Sau biểu tình ở Ấn Độ, cảnh sát phủ nhận cô gái bị hiếp dâm
Vụ việc cô gái 19 tuổi tử vong ngày 29/9 vì bị bốn người đàn ông tấn công đã dẫn tới biểu tình trên khắp Ấn Độ. Ngày 1/10, cảnh sát cấp bang nói rằng cô gái không bị cưỡng hiếp.
Vụ việc gây phẫn nộ vì thủ phạm là những người đàn ông thuộc tầng lớp trên trong chế độ phân chia đẳng cấp (caste) vốn đã bị bãi bỏ của Ấn Độ, còn cô gái thiệt mạng là người Dalit, tầng lớp thấp nhất.
Tin tức về cái chết của cô gái đã làm chấn động truyền thông và mạng xã hội Ấn Độ, với nhiều tiếng nói đòi công lý cho nạn nhân.
Cảnh sát địa phương ban đầu nói nạn nhân bị cưỡng hiếp và siết cổ ở một cánh đồng gần nhà cô tại Hathras, cách thủ đô New Delhi khoảng 200 km. Nhưng ngày 1/10, cảnh sát cho biết đã loại trừ cáo buộc cưỡng hiếp, và kết luận cô gái tử vong do chấn thương ở cổ, theo CNN.
Cảnh sát bắt giữ bốn người đàn ông sau vụ tấn công hai tuần trước ở bang phía bắc Uttar Pradesh. Họ vẫn bị tạm giữ và có thể đối mặt với các tội danh khác.
Thi thể của nạn nhân đã được hỏa táng, nhưng mẹ của nạn nhân lại nói với CNN rằng thi thể con gái bà bị đưa đi trái với nguyện vọng của gia đình. “Tôi cầu xin họ cho tôi xem mặt con gái lần cuối. Họ không chấp nhận”, bà nói.
Swati Maliwal, người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ Delhi, ngày 29/9 cáo buộc thi thể của nạn nhân bị hỏa táng mà không có sự đồng ý từ gia đình.
Nhưng giới chức lại phủ nhận. “Cô gái được hỏa táng với sự đồng ý của họ. Gia đình của cô có mặt ở đó. Cáo buộc như vậy là hoàn toàn sai”, thẩm phán địa phương PK Laxkar nói.
Đảng đối lập chính của Ấn Độ đã cáo buộc có sự bao che trong vụ việc, và kêu gọi thủ hiến bang Uttar Pradesh từ chức.
Đối mặt với chỉ trích, chính quyền bang hứa sẽ có cuộc điều tra đặc biệt, có báo cáo sau 7 ngày.
Gia đình nạn nhân được đề nghị bồi thường khoảng 34.000 USD, kèm theo một việc làm trong chính quyền cho một người thân, và một căn nhà mới trong làng.
Cái chết của cô gái 19 tuổi dẫn tới biểu tình trên khắp bang Uttar Pradesh, sau đó lan sang các thành phố lớn bao gồm New Delhi, Mumbai và Kolkata.
Công chúng càng tức giận hơn sau khi có thông tin một phụ nữ khác, 22 tuổi, cũng là người Dalit, chết vì chấn thương nghiêm trọng ở cùng bang vào cùng ngày, nghi bị hiếp dâm tập thể.
Chế độ đẳng cấp của Ấn Độ chính thức bị bãi bỏ năm 1950, nhưng quan niệm 2.000 năm nay vẫn tồn tại trong mọi mặt đời sống. Đẳng cấp là do sinh ra mà có, thừa hưởng từ gia đình, và suốt đời không thể thay đổi, định đoạt vị trí của con người trong xã hội, làm được những công việc gì, kết hôn với ai.
Các đẳng cấp trên coi người Dalit là “không đáng đụng tới”. Vì quan niệm này, khoảng 200 triệu người Dalit ở Ấn Độ phải sống ngoài lề xã hội. Phụ nữ Dalit đứng trước rủi ro bạo lực và phân biệt vì đẳng cấp.