Sau Di sản quốc gia, áo dài Huế hướng đến Di sản nhân loại

'Tri thức may, mặc áo dài Huế' vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là vinh dự, tự hào mà còn khẳng định áo dài Huế luôn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, có sức sống mãnh liệt trong suốt chiều dài lịch sử - ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã nhấn mạnh như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi chia sẻ về câu chuyện áo dài vừa được ghi danh.

 Ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

Ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

Ông Hải cho biết: Gần 5 năm qua, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Huế không chỉ được kiên trì thực hiện thông qua nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa của ngành văn hóa, nghệ nhân, nhà thiết kế và cộng đồng yêu áo dài tại Huế, mà còn lan tỏa trong phạm vi cả nước. Và rồi di sản này đã được Nhà nước ghi nhận và vinh danh”.

Được biết, trước đó tên gọi được trình lên là “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế”. Thế nhưng khi được công nhận lại là gọi “Tri thức may, mặc áo dài Huế”. Khái niệm này khiến nhiều người băn khoăn, vậy ông có thể giải thích rõ hơn?

Đúng là giữa tên gọi trong hồ sơ trình của tỉnh và Quyết định công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự khác nhau. Tuy nhiên, về mặt ngữ nghĩa, tên gọi “Tri thức may, mặc áo dài Huế” hay “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đều có ý nghĩa giống nhau, đều phản ánh những thuộc tính của áo dài Huế, là “tri thức may, đo” và “tập quán mặc áo dài của người Huế”. Đó còn là những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ, thực hành, trao truyền những tri thức may, mặc áo dài Huế trong cộng đồng trong suốt thời gian qua trên vùng đất Huế.

 Nữ sinh Huế trong tà áo dài trắng. Ảnh: Minh Thư

Nữ sinh Huế trong tà áo dài trắng. Ảnh: Minh Thư

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đã mở ra cho Huế nhiều cơ hội trong việc bảo tồn và phát huy áo dài Huế trong đời sống đương đại, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế thông qua hình ảnh áo dài Huế.

Quá trình tiến hành thực hiện hồ sơ này diễn ra như thế nào, thưa ông?

Việc xây dựng hồ sơ di sản áo dài cũng như các di sản vật thể và phi vật thể khác thời gian qua được tiến hành nghiêm túc, khoa học, đảm bảo các bước theo quy định. Quá trình xây dựng hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao luôn nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các nhà thiết kế, nghệ nhân, các cơ sở may đo áo dài trên địa bàn tỉnh.

Những giá trị văn hóa, lịch sử của áo dài từng gắn với vùng đất Cố đô Huế; hình ảnh áo dài và những ảnh hưởng mang dấu ấn sâu đậm trong đời sống của người dân xứ Huế... là những thuận lợi cơ bản khi xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về áo dài Huế. Cùng với đó là sự nỗ lực của ngành văn hóa và thể thao, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, những con người yêu quý di sản văn hóa, yêu quý áo dài; đặc biệt sau khi Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” được UBND tỉnh phê duyệt, đã tạo động lực để chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Chúng tôi đã rất nỗ lực để làm tốt công tác truyền thông, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến áo dài, nhằm lan tỏa nét đẹp và giá trị văn hóa, lịch sử của áo dài Huế, để cộng đồng thấy được lợi ích của việc khôi phục hình ảnh áo dài trong cuộc sống đương đại, thúc đẩy văn hóa, du lịch phát triển.

Sau khi được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chiến lược quảng bá và phát huy giá trị loại hình di sản này sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?

Những năm qua, hoạt động tuyên truyền, quảng bá áo dài được chúng tôi khởi xướng đã có ý nghĩa lớn trong việc định hình, nhận thức đúng đắn về quốc phục Việt Nam đối với người dân.

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng chứng tỏ rằng việc quảng bá áo dài của ngành văn hóa đã đi đúng hướng và đạt được kết quả nhất định. Chúng tôi luôn xác định nhất quán việc quảng bá áo dài là một hạng mục rất quan trọng luôn được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án “Huế - Kinh đô áo dài”.

 Trình diễn áo dài trong dịp Lễ hội Áo dài cộng đồng 2024

Trình diễn áo dài trong dịp Lễ hội Áo dài cộng đồng 2024

Đặc biệt, sau khi Di sản văn hóa phi vật thể này được ghi danh, ngành càng quyết tâm và đẩy mạnh hơn nữa, nỗ lực cùng các ngành, địa phương tích cực phối hợp xây dựng hình ảnh, tăng cường truyền thông, quảng bá áo dài thông qua việc triển khai các nội dung, hạng mục rất phong phú và đa dạng trong Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt; khẳng định Huế là cái nôi sinh ra, nuôi dưỡng và phát triển của áo dài truyền thống Việt Nam.

Còn với những nghệ nhân, doanh nghiệp liên quan đến may mặc ở Huế, tin vui này có ý nghĩa như thế nào?

Thừa Thiên Huế có hàng chục làng nghề truyền thống và nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng đến nay, mới chỉ có dệt zèng và “Tri thức may, mặc áo dài Huế” được vinh danh là Di sản văn hóa quốc gia. Đây chính là minh chứng cho nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế đã được khẳng định giá trị trên bình diện quốc gia. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, là niềm tự hào nghề nghiệp đối với cộng đồng may mặc không chỉ ở Huế mà còn trên phạm vi cả nước.

Sự kiện có ý nghĩa này sẽ tạo một làn gió mới, là động lực thúc đẩy các nghệ nhân, nhà thiết kế, các doanh nghiệp liên quan đến may mặc tâm huyết, nỗ lực phấn cống hiến, để tiếp tục khẳng định giá trị độc đáo, riêng có, không ngừng nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của áo dài Huế không chỉ trong nước mà mở rộng phạm vi ra quốc tế. Đây còn là cơ hội tốt để họ phát triển nghề, xây dựng và nâng cao thương hiệu của cá nhân, doanh nghiệp mình. Địa phương cũng có cơ hội để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa mà áo dài sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực...

Nhân dịp này, chúng tôi trân trọng cảm ơn những đóng góp tích cực của các nghệ nhân, nhà thiết kế, doanh nghiệp - những người nắm giữ các tri thức về may áo dài Huế, đã tâm huyết gìn giữ, chia sẻ nghề may áo dài với những tri thức vô cùng đặc biệt để Huế có được di sản quý báu của ngày hôm nay.

Như ông từng chia sẻ, sau khi được đưa vào danh mục Di sản uốc gia, sở sẽ tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét, tiến hành các thủ tục, hồ sơ, đăng ký, đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy ông có thể chia sẻ đôi điều về hành trình này?

Việc xây dựng hồ sơ đăng ký, đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần có lộ trình cụ thể và phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, đồng thời có sự nỗ lực của các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn danh mục các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thừa Thiên Huế để đưa vào kế hoạch xây dựng hồ sơ, do đó cũng cần cân nhắc về nguồn lực và lộ trình triển khai cụ thể.

Tôi vẫn luôn tin rằng, với sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, áo dài Huế sẽ sớm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian sớm nhất.

Cuối cùng, để áo dài lan tỏa trong đời sống đúng nghĩa, ngoài danh phận và những danh hiệu được công nhận, ở góc nhìn của ông, điều gì quan trọng nhất?

Di sản văn hóa phi vật thể do cộng đồng nắm giữ thì cộng đồng phải tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn, phát huy, phát triển với tư cách là chủ thể. Do vậy, cộng đồng nắm giữ di sản cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nhanh chóng tiếp cận và chủ động tham gia vào hành trình bảo tồn và phát huy giá trị tri thức dân gian đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc bảo tồn, phát huy giá trị cần xuất phát từ hai giá trị tri thức dân gian, đó là “may mặc” và “tập quán sử dụng”, hai giá trị này cần được thực hiện song song.

Di sản văn hóa phi vật thể về áo dài Huế được vinh danh là cơ sở cực kỳ quan trọng, đem lại cơ hội cho nghề may đo và tập quán mặc áo dài Huế phát triển. Cùng với đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đang được ngành văn hóa và các cấp, các ngành tích cực triển khai, chúng tôi hy vọng áo dài Huế sẽ có “đất” để phát triển và tiếp tục khẳng định được thương hiệu, vị thế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nhật Minh (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/sau-di-san-quoc-gia-ao-dai-hue-huong-den-di-san-nhan-loai-145213.html