Sau cơn say, người đàn ông nôn ra cả bát máu
Người đàn ông 55 tuổi nghiện rượu, thường xuyên trong tình trạng say. Ngày Tết, sau khi uống nhiều bia, rượu, ông đã nôn ra bát máu tươi.
Ngày 2/2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh viện điều trị bệnh nhân chảy máu tiêu hóa, nôn cả bát máu. Bệnh nhân Lê Văn T. (55 tuổi, trú tại Yên Bái) vào viện ngày 28/1 vì lý do nôn ra máu do uống nhiều rượu bia, huyết sắc tố lúc vào 103g/l sau đó tiếp tục giảm xuống 87g/l.
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Khoa Cấp cứu, cho biết, nội soi dạ dày thực quản ông T. cho thấy hình ảnh giãn vỡ tĩnh mạch thực quản độ III. Bệnh nhân đã được nội soi cầm máu, truyền máu, truyền dịch, kiểm soát rối loạn đông máu, sử dụng thuốc điều trị dự phòng giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định.
Theo người nhà, ông T. nghiện rượu và luôn trong tình trạng nói lảm nhảm, đi lại run rẩy sau uống rượu. Dù đã được người nhà khuyên uống ít nhưng ông không nghe. Gia đình hoảng hốt khi ông T. nôn cả bát máu tươi.
Bác sĩ Minh cho biết, xuất huyết tiêu hóa giãn vỡ tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến tình trạng chảy máu do vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày.
Tại Việt Nam, 90% nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản là do xơ gan. Khi một người bị xơ gan, áp lực tăng cao trong hệ thống tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch qua gan) làm máu di chuyển khó khăn. Máu sẽ tìm các con đường khác để di chuyển về tim (tuần hoàn bàng hệ).
Tuy nhiên, thành vách hệ thống tuần hoàn bàng hệ rất mỏng nên khi lượng máu lớn đi qua sẽ gây giãn to, vỡ và chảy máu. Biểu hiện bệnh nhân nôn ra máu đỏ tươi lẫn máu cục kèm theo đi ngoài phân đen.
Bác sĩ Minh cho biết, nếu mất máu nhiều, sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng của mất máu cấp, như hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, tụt huyết áp kèm theo các triều chứng của bệnh gan: vàng da, vàng mắt, dễ chảy máu và tử vong.
Để điều trị, theo bác sĩ Minh bệnh nhân được xử trí cầm máu, hồi sức tích cực, khôi phục lượng máu trong lòng mạch và điều trị dự phòng thứ phát xuất huyết tiêu hóa.
Các phương pháp ngoại khoa cũng có thể được xử dụng để can thiệp: Như phẫu thuật bắc cầu cửa - chủ bằng đoạn mạch nhân tạo (PTFE) hoặc phẫu thuật cắt lách và nối tĩnh mạch lách - thận nhằm giúp giảm áp lực tĩnh mạch cửa giúp dự phòng tốt chảy máu tái phát.
Bác sĩ Minh cho biết thêm, bệnh nhân bị vỡ tĩnh mạch thực quản sẽ bị tái phát nhiều lần, thậm chí tử vong, nếu không thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và điều trị dự phòng.
Phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế nguy cơ mắc các bệnh xơ gan, dạ dày, viêm gan, tránh nạp những đồ uống có cồn như rượu, bia.
Chúng ta nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả; cần ngủ đúng giờ và đủ giấc; tránh căng thẳng kéo dài. Đối với những bệnh nhân xơ gan, nên thường xuyên đến các cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản thông qua các kỹ thuật như nội soi hoặc chụp cắt lớp vi tính.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghien-ruou-nguoi-dan-ong-non-ca-bat-mau-tuoi-2106089.html