Sau 'đại hồng thủy', giờ mới kể...
'Lúc đó nước đã ngập tới cổ rồi, ngoài đường thì phải tầm 2 mét, không ai dám ra cả. Tôi còn một đứa con đỏ hỏn mới 4 tháng tuổi, nếu các anh không đến…', anh Đào Văn Tùng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) run run nhớ lại.
Các anh đã cứu cả trăm mạng người vào đêm mưa ngập lịch sử giữa tháng 10 vừa qua. Bất chấp dòng nước dâng cao, bất chấp mọi hiểm nguy có thể ập đến giữa đêm đen. Họ là những “vị cứu tinh” ở Tiểu đoàn đặc công 409 (Bộ Tham mưu quân khu V).
“Có chết cũng cứu con chị ra!”
Con đường Phạm Thị Lam Anh dẫn vào nhà anh Tùng xác xơ, cây cối bị nước quật ngã tan tành. Những ngôi nhà cấp 4 còn hằn dấu bùn non trên tường. Nhắc lại trận “đại hồng thủy” đêm 14/10, ánh mắt của bà con vẫn chưa thôi ám ảnh. Cuối chiều hôm đó, nước còn “đỏng đảnh” ở ngoài đường, chẳng ai nghĩ nơi này sẽ bị ngập.
Đến tối, nước bò vào nhà, cả xóm hối hả kê dọn đồ đạc lên cao. Nhưng chỉ trong mấy chục phút, nước dâng đến chóng mặt, nhiều ngôi nhà ngập hơn cả mét, đồ đạc nổi lềnh bềnh. Anh Tùng nhớ như in, hai vợ chồng anh điện thoại cầu cứu nhiều nơi, nhưng đêm tối, chỗ nào cũng ngập nên các lực lượng không tới kịp. Khi nước dâng tới cổ, hai vợ chồng anh bắt đầu tuyệt vọng, cả nhà nương nhau leo lên tủ bàn đứng, riêng cháu nhỏ mới 4 tháng tuổi phải đội lên đầu.
Trong lúc bế tắc, anh Tùng nghe tiếng gọi dội vang trong đêm, anh hô lên nhờ cứu giúp. Một nhóm bộ đội lội vào nhà, đưa vợ con anh ra trước. Riêng cháu nhỏ phải bỏ vào thau, chồng lên phao để bé khỏi ướt lạnh. “Tôi chưa bao giờ nghĩ tới cảnh cả nhà mình nước gần lút đầu, vợ con phải vẫy vùng như thế. May mà có các anh đến giải cứu cả gia đình. Trong tình thế đó thật sự chỉ chờ cứu chứ không thể nào bơi trong đêm, vì còn các cháu nhỏ nữa”, anh cảm kích.
Sau lũ, Tiểu đoàn 409 còn tham gia tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân sửa chữa cửa nhà, nẹo vét bùn non, khai thông cống rãnh… Đơn vị cũng hỗ trợ gần 200 khối nước sạch, 60 khối bột đá sửa đường cho bà con vùng lũ.
Đưa tôi xem những hình ảnh bộ đội ngâm nước bùn đỏ quạch, tay dìu đỡ bà con dò dẫm đi ra khỏi nhà bằng ánh đèn pin trong đêm tối, Đại úy Trần Thế Dũng không đếm nổi đêm ấy anh và các chiến sĩ đã đến với bao nhiêu gia đình. Duy chỉ có một ngôi nhà ở kiệt 342 đường Hoàng Văn Thái anh không thể quên. Đó là một trong số ngôi nhà mà khi đang cật lực cứu nạn bên ngoài, bà con hô lên “chú bộ đội ơi, trong kia còn nhiều người mắc kẹt lắm, cứu người ta với!”. Khi vào tới nơi, bốn người trong nhà đã tuyệt vọng. Người mẹ bị bệnh tim, hoảng loạn tột cùng.
Đại úy Dũng kể, thuyết phục mãi người mẹ vẫn không chịu tách đứa con gần 2 tuổi, nhất quyết không ra ngoài vì nghĩ chắc chắn đương đầu với dòng nước dữ chỉ có chết. “Tôi phải ré lên: Có chết bộ đội chết trước, có chết cũng cứu con chị ra ngoài! Lúc đó chị ấy mới bình tĩnh lại, chịu mang áo phao, tin tưởng đưa con cho bộ đội để thoát khỏi nhà”, anh nhớ lại. Ở con hẻm ấy, anh và đồng đội cứu được 10 người dân.
Khổ luyện, sẵn sàng ứng cứu giữa thiên tai
Tiểu đoàn 409 đóng quân tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), ngoài nhiệm vụ chính trị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tiểu đoàn còn đảm trách việc phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… Các chiến sĩ đặc công nước của tiểu đoàn huấn luyện trên sông, trên biển, con nước nào cũng kinh qua. Nhưng có lẽ chưa ai nghĩ tới có ngày lại cứu ngập nặng nề ngay trong đô thị. Thiếu tá Lê Quang Hiệp, Tiểu đoàn trưởng trầm ngâm, đêm hôm đó đã tung 80 chiến sĩ cùng nhiều phương tiện xe, thuyền ra giúp dân. “Thật tình nhìn con nước, mình vừa lo cho dân, vừa lo cho các anh em trong đơn vị. Đương đầu với thiên tai giữa đêm mù mịt không ai nói trước được gì…”, anh trải lòng.
Vùng trũng thấp, các chiến sĩ đi vào bằng xuồng cao su, nhưng có nơi chỉ đi được một đoạn phải vác xuồng vì chật chội, vướng cây cối. Hầu hết các chiến sĩ phải buộc dây, đi theo đội hình, bơi giữa dòng nước dữ để tiếp cận người dân. Đoạn nước xiết, hẻm hóc ngoằn ngoèo, các anh bơi cả nửa tiếng đồng hồ mới tới được. Nhìn cảnh những người dân co ro trên gác lửng, bu bám vào tấm đan, hay phá mái tôn chui đầu kêu cứu…chẳng ai quản mệt nhọc nguy nan. Chị Trần Thị Kim Trang (tổ 45, phường Hòa Khánh Nam) cùng con bị dòng lũ cuốn đi, bám được vào hàng rào dây thép gai rồi chịu cứng ở đó. May thay, các chiến sĩ phát hiện đã bơi tới đưa hai mẹ con chị đến nơi an toàn. Suốt đêm đầm mình trong nước, đi tới đâu các chiến sĩ khua đèn pin, hô lớn tới đó để người dân biết có người tới giúp.
Trong đêm ấy, Tiểu đoàn đã cứu gần 100 hộ với hàng trăm người dân thoát khỏi dòng lũ dữ. Những người không có nơi trú ngụ được đưa về đơn vị, các chiến sĩ nhường thức ăn, nhường áo quần, nhường phòng ngủ để họ ấm áp, bình tâm sau cơn bĩ cực. Thiếu tá Hiệp đếm từng chiến sĩ trở về, không nói ra nhưng lòng như lửa đốt khi chưa thấy đủ. Mãi đến gần 3 giờ sáng, quân số bảo toàn, anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Hôm tôi tới đơn vị gặp các chiến sĩ, có những khuôn mặt đôi mươi trẻ măng, dáng nhỏ nhỏ, gầy gầy. Hình dung các anh đã lao vào đêm, lao vào dòng nước lũ dìu, cõng, bế… người dân thoát khỏi miệng tử thần, thầm nghĩ từ biết ơn chẳng thể nào đủ. Như lời bà Võ Thị Hà (tổ 59, phường Hòa Khánh Nam), “không có bộ đội, nhà tui 100% là chết”. Bởi lũ đã dồn vào thế đường cùng, cả nhà tuyệt vọng trong căn nhà nước gần tới mái. Với bà, các anh đúng là “bộ đội của dân”, là những vị cứu tinh trong đêm “đại hồng thủy”.
Hỏi các anh ngày thường bơi được bao xa, ai cũng cười hiền, bảo chỉ tính bằng…buổi. Rồi tếu táo “sáng nhảy cái tủm xuống nước, trưa lên, trưa nhảy tủm xuống nước, chiều lên”. Mọi người kinh nghiệm rằng, bơi trong lũ phải biết tính toán, có kỹ thuật, phải biết xuất phát từ đâu mới nương theo con nước tiếp cận được người gặp nạn. Rồi những kỹ năng khi tiếp xúc với người đuối nước, trấn an, đưa họ tới nơi an toàn... Tất cả đều phải học, rèn qua các lớp huấn luyện, diễn tập. Thiếu tá Hiệp khích lệ các chiến sĩ có gian khổ, cũng phải tăng cường huấn luyện, rèn luyện để giúp dân nhiều hơn nữa, nhất là trong thiên tai.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-dai-hong-thuy-gio-moi-ke-post1483605.tpo