịch sử. Sau khi Fed hạ lãi suất thì dòng vốn có xu hướng chạy từ thị trường chứng khoán đã tăng nóng sang thị trường có mức sinh lời tốt hơn.
Cụ thể, dòng vốn có xu hướng rút khỏi Nhật Bản – nơi thị trường chứng khoán tăng tốt sang một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Phillippines đã thu hút dòng vốn tốt thời gian qua. Thái Lan bị bán ròng liên tục nhưng đã quay trở lại mua ròng gần đây.
Phóng viên: Còn đối với Việt Nam, ông dự báo thế nào về xu thế dòng vốn ngoại đổ vào nước ta trong thời gian tới?
Ông Trần Hoàng Sơn: Nhìn chung, dòng vốn đang trở lại ASEAN. Tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai gần, có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Việt Nam có nhiều câu chuyện hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như nâng hạng thị trường chứng khoán, nền kinh tế tăng trưởng cao hướng đến xuất khẩu.
Khi Fed mới hạ lãi suất, các thị trường châu Á và Đông Nam Á thường có hiệu quả đầu tư thấp. Do dữ liệu lịch sử trong 3 kỳ Fed hạ lãi suất gần đây thường có suy thoái kinh tế. Song, khi Fed hạ lãi suất đến giai đoạn đủ thấp thì các thị trường này lại tăng tốt.
Do vậy, giới đầu tư đang kỳ vọng khi lãi suất hạ dòng vốn dần dần dịch chuyển và ASEAN hay các thị trường mới nổi nhận được dòng vốn. Tuy nhiên, không phải ngay bây giờ mà phải 1 đến 2 năm tới khi mặt bằng lãi suất về mức đủ hấp dẫn.
Dự báo Fed hạ lãi suất thời gian tới đây khoảng 25 điểm cơ bản, một số bên đã đưa ra dự báo 50:50 giữa 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản. Sau Fed hạ lãi suất thì đến giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường thường diễn biến yếu và tăng trở lại sau khi bầu cử xong.
Tôi nhắc lại, nhìn về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán có nhiều dư địa để tăng trưởng trong 2 – 3 năm tới nhưng cần thận trọng để tránh nhưng biến động trong ngắn hạn.
Phóng viên: Cổ phiếu nào hưởng lợi từ xu hướng Fed giảm lãi suất, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Sơn: Khi Fed hạ lãi suất thì chắc chắn các ngân hàng sẽ hạ lãi suất theo thị trường. Nhưng nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2015 hạ lãi suất, ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt.
Trong cơ cấu thu nhập ngân hàng hiện nay, thu nhập lãi thuần giảm, thu nhập từ dịch vụ đang cải thiện nhiều và dần chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, doanh nghiệp phục hồi thì nợ xấu ngân hàng giảm, giảm trích lập dự phòng. Sức khỏe hệ thống ngân hàng càng tốt hơn.
Do vậy, kinh tế phục hồi thì tốt cho tất cả. Ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế nên vẫn có dư địa tốt để phục hồi.
Phóng viên: Ngoài Fed giảm lãi suất, đâu là động lực giúp thị trường chứng khoán đi lên?
Ông Trần Hoàng Sơn: Khi Fed hạ lãi suất thì chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt là sau thảm họa bão Yagi. Qua đó, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, dư địa phục hồi tốt hơn.
Với một đất nước có nhiều dư địa phục hồi kinh tế như vậy thì thị trường chứng khoán chắn chắn hưởng lợi. Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, doanh nghiệp đầu ngành phục hồi thì cổ phiếu đi lên.
Phóng viên: Theo ông, nhà đầu tư đang cầm nhiều tiền mặt (full cash) nên làm gì lúc này?
Ông Trần Hoàng Sơn: Trong 2 đến 3 tuần hiện nay thị trường khá yếu, thanh khoản cũng sụt giảm, hầu hết nhóm ngành Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Bán lẻ đều yếu. Vì vậy, kỳ vọng kiếm lợi nhuận tốt trong ngắn hạn T+3, T+5 rất khó.
Về xu hướng ngắn hạn, VN-Index đã xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ. Điều này đang chỉ báo nhịp điều chỉnh sắp tới, kết hợp với một số nhiễu động có thể xảy ra trước và sau thời điểm Fed hạ lãi suất. Do vậy, việc full cash là chiến thuật đúng để chờ vùng mua tốt hơn, nhịp điều chỉnh sâu sắp tới (vùng 1.200 +/- điểm).