Sáu kiến nghị hỗ trợ ngành ngân hàng của Phó Chủ tịch Seabank
Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19, các chính sách hành lang pháp lý sẽ cần có những điều chỉnh, để phù hợp với tình hình thực tại.
Tại Hội nghị Quốc hội với doanh nhân, doanh nghiệp diễn ra vào chiều nay (10/7), bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực hội đồng ngân hàng TMCP Đông Nam Á Seabank cho biết, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, vì vậy nền kinh tế cần có một hệ thống ngân hàng vững mạnh, cung cấp đầy đủ nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, vừa phải thu hút nguồn lực khác như nhận tiền gửi từ người dân, tổ chức và cũng vừa cung cấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động, song phải cân bằng đảm bảo dự phòng bắt buộc, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực hội đồng ngân hàng TMCP Đông Nam Á Seabank.
“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhưng ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả, điều đó cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự vững mạnh nhất định, đạt được các tiêu chuẩn và hòa nhập với hệ thống tài chính thế giới. Nhiều ngân hàng trong đó có Seabank đã hoàn thành cả 3 trụ cột Basell II, đạt được mức cao trong xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới”, bà Nga chia sẻ.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, các ngân hàng cũng cần nhìn nhận, đối phó trực diện và thích ứng với các rủi ro ngay từ hôm nay.
Trong đó, ngân hàng là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, ngoài tuân thủ luật doanh nghiệp và các quy định chung, thì ngân hàng phải tuân theo luật tổ chức tín dụng (TCTD) và các quy định ngặt nghèo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động tài chính ngân hàng luôn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu chặt chẽ trước khi ban hành.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19, các chính sách hành lang pháp lý sẽ cần có những điều chỉnh, để phù hợp với tình hình thực tại. Vì vậy, nữ doanh nhân cũng đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như:
Thứ nhất, việc nghiên cứu xây dựng luật giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi bổ sung luật giao dịch điện tử từ năm 2005, để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan là công tác cần được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành ra soát, sửa đổi bổ sung việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử, trong các Thông tư liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng nói chung, từ đó xây dựng hành lang pháp lý 1uan trọng giúp các ngân hàng hoàn thiện mục tiêu chuyển đổi số định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, về quản lý ngoại hối, cần nghiên cứu điều chỉnh pháp lệnh ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, theo hướng không phân biệt đầu tư gián tiếp và trực tiếp như quy định tại luật đầu tư. Đồng thời định hướng quản lý phù hợp với các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, về hoạt động xử lý nợ xấu thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý trong việc xử lý nợ, nhằm hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, vì vậy cần nghiên cứu ban hành văn bản gia hạn.
Thứ tư, về phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng, đề xuất bổ sung vào luật các tổ chức tín dụng hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết, để mở rộng hoạt động như nghiệp vụ đại lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng, đại lý quản lý tài sản, hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp,...
Thứ năm, hỗ trợ chính phát triển chính sách tiền tệ ổn định trong và sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao cùng những chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, rất mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng, để hỗ trợ đúng, đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc thù cần có hành lang pháp lý cho việc quản lý các bất động sản từ chủ đầu tư dự án, để các tổ chức tín dụng có cơ sở cấp tín dụng với các dự án này. Bên cạnh đó, có cơ sở nhận được các tài sản làm tài sản đảm bảo.
“Với yêu cầu đảm bảo giữ vững hoạt động ổn định, vững mạnh của ngân hàng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, với nhiều khó khăn và rủi ro từ việc các doanh nghiệp không thể trả nợ, dẫn đến áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc lớn, chúng tôi mong rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao và hỗ trợ hoạt động hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, để tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tôi cũng mong cộng đồng doanh nghiệp đồng cảm với ngành ngân hàng, chung tay với ngành ngân hàng vì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp”, bà Nga bày tỏ.