Sâu lắng cầu truyền hình 'Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam'
Cầu truyền hình 'Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam' là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Liên khúc các bài hát thể hiện tình yêu của thiếu nhi với Bác Hồ: "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ," "Nhớ ơn Bác," "Mong Bác vô Nam," "Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác" được thể hiện trong trẻo qua lời ca, tiếng hát của các em thiếu nhi tại các điểm cầu đã mở màn cho chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam” diễn ra tối 18/5.
Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam; các tỉnh, thành ủy Tuyên Quang, Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Tháp thực hiện tại 5 điểm cầu Hà Nội (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch), Nghệ An (Khu di tích Kim Liên), Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Nhà rồng), Tuyên Quang (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào) và Đồng Tháp (Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Bí thư các thành ủy, tỉnh ủy một số địa phương; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lão thành cách mạng đã tham dự chương trình tại các điểm cầu.
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam” là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Chương trình nhằm giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua đó mỗi người rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay, cho lớp trẻ trong tương lai.
Đặc biệt, chương trình được thực hiện trong năm 2020 - năm bản lề quan trọng, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng; góp phần tạo nên một tinh thần phấn chấn, hồ hởi cho đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân.
Với từ khóa “ý chí” làm nội dung xuyên suốt, chương trình thể hiện ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc.
Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Với ý chí sắt đá, Người đã trải qua biết bao khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ý chí Hồ Chí Minh, ý chí người cộng sản Việt Nam là một ngọn lửa bất diệt, được cả thế giới công nhận, tôn vinh và trở thành biểu tượng cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày hôm nay. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Bác Hồ cho đến ngày nay đều chung một ý chí, ý chí Hồ Chí Minh - ý chí toàn dân tộc.
Chương trình gồm 5 chương, trong đó Chương 1 với chủ đề “Người trai chí lớn” và Chương 2 “Đi tìm mùa xuân độc lập” đã tái hiện hoàn cảnh ra đi tìm đường cứu nước của người trai chí lớn Nguyễn Tất Thành.
Ngày 5/6/1911, chính tại Bến Nhà Rồng, Người đã đặt bước chân thế kỷ lên đường hướng về phía Tây trên con tàu Đô đốc Latouche Treville “đi tìm mùa xuân độc lập.”
Chuyến ra đi của một thanh niên 21 tuổi đã trở thành chuyến đi huyền thoại; là cột mốc quan trọng thay đổi vận mệnh nước nhà. Bước lên con tàu với hai bàn tay trắng, với trái tim mang nặng nỗi đau mất nước, Người có ý chí lớn lao: mang hòa bình, độc lập về cho Tổ quốc và mang tự do về với mọi người dân.
Tháng 7/1945, tại lán Nà Nưa, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “... Dù có phải đốt cả Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập.”
Câu nói không chỉ là ý chí quyết tâm giành độc lập của Người mà còn là ý chí, nguyện vọng, ước mơ của cả dân tộc; nguyện kiên quyết giành độc lập cho dân tộc.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Người từng nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Giao lưu trong chương trình, Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Quốc gia St.Petersburg (Nga) nhấn mạnh bước trưởng thành về tư duy cách mạng của Người.
Các khách mời nhận định đây chính là thời gian Người tư duy, quan sát, nghiên cứu, xác lập một hệ thống tư tưởng; kiên trì tìm ra con đường đúng đắn “tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội” mặc dù thử thách tiếp tục đến với chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc.
Giây phút có mặt trên Quảng trường Ba Đình, nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, lắng nghe Người đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là những giây phút thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người dân nước Việt.
Tình cảm thiêng liêng ấy, niềm tin son sắt ấy sẽ đi theo mỗi người suốt cuộc đời.
Từ giây phút ấy, tinh thần Hồ Chí Minh đã hiện diện trong mỗi con người và đi theo dân tộc Việt Nam trong suốt quãng đường gập ghềnh sau này.
Và trong chương 3 với chủ đề “Một nhà thống nhất” đã truyền tải tinh thần bất diệt của Người: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (17/7/1966).
Qua đó, hình ảnh Người đã hình thành trong mỗi người dân Việt Nam một tình cảm sâu nặng, một niềm tin mãnh liệt vào con đường Người đã chọn.
Lời kêu gọi đó đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp các phong trào đấu tranh của đồng bào Nam Bộ, trong đó tiêu biểu có cậu bé “dũng sỹ diệt Mỹ” Võ Phổ - người 12 lần được phong dũng sỹ diệt Mỹ, 16 tuổi được ra Hà Nội gặp Bác Hồ với chiếc chân đau còn găm 11 mảnh đạn.
Dù thời gian đã trôi qua, ông Võ Phổ cùng đồng đội đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, song mỗi khi ôn lại những kỷ niệm với Bác Hồ và ý chí thống nhất Nam Bắc của Người, ông không dấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào. Với những “dũng sỹ diệt Mỹ” năm xưa như ông Võ Phổ, ông Sáu Triều, bà Năm Sương, bà Chín Trung…, dù thời gian có trôi qua, những lời dạy của Bác còn luôn ở trong trái tim.
Tiếp nối mạch cảm xúc, Chương 4 “Âm thanh ngày mới” đã nêu cao tư tưởng độc lập, tự do cho nhân dân của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.” Do đó, ngay từ những ngày đầu độc lập, Người đã đưa ra mong muốn về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.
Sau ngày thống nhất, đất nước bước vào cuộc trường chinh xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,” mang lại hạnh phúc cho nhân dân với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Người “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.”
Ý chí của Người, ý chí của dân tộc Việt Nam đã trở thành sức mạnh toàn dân, toàn quân, dẫn dắt đất nước ta đến tương lai rạng rỡ. Nét đẹp của non sông đất nước được thể hiện qua Chương 5 của chương trình với tên gọi “Rạng rỡ Việt Nam.”
Những kỳ tích mang tên Việt Nam ngày hôm nay, mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam từ khi có Bác Hồ cho đến ngày nay đều là kết quả của ý chí Hồ Chí Minh - ý chí toàn dân tộc.
Trong suốt những tháng đầu năm 2020, Việt Nam cùng với các quốc gia khác đứng trước thử thách do đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, cả dân tộc chung một ý chí “chống dịch như chống giặc,” trong đó đi đầu là ngành y, quân đội, công an, chính quyền các địa phương và toàn thể đồng bào.
Tiếp nối và lan tỏa ý chí Hồ Chí Minh - ý chí dân tộc Việt Nam, sáng 18/5/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Người là biểu tượng về ý chí, nghị lực và sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người luôn nêu gương sáng về tính kiên định, bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tấm gương gần dân, tin dân, yêu thương, quý trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư."
"Người là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, là sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của Hồ Chí Minh không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình."
"Vì thế, Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức để trở thành những người chiến sỹ cách mạng mẫu mực. Người là hiện thân của nếp sống giản dị, trong sáng, yêu lao động, coi khinh sự xa hoa, không một chút ham muốn công danh phú quý cho bản thân. Cả cuộc đời Người dấn thân chỉ với một mục đích 'phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.'"
"Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”
Lời ca thiết tha “Và tôi yêu, và tôi hát, lời yêu thương, lời bỏng cháy/Tháng ngày này đất nước ơi, Tổ quốc của chúng tôi...” của bài hát "Giai điệu Tổ quốc" do nhạc sỹ Trần Tiến sáng tác được các nghệ sỹ tại 5 điểm cầu trình bày, khép lại Chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam.”./.