Hải Phòng 'trải thảm' mời 2 tập đoàn lớn đầu tư về chuyển đối số, công nghệ
TP Hải Phòng cam kết tạo thuận lợi để các tập đoàn lớn ZTE và TCL (Trung Quốc) khảo sát, đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, chiều 6/8, Đoàn công tác của lãnh đạo TP Hải Phòng do ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng làm Trưởng đoàn tới thăm và làm việc với lãnh đạo hai Tập đoàn ZTE và TCL tại TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Hải Phòng có nhiều dư địa phát triển chuyển đổi số
Tập đoàn ZTE được thành lập năm 1985, là nhà cung cấp giải pháp tổng thể viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Tập đoàn cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho các nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tập đoàn hiện có 33.000 nhân viên nghiên cứu phát triển với mức đầu tư hằng năm cho nghiên cứu khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ. Năm 2023, doanh thu bán hàng toàn cầu của tập đoàn đạt 17,8 tỷ USD.
Từ năm 2020, ZTE đã hợp tác với các tập đoàn viễn thông của Việt Nam như: VNPT, Vietel, FPT về công nghệ sống, viễn thông và chuyển đổi số.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tập đoàn ZTE bày tỏ ấn tượng với những thành tựu mà Hải Phòng đạt được trong phát triển kinh tế và cho rằng thành phố Cảng có nhiều dư địa để phát triển chuyển đổi số, tự động hóa sản xuất thông minh. ZTE mong muốn khảo sát đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số cảng biển với Hải Phòng.
Chúc mừng những thành công và sự lớn mạnh của Tập đoàn ZTE sau gần 40 năm xây dựng và phát triển, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh đến những tiềm năng, lợi thế của TP Hải Phòng cùng những chính sách ưu đãi về đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng.
Hải Phòng đang khẩn trương xây dựng một khu kinh tế sinh thái, gắn với kinh tế tuần hoàn phía Nam thành phố trên diện tích 20.000ha, có vị trí thuận lợi về sân bay, cảng biển. TP cũng dự kiến thành lập thêm 20 Khu công nghiệp.
Hải Phòng mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, cảng biển, logistics, điện tử, công nghệ cao... Hợp tác về chuyển đổi số giữa thành phố Hải Phòng và Tập đoàn ZTE là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Hải Phòng thành thành phố thông minh, phát triển bền vững.
Thành phố rất quan tâm đến các vấn đề xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, phát triển mạng lưới viễn thông 5G, xây dựng trung tâm dữ liệu, giám sát thông minh và nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước, dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng - cũng gửi lời mời lãnh đạo Tập đoàn ZTE đến thăm TP Hải Phòng và khảo sát môi trường đầu tư của thành phố.
Cam kết ưu đãi các nhà đầu tư đến từ Tập đoàn TCL
Cũng trong chiều 6/8, Đoàn công tác thăm Tập đoàn TCL, một trong những Tập đoàn công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc và thế giới.
Tập đoàn TCL thành lập năm 1981, qua quá trình phát triển đã trở thành Tập đoàn công nghệ toàn cầu với 46 Trung tâm nghiên cứu và phát triển; 33 nhà máy, hoạt động kinh doanh tại 160 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Sản phẩm nổi bật của Tập đoàn là tivi thông minh có sản lượng đứng thứ 2 thế giới; tấm tinh thể quang điện lớn nhất toàn cầu; tấm Silicon mạch tích hợp đứng đầu Trung Quốc.
Doanh thu năm 2023 của toàn tập đoàn đạt 300 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 41 tỷ USD), trong đó TCL Việt Nam đạt hơn 7,7 tỷ Nhân dân tệ (hơn 1 tỷ USD) tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo Tập đoàn TCL đánh giá cao tiềm năng và dư địa phát triển của Hải Phòng, đồng thời mong muốn lãnh đạo Thành phố quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục hành chính, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cùng cơ chế đối với các doanh nghiệp phụ trợ trong hệ sinh thái của Tập đoàn TCL.
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn TCL, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng sự lớn mạnh của TCL cũng chính là sự bứt phát của thành phố Thâm Quyến trong thời kỳ đổi mới của Trung Quốc.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, là địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút đầu tư. 6 tháng qua, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 1,5 tỷ USD.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 975 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 30,65 tỷ USD. Trong đó có, 405 dự án đầu tư từ nhà đầu tư Trung Quốc bao gồm: Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD.
Hiện trên địa bàn thành phố có Khu công nghiệp Đồ Sơn và Khu công nghiệp An Dương đều do các doanh nghiệp của thành phố Thâm Quyến đầu tư. Hải Phòng đang là điểm đến đầu tư an toàn, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc.
Với phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của thành phố Hải Phòng”, Người đứng đầu Thành ủy Hải Phòng tin tưởng và mong muốn Tập đoàn TCL sẽ sớm xúc tiến đầu tư tại Hải Phòng.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cũng sẽ là cầu nối hợp tác hiệu quả giúp các doanh nghiệp của Thâm Quyến đầu tư tại Hải Phòng. Thành phố cũng đang đề nghị lãnh đạo thành phố Thâm Quyến sớm xúc tiến mở đường bay Hải Phòng - Thâm Quyến để rút ngắn khoảng cách cũng như tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp đầu tư tại thành phố Cảng.
Các ưu đãi đầu tư mà Hải Phòng có thể đáp ứng cho các nhà đầu tư Trung Quốc nói chung và TCL nói riêng đó là: Hỗ trợ các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất; Hỗ trợ chi phí đào tạo lao động; Cung cấp đất miễn phí (ngoài khu công nghiệp) để nhà đầu tư có thể triển khai xây dựng các dự án: Nhà ở công nhân; Trung tâm nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ các thủ tục để được hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ về thuế tối thiểu toàn cầu.
Thành phố Hải Phòng luôn thiện chí chào đón Tập đoàn TCL đến đầu tư tại thành phố, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai thành phố Hải Phòng, Việt Nam và Thâm Quyến, Trung Quốc.