Sau cú sốc thuế quan Mỹ, doanh nghiệp nên làm gì?

Cú sốc thuế quan Mỹ đã đặt các doanh nghiệp vào tình huống phải chủ động ứng phó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, gia tăng nội địa hóa

Đây là ý kiến của TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, chia sẻ tại Chương trình Cà phê doanh nhân HUBA chủ đề "Kinh tế thế giới và Việt Nam 2025 - 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ: Tác động và giải pháp đối với doanh nghiệp Việt", do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA), tổ chức ngày 10-5.

Một tháng kể từ khi Mỹ ngưng áp dụng các mức thuế đối ứng (với Việt Nam là 46%), cộng đồng DN vẫn đang tìm phương án ứng phó.

TS Cấn Văn Lực phân tích sau giai đoạn "thức tỉnh" do cú sốc thuế quan 46%, kinh tế Việt Nam sẽ có cả cơ hội và thách thức. Trong đó, DN có thể mở rộng xuất khẩu sang Mỹ hay các nền kinh tế khác khi họ tìm nguồn thay thế. Việt Nam có thể tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư, đặc biệt là khi các quốc gia khác tìm cách giảm phụ thuộc vào những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Các DN phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; gia tăng nội lực, nội địa hóa hoạt động sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Điều này sẽ giúp tăng cường tính tự chủ, khả năng chống chịu trong quá trình hội nhập.

TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Chương trình Cà phê doanh nhân HUBA

TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Chương trình Cà phê doanh nhân HUBA

Ở chiều ngược lại, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Một trong những vấn đề lớn nhất là xuất khẩu có thể giảm do nhu cầu của các thị trường tiêu thụ chính giảm, đặc biệt là khi nền kinh tế lớn như Mỹ gặp khó khăn.

Vốn FDI, bao gồm cả nguồn vốn từ Mỹ, có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại của nhà đầu tư, rủi ro chính sách toàn cầu và các chính sách khuyến khích sản xuất tại chính Mỹ. Xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng, với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, điều tra về gian lận thuế, nguồn gốc xuất xứ… có thể khiến Việt Nam gặp rủi ro bị áp thuế đối ứng, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.

Ngoài ra, các DN sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là khi nguồn cung dư thừa từ Trung Quốc.

TS Cấn Văn Lực và các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã xây dựng 3 kịch bản về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, dưới tác động của chính sách thuế quan Mỹ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA (thứ 2 từ trái sang), chính sách thuế quan không quá mới nhưng vẫn luôn là nỗi lo, đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.DN

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA (thứ 2 từ trái sang), chính sách thuế quan không quá mới nhưng vẫn luôn là nỗi lo, đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.DN

Trong kịch bản cơ sở (có xác suất xảy ra 60%) nếu Mỹ áp dụng thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 20% - 25%), giá trị thuế bổ sung có thể lên đến 50 tỉ USD/năm. Trường hợp Việt Nam giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ (xuống 0%), thiệt hại về thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỉ USD. Những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ở kịch bản này, GDP dự kiến tăng trưởng trong khoảng 6,5% - 7%, lạm phát được kiểm soát ở mức 4% - 4,5%. Kịch bản này giả định rằng các chính sách ứng phó của Chính phủ phát huy hiệu quả, DN kịp thời điều chỉnh chiến lược và căng thẳng thương mại không leo thang.

Rất đông DN tham gia chương trình với mong muốn lắng nghe chia sẻ về các giải pháp ứng phó chính sách thuế quan trong bối cảnh mới, để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh

Rất đông DN tham gia chương trình với mong muốn lắng nghe chia sẻ về các giải pháp ứng phó chính sách thuế quan trong bối cảnh mới, để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh

Về giải pháp cho DN ứng phó với chính sách thuế quan, TS Cấn Văn Lực cho rằng DN cần tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, phí và lãi suất; chuyển đổi số và xanh hóa; đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, mở rộng sang các thị trường mới như ASEAN, Ấn Độ hoặc châu Phi, nơi có nhu cầu cao đối với sản phẩm Việt Nam...

"Cần nắm sát tình hình, đánh giá tác động đối với ngành hàng và DN của mình; chủ động ứng phó; lên phương án chia sẻ chi phí thuế quan cùng đối tác. Đặc biệt, kịp thời góp ý chính sách, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong các khâu kết nối, trao đổi với đối tác liên quan" – TS Cấn Văn Lực nói.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sau-cu-soc-thue-quan-my-doanh-nghiep-nen-lam-gi-196250510151929723.htm