Sau cú mất mát 5.000 tỷ USD, Phố Wall tuần tới tiếp tục rung lắc mạnh

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua 1 tuần hỗn loạn mà nguồn cơn từ cú sốc thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Rung lắc mạnh sẽ xuất hiện trước ngày 9/4

Giới đầu tư lo ngại thị trường tuần tới sẽ tiếp tục đối mặt với hỗn loạn khi mức thuế đối ứng cao hơn (từ 11 - 50%) mà Tổng thống Trump áp lên các đối tác thương mại lớn của Mỹ có hiệu lực vào ngày 9/4.

Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ có thể gần chạm đáy ít nhất là trong ngắn hạn sau kế hoạch thuế quan lịch sử của ông Trump.

Cổ phiếu Phố Wall giảm mạnh ngay đầu phiên giao dịch 3/4, hòa vào sóng bán tháo lan rộng toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng áp dụng cho các đối tác thương mại. Ảnh: AFP

Cổ phiếu Phố Wall giảm mạnh ngay đầu phiên giao dịch 3/4, hòa vào sóng bán tháo lan rộng toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng áp dụng cho các đối tác thương mại. Ảnh: AFP

Chỉ số S&P 500 tuần này hứng chịu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2020, trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng khép lại tuần giao dịch với mức giảm hơn 20% so với kỷ lục thiết lập tháng 12/2024, đồng thời xác nhận chỉ số thiên về công nghệ này đang ở trong thị trường giá xuống.

Tương tự, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones cũng kết thúc tuần giảm hơn 10% so với mức cao kỷ lục của tháng 12, đánh dấu sự điều chỉnh của chỉ số blue chip.

Thị trường chứng khoán Mỹ được dự đoán sẽ tiếp tục rung lắc mạnh trước thời hạn áp thuế đối ứng ngày 9/4.

"Kế hoạch thuế quan rất không rõ ràng đối với mọi người", ông Jeffrey Palma, Giám đốc giải pháp đa tài sản tại Cohen & Steers cho biết. "Có rất nhiều câu hỏi về thuế quan, thuế quan trả đũa, điều này kết thúc ở đâu và diễn biến ra sao", ông Palma nói.

Sau sự sụt giảm mạnh vào cuối tuần, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 17% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại vào ngày 19/2. Trong hai ngày sau công bố thuế đối ứng của Tổng thống Trump vào ngày 2/4, các công ty S&P 500 đã mất khoảng 5.000 tỷ USD vốn hóa thị trường, mức lớn nhất từ trước đến nay trong khoảng thời gian hai ngày, theo dữ liệu của LSEG.

"Các thị trường có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ", ông Matthew Miskin, đồng giám đốc chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management nhận xét, đồng thời cảnh báo: "Loại rút tiền này ... có thể làm lung lay niềm tin và thực sự có thể dẫn đến hoạt động kinh tế yếu hơn".

Kế hoạch thuế đối ứng mà Tổng thống Trump vừa công bố đã thiết lập bức tường rào cản thương mại cao nhất trong hơn một thế kỷ, bao gồm thuế cơ sở 10% đối với tất cả đối tác thương mại và thuế mục tiêu cao hơn (11 - 50%) đối với hàng chục quốc gia.

Cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang vào ngày 4/4 khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế bổ sung 34% đối với hàng hóa của Mỹ.

Các nhà đầu tư đã hạ cấp dự báo kinh tế và lợi nhuận của họ, trong khi JPMorgan nâng rủi ro suy thoái toàn cầu trong năm nay lên 60% từ 40% trước đó.

Một số nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng Tổng thống Trump sẽ đàm phán các thỏa thuận với một số quốc gia trong những ngày tới, theo đó sẽ bãi bỏ một số mức thuế. Trái lại, nhiều ý kiến hoài nghi rằng chính quyền của ông Trump sẽ đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào.

Tâm lý bi quan đang bao trùm

Bất chấp cơ hội xoay trục của Tổng thống Trump, "chúng ta không thể không biết rằng cơ hội đang thu hẹp lại và một số thiệt hại đối với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể đã xảy ra, bất kể thời điểm kết thúc đàm phán nào sẽ diễn ra", chiến lược gia Scott Chronert của Citigroup lưu ý.

Dấu hiệu ảm đạm đã xuất hiện khi chỉ số CBOE trên thị trường Mỹ - thước đo kỳ vọng biến động của nhà đầu tư - tuần này đã ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Còn theo kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Mỹ, tâm lý bi quan đã đạt 61,9%, mức cao nhất kể từ năm 2009 - thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Với việc thuế quan làm lu mờ triển vọng, các nhà đầu tư cảnh giác với các dự báo tài chính ảm đạm khi các công ty Mỹ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 trong tuần tới. Theo LSEG IBES, lợi nhuận của các công ty S&P 500 dự kiến sẽ tăng 7,8% trong quý I, so với cùng kỳ năm ngoái.

"Chúng tôi thấy rất nhiều sự không chắc chắn trong triển vọng lợi nhuận của các công ty tại thời điểm này", các chiến lược gia của RBC Capital Markets nhận định, đồng thời cho biết họ đã cắt giảm dự báo lợi nhuận năm 2025 đối với các công ty S&P 500.

Sự bán tháo của thị trường và sự bi quan ngày càng tăng đang bao trùm thị trường. Cho nên, "nếu bạn có bất cứ điều gì dù chỉ là tích cực từ xa ngay bây giờ, nó có thể giống một tia lửa ngắn hạn vì mọi người đang chuẩn bị cho kết quả tiêu cực", ông Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist Advisory Services nhận xét.

Cũng trong tuần tới, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng mà Mỹ dự kiến công bố vào ngày 10/4, được dự đoán sẽ làm tăng thêm áp lực về giá.

Sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng, các nhà đầu tư đã tính đến nhiều đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm nay. Trong đó, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai quỹ Fed đang kỳ vọng về mức giảm lãi suất 100 điểm cơ bản trong năm nay, theo dữ liệu của LSEG.

Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 4/4 cảnh báo rằng thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là "lớn hơn dự kiến", nên hậu quả kinh tế của nó, bao gồm lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm hơn, có thể cũng vậy.

Điều quan trọng là thị trường phải thể hiện sự ổn định trong những ngày tới, theo ông Jeffrey Palma, giám đốc giải pháp đa tài sản tại Cohen & Steers.

"Chúng ta đã có hai ngày thị trường biến động thực sự lớn", ông Palma cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Thứ mà chúng ta thực sự không muốn thấy là điều đó bắt đầu tạo ra một vòng luẩn quẩn tự nó làm mất ổn định hệ thống tài chính".

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sau-cu-mat-mat-5000-ty-usd-pho-wall-tuan-toi-tiep-tuc-rung-lac-manh-d263159.html