Sau COVID-19, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để kinh doanh hiệu quả hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn. Ảnh: THÁI HÀ

Giới phân tích nhận định, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn sẽ thất bại.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến việc điều hành bất kỳ mô hình doanh nghiệp nào cũng đều khó khăn. Để ứng phó với dịch bệnh, các mô hình kinh doanh truyền thống dần thu hẹp, kinh doanh online bùng nổ… Từ đó, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, là lựa chọn bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp nếu muốn tăng cường hiệu quả hoạt động.

Xu thế tất yếu

Theo các chuyên gia, số hóa nôm na là tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, gia tăng sự hài lòng khách hàng và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên, so với việc vận hành doanh nghiệp theo kiểu cũ việc gì cũng đến tay, mất nhiều thời gian, chi phí, thì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của doanh nghiệp giúp quá trình vận hành nhanh, gọn, hiệu quả hơn rất nhiều.

Chia sẻ về thực tế chuyển đổi số ở các doanh nghiệp hiện nay, ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: “Ví dụ, nếu như trước kia chấm công thủ công thì hiện nay có máy chấm công bằng vân tay; thay vì ký thủ công thì nay ký bằng chữ ký số. Việc khai báo thuế, đóng bảo hiểm xã hội, xin giấy phép đầu tư, thay đổi ngành nghề đầu tư đều thông qua giao dịch điện tử… Đó là những thay đổi rất cụ thể, hữu ích khi chuyển đổi số.

Vì vậy, trừ các thế hệ doanh nhân lớn tuổi có phần bảo thủ và kinh doanh theo kinh nghiệm thì hầu hết doanh nghiệp trẻ trên địa bàn tỉnh đều nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và sẵn sàng đầu tư công nghệ, nhất là sau đại dịch COVID-19, khi bán lẻ theo kênh truyền thống gặp rất nhiều khó khăn”.

Khẳng định số hóa hoạt động doanh nghiệp là xu thế tất yếu, ông Hoàng Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung, cho biết: Ngày nay, việc bán hàng thông qua rất nhiều kênh với nhiều khách hàng khác nhau, có người muốn mua trực tiếp tại cửa hàng, tại siêu thị và cũng có người mua qua mạng, gửi hàng về tận nơi.

Mặc dù chúng tôi duy trì cách bán hàng truyền thống nhưng vẫn đầu tư máy móc, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận với mô hình kinh doanh hiện đại bằng cách mở ra các website bán hàng ở cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam. Vì số hóa là xu thế tất yếu nên nếu các đơn vị kinh doanh không chịu thay đổi thì chỉ một thời gian ngắn là tụt hậu.

Chủ động chuyển đổi số

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự thì một số doanh nghiệp khác thay đổi để thích nghi bằng việc ứng dụng kỹ thuật số và làm việc trong môi trường ảo. Rõ ràng, dù COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng lại mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tái cơ cấu để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và phục hồi sau dịch.

Nói về thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) Nguyễn Kim Hùng trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến các giám đốc sở KH-CN toàn quốc năm 2020 vừa được Bộ KH-CN tổ chức, cho biết vẫn còn những hạn chế. Mới chỉ có 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ biết đến chuyển đổi số và số hóa. Trong đó chỉ có 11% doanh nghiệp chuyển đổi thành công.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Hùng, một trong những điều nhìn thấy rõ nhất là doanh nghiệp khi bắt đầu chuyển đổi số thường nghĩ đến kinh doanh trực tuyến. Đây là một mặt của chuyển đổi số, nhưng quan trọng hơn là quản trị doanh nghiệp; số hóa toàn bộ quá trình quản trị từ số liệu đến cách thức điều hành, chỉ đạo, tiếp nhận sản phẩm, quản lý toàn bộ sản phẩm trong doanh nghiệp... để việc kinh doanh trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và tốt hơn một cách đột phá.

Liên quan đến các giải pháp để chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Ngô Đa Thọ cho rằng: Chuyển đổi số cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, khi các thành tựu của KH-CN đang hiện diện trong mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, không có công thức chung nào cho việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp mà chuyển đổi như thế nào với mỗi doanh nghiệp có quy mô và năng lực khác nhau lại rất khác nhau.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại những rào cản về nhận thức, nguồn nhân lực và đặc biệt là ngân sách cho công nghệ thông tin hạn chế nên cần chủ động tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chuyển đổi số thành công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng những công nghệ mới và phù hợp của các nhà cung cấp uy tín để áp dụng cho đơn vị mình nhằm đơn giản hóa quá trình triển khai, tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Nếu trước đây, chỉ các công ty có tiềm lực kinh tế lớn mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ tiên tiến thì trong giai đoạn hiện nay, dù công ty nhỏ hay startup đều có thể tiếp cận được công nghệ, chuyển đổi số thành công để tạo ra bước đột phá mới.

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/240793/sau-covid-19-doanh-nghiep-day-manh-chuyen-doi-so.html