Sau hàng chục năm, loài động vật quý hiếm xuất hiện ở núi Lèn Chồng
Sau hàng chục năm, loài voọc quý hiếm mới tìm về 'mái nhà xưa' trên núi Lèn Chồng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hành trình bảo vệ loại động vật này tại địa phương.
Bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, hiện có 106 hộ với 436 nhân khẩu, đều là người Bru-Vân Kiều sống quần cư giữa 2 ngọn núi đá vôi cao sừng sững của dãy Trường Sơn.
Người dân địa phương gọi ngọn núi bên trái là Lèn Chồng, ngọn núi bên phải là Lèn Vợ. Từ xa xưa, đã có nhiều giai thoại về sự thủy chung của 2 ngọn núi này. Điều đặc biệt, vào những năm thập niên 1980, núi Lèn Chồng, Lèn Vợ từng là nơi trú ngụ của đàn voọc gáy trắng quý hiếm.
Theo những cao niên trong bản Khe Cát, trong nhiều lần đi rừng, họ đã được tận mắt chứng kiến từng đàn voọc xuất hiện xung quanh 2 ngọn núi trên. Chúng chia làm từng đàn, mỗi đàn 12 - 20 con di chuyển hết quả đồi này đến quả đồi khác để kiếm thức ăn rồi đu nhảy, nô đùa.
Theo già làng Hồ Ai, ở bản Khe Cát, loài voọc có đặc tính sống trên các ngọn núi cao, thường xuất hiện vào buổi sáng sớm hoặc lúc chiều tà. Chúng sà xuống chỗ núi thấp để kiếm thức ăn, nước uống. Vì quá quen thuộc với sự xuất hiện của đàn voọc nên người dân cũng không nghĩ đó là loại động vật quý hiếm.
Một thời gian sau đó, nạn chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép diễn ra tương đối nhiều ở địa bàn xã Trường Sơn, dẫn đến các đàn voọc và một số động vật hoang dã khác xuất hiện với mật độ thưa dần đi. Người dân Khe Cát vì thế cứ lầm tưởng voọc nơi đây đã bỏ đi trú ngụ nơi khác hoặc bị rơi vào bẫy “lâm tặc”.
Ông Hồ Ai cho biết: "Khi dân bản biết đây là loài thú quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, đang ở mức nguy cấp, ai cũng cảm thấy buồn bã, tiếc nuối".
Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mới đây, ông Nguyễn Văn Tráng, ở xã Trường Sơn đã bất ngờ chứng kiến một đàn voọc gáy trắng đu nhảy trên ngọn núi Lèn Chồng. Mặc dù mọi người nói chuyện ồn ào nhưng những con voọc ở trên vách núi vẫn không tỏ ra sợ hãi.
Ông Tráng đã lấy điện thoại ghi lại hình ảnh, báo cho cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.
"Tôi rất vui mừng khi thấy đàn voọc quý quay trở lại núi Lèn Chồng, Lèn Vợ. Hơn 40 năm rồi loài thú quý này mới tìm về "mái nhà xưa". Đó thật sự là điều kỳ diệu và là niềm vui lớn của người dân địa phương", ông Tráng hồ hởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tào, Phó trưởng bản Khe Cát, cũng chứng kiến đàn voọc khoảng 12 - 20 con thường đến đây trú ngụ với tần suất dày đặc, chúng uống nước, nô đùa cùng nhau một cách thoải mái mà không hề sợ sệt.
"Do đàn voọc có tập tính thường kiếm ăn từ các loại lá cây rừng ở trên cao, không phá hoại cây màu của bà con gieo trồng như khỉ, lợn rừng…, nên chúng không hề bị người dân xua đuổi, đánh bẫy hay lo ngại mà bỏ đi.
Hơn nữa, người dân quanh đây rất yêu mến động vật hoang dã, xem sự xuất hiện của đàn voọc quanh khu vực này như những vật nuôi thân thiện trong gia đình. Vì thế, đàn voọc thường về đây kiếm ăn, nô đùa, rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Khi số lượng ở mỗi đàn voọc tăng cao, chúng sẽ tự tách đàn tìm lãnh địa mới nhằm giảm sự cạnh tranh về nguồn thức ăn, môi trường sống...” ông Tào cho hay.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết sau khi nắm được thông tin có đàn voọc xuất hiện tại ngọn núi Lèn Chồng, địa phương xác định đây là đàn voọc gáy trắng. Tuy nhiên, không thể xác định quanh khu vực này có tổng số bao nhiêu đàn voọc tồn tại, cư trú. Người dân ước tính tại thời điểm này, cả khu vực Khe Cát có ít nhất từ 2 đàn voọc với khoảng 30 con trở lên đang cư trú.
Do nhận thấy đây là động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ, cấm săn bắt, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, UBND xã Trường Sơn đã khẩn trương báo cáo với các cơ quan chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Làng Mô, các chủ rừng… để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ đàn voọc hiệu quả.
Cùng với đó, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, phát triển rừng, nghiêm cấm các hành vi săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thịt thú rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại rừng và các loài động vật hoang dã trái phép, trong đó đặc biệt quan tâm đến các loài thú quý hiếm và đàn voọc ở địa phương…
"Sự trở lại của đàn voọc sau hơn 40 năm vắng bóng là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học của khu vực núi Lèn Chồng. Đây như là một hành trình đầy thách thức trong việc hồi sinh chúng ở những cánh rừng thuộc dãy Trường Sơn", ông Đức nhấn mạnh thêm.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, từ khi phát hiện có sự xuất hiện trở lại của đàn voọc gáy trắng ở núi Lèn Chồng, khu vực này được canh giữ nghiêm ngặt, luôn bố trí kiểm lâm địa bàn túc trực ngày đêm để phối hợp với các lực lượng chức năng bảo vệ một cách hiệu quả, tạo môi trường sống trong lành, an toàn cho đàn voọc sinh sôi...