Sau khi giết em ruột và 10 cháu trai vì ngôi Hoàng đế, Lý Thế Dân vẫn thu nạp em dâu làm phi tần, lẽ nào không sợ bị trả thù?
Giữa Dương thị và Đường Thái Tông là mối thù giết chồng, giết con. Lẽ nào Hoàng đế không sợ bị trả thù.
Theo ghi chép lịch sử, đầu triều nhà Đường đã xảy ra một cuộc tranh chấp quyền lực giữa Thái tử Lý Kiến Thành và Tần vương Lý Thế Dân, Tề vương Lý Nguyên Cát theo phe của Thái tử Lý Kiến Thành. Cả 3 vị đều là con ruột của Đường Cao Tổ Lý Uyên và Thái Mục Hoàng hậu.
Năm 626, Tần vương Lý Thế Dân đã phát động sự biến Huyền Vũ môn nổi tiếng thời kỳ nhà Đường, giết chết Thái tử Lý Kiến Thành và Tề vương Lý Nguyên Cát.
Vào thời phong kiến, việc "nhổ cỏ tận gốc" là vấn đề rất đỗi bình thường. Sau khi tiến vào Đông cung (nơi ở của Thái tử) và Tề vương phủ, Tần vương Lý Thế Dân đã giết 5 con trai của Thái tử Lý Kiến Thành và 5 con trai của Tề vương Lý Nguyên Cát. Tổng cộng ông đã sát hại 10 cháu trai ruột của mình.
Tuy nhiên, với vợ và con gái của họ, Tần vương Lý Thế Dân đã để lại một con đường sống. Ông giam toàn bộ thành viên trong gia đình anh trai và em trai trong ngục tối, nhưng vẫn có một nữ nhân "may mắn" hơn, đó là Vương phi Dương thị của Tề vương Lý Nguyên Cát.
Nữ nhân này không rõ tên thật, chỉ biết xuất thân từ dòng họ Dương thị ở Hoằng Nông, tông thất nhà Tùy. Sử sách ghi chép, Dương thị có dung mạo mỹ miều, làn da trắng như tuyết.
Mặc dù nhà Đường đã thay thế nhà Tùy làm chủ thiên hạ nhưng suy cho cùng, họ Lý và họ Dương đều là dòng dõi quý tộc. Chính vì vậy, Tề vương Lý Nguyên Cát thành thân với Dương thị là một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, cũng là một quyết định chính trị đúng đắn. Hơn nữa, trong hậu cung của Lý Thế Dân sau này cũng có 2 phi tần đến từ dòng họ Dương.
Trước khi chính biến nổ ra, Dương thị thường xuyên lui đến trò chuyện thân thiết với Trưởng Tôn thị, chính thê của Lý Thế Dân, sau trở thànhTrưởng Tôn Hoàng hậu. Điều này đã khiến Lý Thế Dân để ý đến người em dâu này.
Về sau, sau khi xử lý gia đình của Lý Nguyên Cát, Lý Thế Dân đăng cơ Hoàng đế, tức Đường Thái Tông và "giải thoát" Dương thị khỏi cảnh khổ cực, đưa bà vào hậu cung của mình. Trong số các hậu phi của Đường Thái Tông, Dương thị dù không có địa vị nhưng về mức độ sủng ái thì chỉ đứng sau Trưởng Tôn Hoàng hậu. Bà đã hạ sinh cho Đường Thái Tông một người con trai, Sào vương Lý Minh.
Không chỉ như thế, sau khi Trưởng Tôn Hoàng hậu qua đời, Đường Thái Tông từng có ý muốn lập Dương thị làm Hoàng hậu. Nhưng nghe can gián của Gián Nghị đại phu Ngụy Trưng, ông đã từ bỏ suy nghĩ này. Do đó, đến khi Đường Thái Tông băng hà, Dương thị không hề có thân phận nào.
Mặc dù Dương thị có được sủng ái vô hạn từ Đường Thái Tông, lại còn hạ sinh một Hoàng tử nhưng xét về thân phận, bà vẫn là thê tử của Lý Nguyên Cát, mối quan hệ của bà và Đường Thái Tông vẫn chỉ là thông dâm.
Sau khi Lý Nguyên Cát chết, Dương thị bị phế thành dân thường. Đến khi Lý Nguyên Cát được truy phong thành Hải Lăng Lạt quận vương, Dương thị trở thành Hải Lăng Lạt quận vương phi. Sau đó Lý Nguyên Cát được truy phong thành Sào Lạt vương, Dương thị trở thành Sào Lạt vương phi.
Trong mắt hậu nhân, việc Lý Thế Dân cưỡng hôn Dương thị là hành động vô cùng nguy hiểm. Bởi sau Sự biến Huyền Vũ môn, 5 con trai của Lý Nguyên Cát đã bị Lý Thế Dân giết chết trước mặt Dương thị, trong số đó, người con trai út chính là con ruột của bà. Có thể nói, giữa Dương thị và Lý Thế Dân là mối thù giết chồng, giết con.
Lẽ nào ông không sợ bị trả thù?
Theo ý kiến của một số nhà sử học, nguyên nhân Lý Thế Dân cưỡng hôn Dương thị, ngoài thèm thuồng nhan sắc của nữ nhân này, còn là vì muốn làm nhục và trả thù Lý Nguyên Cát.
Trong quyển Tư Trị Thông Giám có ghi chép, mặc dù Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đều là kẻ thù chính trị của Lý Thế Dân nhưng dường như Lý Thế Dân hận Lý Nguyên Cát hơn. Bởi Lý Kiến Thành có tính cách khá độ lượng trong khi Lý Nguyên Cát nham hiểm và thâm độc hơn.
Trước Sự biến Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân nhiều lần đối mặt với nguy hiểm chết người do Lý Nguyên Cát gây ra. Chẳng hạn, trong một buổi gia yến, Lý Nguyên Cát đã hạ độc khiến Lý Thế Dân suýt chết.
Hay như ở Vũ Huyền môn, Lý Thế Dân suýt bị Lý Nguyên Cát giết chết. Theo ghi chép lịch sử, Lý Thế Dân bị ngã ngựa khi truy đuổi Lý Nguyên Cát. Nhân cơ hội đó, Lý Nguyên Cát đã siết cổ Lý Thế Dân. Nếu không có Uất Trì Kính Đức cứu giúp, Lý Thế Dân đã bỏ mạng tại đây.
Sau khi kế vị, Lý Thế Dân đã từng tổ chức tang lễ cho anh trai Lý Kiến Thành và em trai Lý Nguyên Cát. Tại tang lễ của Lý Kiến Thành, Lý Thế Dân đã hạ chiếu chỉ, cho phép các thành viên cũ của Đông cung được tham gia. Đồng thời Hoàng đế cũng bật khóc thương tiếc cho anh trai.
Ngoài ra, Lý Thế Dân còn truy phong Lý Kiến Thành làm Ẩn thái tử, thụy hiệu "Ẩn" có nghĩa là thương tiếc. Rõ ràng, dù Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành là kẻ thù chính trị nhưng giữa 2 người vẫn tồn tại một thứ tình cảm gia đình.
Nhưng đối với Lý Nguyên Cát thì khác, Lý Thế Dân không hề khách khí như thế. Đầu tiên, trong thụy hiệu của Lý Nguyên Cát có một chữ "Lạt". Chứng tỏ trong suy nghĩ của Lý Thế Dân, cái chết của Lý Nguyên Cát là xứng đáng. Trong tang lễ của em trai, Lý Thế Dân cũng không có bất kỳ động thái nào.
Do đó, có thể thấy Lý Thế Dân đặc biệt sủng hạnh Dương thị là vì muốn vũ nhục Lý Nguyên Cát, không cho phép em trai ở dưới Cửu tuyền có thể nhắm mắt.
Nếu nói về nguy cơ bị trả thù, Lý Thế Dân cũng không mảy may sợ hãi. Bởi ông là kẻ thích mạo hiểm cả đời, làm sao có thể sợ một người phụ nữ chân yếu tay mềm.
Còn Dương thị? Có thể bảo toàn mạng sống đã là một điều vô cùng may mắn với bà. Thêm vào đó, một nữ nhân yếu đuối làm sao có cơ hội chiến thắng một chiến binh đã trải qua hàng trăm trận chiến như Lý Thế Dân.