Sau khi tiêm vaccine COVID-19 bị tiểu đường, người yếu hơn?

Nhiều người nói tiêm vaccine xong bị tiểu đường (đái tháo đường), đau đầu, sốt, người yếu hơn...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca COVID-19 trên toàn cầu tăng 30% trong 2 tuần trở lại đây. Nguyên nhân là do 2 dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 gây ra làn sóng bùng phát mới.

Tại Việt Nam, ca COVID-19 mới, F0 phải thở oxy đều tăng nhẹ.

Nhiều người dân sau khi tiêm vaccine mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại) là để duy trì bền vững hiệu quả phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế người dân chưa hiểu biết đầy đủ, chưa hình dung được miễn dịch với mắc COVID-19 không bền vững. Nhiều người nghe thông tin không đúng về phản ứng sau tiêm, nghĩ ảnh hưởng đến sức khỏe nên không tiêm nhắc lại. Trong khi đó, việc tiêm nhắc lại mũi vaccine là vô cùng quan trọng.

Nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng COVID-19, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) thông tin, hiện nay tất cả các ca bệnh đã tiêm vaccine đầy đủ thì rất hiếm ca bị tăng nặng khi mắc COVID-19.

“Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 ở Hoàng Mai, Hà Nội chúng tôi vẫn có khoảng 20 bệnh nhân phải thở oxy, cũng có bệnh nhân phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), tuy nhiên đây phần lớn đều là các ca bệnh chưa tiêm vaccine hoặc kèm bệnh lý nền nên bệnh nhân trở nặng khi mắc COVID-19” – ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, người dân cố gắng hiểu và đừng quá lo ngại về tác dụng không tốt của vaccine mà hãy nghĩ đó là vũ khí đã cứu chúng ta thoát khỏi đại dịch. Có vaccine sẽ giúp người dân bình tĩnh chờ đón những đợt sóng mới của COVID-19, hoặc của những đại dịch khác.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cũng cho biết, tỉ lệ chống chỉ định với vaccine rất thấp, chỉ chống chỉ định khi đã có phản vệ với thành phần của vaccine. Chúng ta nên có phương pháp phòng chống phản vệ đó một cách tiêu chuẩn.

“Tất cả những trường hợp tử vong do tiêm vaccine, những trường hợp không rõ nguyên nhân thì chúng tôi không dám nói nhưng những trường hợp sốc phản vệ ngay lúc tiêm nếu được cấp cứu tốt thì đều qua được hết” – ông Hiếu cho hay.

Chuyên gia cũng đề xuất, việc tiêm chủng cần tiêu chuẩn hóa lại, để điều dưỡng ở xã, nhân viên y tế xã, không phải là bác sĩ thì cũng có thể cấp cứu được trường hợp sốc phản vệ. Lúc đó biến chứng nặng do tiêm vaccine sẽ rất ít. Còn tỉ lệ dị ứng thông thường cũng có nhưng đa phần sẽ mất đi.

"Do vậy, người dân đừng lo ngại tiêm vaccine phòng COVID-19. Nhiều người nói tiêm vaccine xong bị đái tháo đường, đau nhiều, đau đầu, sốt, người yếu hơn... tất cả những điều đó chưa có bằng chứng khoa học.

Cũng có người nói tiêm vaccine phòng COVID-19 xong bị ho, sốt, viêm phổi như bị COVID-19 là điều không đúng. Người dân nên tin tưởng vào những khuyến cáo của ngành y tế, hệ thống y tế" - PGS Lân Hiếu chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề những phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 khiến nhiều người lo ngại, TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, luôn luôn có tác dụng phụ khi tiêm vaccine. Tuy nhiên hầu hết tác dụng phụ là nhẹ và những biến cố bất lợi rất hiếm, cực kỳ hiếm.

Nhưng kể cả có những tác dụng phụ như thế, chúng ta vẫn thấy lợi ích của vaccine cao hơn rủi ro, các dữ liệu bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 sử dụng trên toàn thế giới là rất an toàn.

“Đối với mũi 3, mũi 4, khi thực hiện tiêm vaccine, chúng ta đều có các hệ thống toàn quốc phát hiện biến cố bất lợi, các tác dụng phụ. Khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine thì các bệnh viện, phòng khám đều sẵn sàng để có thể phát hiện cũng như đối phó với các trường hợp bị biến cố bất lợi, đặc biệt những biến cố nặng như sốc phản vệ…” – bà Socorro nói.

Bà cho rằng cần phải giải thích cho người dân rõ ràng rằng việc tiêm vaccine có tác dụng phụ là hoàn toàn bình thường để họ hiểu. Đặc biệt, cần phải giải thích rất rõ ràng đối với những trường hợp nặng. Việc có biến cố bất lợi của vaccine không phải là rào cản hay chỉ số để chúng ta không sử dụng vaccine.

NHƯ LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-khi-tiem-vaccine-covid-19-bi-tieu-duong-nguoi-yeu-hon-post688883.html