Sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa vụ mùa

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa 2022. Trong đó, cây lúa với diện tích gần 42.400 ha, chủ yếu ở giai đoạn đòng trổ, đẻ nhánh, một số diện tích đang ở giai đoạn trổ ‐ chín, mạ. Tuy nhiên, thời điểm này tình hình sâu bệnh hại cây trồng diễn ra khá phức tạp. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh và nông dân các địa phương đang cố gắng tăng cường các biện pháp phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh cho biết, trên diện tích lúa vụ mùa toàn tỉnh, bệnh đạo ôn lá đang có diện tích nhiễm khoảng 950 ha, tỷ lệ bệnh 5 ‐ 10%, tăng 22 ha so với 1 tuần trước đó. Bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có nhiễm diện tích 303 ha, tỷ lệ bệnh 10 ‐ 20%, tăng 91 ha so với kỳ trước, chủ yếu tại các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong và thị xã La Gi. Sâu đục thân có diện tích nhiễm 297 ha, tỷ lệ hại 5 ‐ 10%, giảm 97 ha so với kỳ trước, phân bố tại các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Bắc Bình và thị xã La Gi. Đặc biệt, thời gian gần đây tình hình chuột phá hại trên lúa tại 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh khá nhiều.

Bẫy chuột để hạn chế hư hại lúa

Bẫy chuột để hạn chế hư hại lúa

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV, đến đầu tháng 11/2022 có 280 ha lúa tại 2 địa phương này bị chuột phá hại. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ với trên 200 ha, mật số 20 ‐ 50 con/m2, tăng 3 ha so với tuần trước, tập trung tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Tuy Phong. Ngành nông nghiệp tỉnh dự báo, trong những ngày tới, trên cây lúa tình hình sâu bệnh vẫn tiếp tục xảy ra các bệnh đạo ôn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, chuột... phát sinh gây hại trên lúa vụ mùa.

Phun thuốc trên lúa để phòng trừ sâu bệnh

Phun thuốc trên lúa để phòng trừ sâu bệnh

Theo ông Đỗ Văn Bảo ‐ Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, các huyện cần tiếp tục khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Với bệnh đạo ôn lá, khi phát hiện lúa bị bệnh, khuyến cáo nông dân ngừng bón đạm và ka li, sử dụng các loại thuốc có hoạt chất để phun như Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325SC, Azotop 400SC), Fenoxanil (Taiyou 20SC), Tricyclazole (Beam 75WP, Trizole 20WP)... Nếu bệnh nặng, phun 2 lần cách nhau 5‐7 ngày.

Cũng theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và BVTV, chi cục vừa tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sâu đục thân gây hại trên các trà lúa vụ mùa tại các huyện Bắc Bình và Tuy Phong. Kết quả cho thấy, trên trà lúa giai đoạn trổ ‐ chín bướm sâu đục thân đã vũ hóa và có khả năng phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ. Do vậy, để chủ động phòng, trừ sâu đục thân gây hại trên lúa vụ mùa, bảo vệ năng suất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương tăng cường điều tra dự tính dự báo. Trong đó đặc biệt chú ý theo dõi trưởng thành vào đèn (bẫy đèn) để dự tính, dự báo lứa sâu non tiếp theo làm cơ sở khuyến cáo nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Theo dự tính của cơ quan chuyên môn, trưởng thành sâu đục thân sẽ xuất hiện rải rác từ ngày 5 ‐ 25/11 và tập trung vào khoảng 5 ‐ 10/11 trên các trà lúa tại huyện Bắc Bình, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc. Sâu non sẽ gây hại làm bông bạc trên lúa mùa vào đầu tháng và giữa tháng 11/2022. Do lứa sâu trên trùng với thời điểm lúa trổ, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Vì vậy, chi cục đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ lứa sâu này thông qua biện pháp theo dõi trưởng thành bằng bẫy đèn và điều tra bướm ngoài đồng ruộng để làm cơ sở hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng thời điểm. Đồng thời khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, sau khi thấy bướm (trưởng thành) xuất hiện từ 7 ‐ 10 ngày hoặc sâu non mới nở thì tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần, cách nhau 7 ‐ 10 ngày để trừ sâu đục thân bằng các hoạt chất như Thiosultap‐sodium (Neretox 18 SL, Colt 150 SL, Netoxin 90 WP, Taginon18SL...), Fenitrothion (Factor 50EC,Visumit 50EC...), Chlorantraniliprole… Lưu ý, đối với những trà lúa đang trong giai đoạn trổ, khuyến cáo nông dân phun vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để tránh ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/sau-benh-phat-sinh-gay-hai-tren-lua-vu-mua-103412.html