Sau lời đe dọa của ông Trump, Canada sẽ làm gì tiếp theo

Ngay trước khi nhậm chức tổng thống, ông Trump đã khiến chính phủ Canada rơi vào tình trạng hỗn loạn với những lời đe dọa thuế quan.

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã từ chức hôm 16/12.

Trong thư từ chức, bà Freeland cho biết quyết định này xuất phát từ việc không còn lựa chọn nào sau khi Thủ tướng Justin Trudeau đề xuất chuyển bà sang vị trí khác trong nội các. Bà cũng nêu rõ nguyên nhân sâu xa là do bất đồng quan điểm về định hướng phát triển đất nước.

Bà Freeland được cho bất đồng quan điểm với Thủ tướng Trudeau về cách đối phó với mức thuế quan cứng rắn mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt.

Guardian nhận định ít nhất, một người dường như hài lòng trước sự xáo trộn chính trị ở Canada sau việc phó thủ tướng nước này bất ngờ từ chức.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump có động thái dường như châm chọc thủ tướng Canada, chia sẻ ông Trudeau có thể chuyển sang chức "thống đốc" và liên tục gợi ý rằng Canada nên xem xét việc trở thành một bang của Mỹ. Các nhà phân tích chính trị xem đây như "bản thử nghiệm trước" về những gì có thể xảy ra vào năm 2025.

 Bà Chrystia Freeland từng là đồng minh thân thiết của Thủ tướng Justin Trudeau. Ảnh: Reuters.

Bà Chrystia Freeland từng là đồng minh thân thiết của Thủ tướng Justin Trudeau. Ảnh: Reuters.

Kết quả không như ý

Cuộc khủng hoảng một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về tương lai chính trị của ông Trudeau, cũng như cách phản ứng ngoại giao phù hợp dành cho Canada và các quốc gia khác khi chuẩn bị đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Lời đe dọa áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ từ Canada và Mexico của ông Trump được cho nhằm buộc hai nước này phải kiểm soát tình trạng buôn lậu ma túy, hạn chế dòng người nhập cư trái phép tràn qua biên giới vào Mỹ.

Đây được xem là hành động gây hấn ngoại giao chưa từng có đối với hai quốc gia đồng minh và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đẩy ông Trudeau - cùng với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum - vào thế vội vàng tìm cách ứng phó, theo Guardian.

Ngay ngày hôm sau, ông Trudeau vội vã đến Florida để gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, nơi thủ tướng Canada cam kết sẽ xem xét việc tăng cường an ninh biên giới.

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau rời khỏi một khách sạn ở West Palm Beach, Florida, hôm 29/11 trên đường đến gặp ông Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tổng thống đắc cử Mỹ. Ảnh: New York Times.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau rời khỏi một khách sạn ở West Palm Beach, Florida, hôm 29/11 trên đường đến gặp ông Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của tổng thống đắc cử Mỹ. Ảnh: New York Times.

Hai người được chụp ảnh đang ăn tối cùng nhau và mỉm cười. Có lẽ ông Trudeau hy vọng mình có thể xoa dịu căng thẳng. Đây là nhà lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia G7 gặp ông Trump kể từ khi ông đắc cử, và chuyến thăm được coi là thành công ở Canada.

Nhưng sau đó, ông Trump có những động thái dường như châm chọc đối với ông Trudeau. Khi đội ngũ của ông Trudeau công bố kế hoạch trị giá 1,3 tỷ USD để củng cố an ninh biên giới và giám sát, tổng thống đắc cử Mỹ mô tả động thái này như chiến thắng cá nhân.

“Ông Trump đang bảo vệ biên giới ngay cả trước khi chính thức nhậm chức”, theo thông cáo báo chí từ nhóm chuyển giao của ông Trump. “Đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính người dân của mình, Thủ tướng Justin Trudeau, người đang gặp khó khăn, vừa thông báo kế hoạch trị giá hàng tỷ USD để cải thiện an ninh biên giới và tăng cường tuần tra”.

Dennis Pilon, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại Đại học York ở Toronto, nhận định việc cố gắng trao cho ông Trump những gì ông ấy muốn hầu như không bao giờ mang lại kết quả cho bất cứ ai.

“Ông ấy (Trump) càng có nhiều, ông ấy càng muốn nhiều hơn. Ông ấy không tôn trọng những người nhượng bộ, ông ấy chỉ tôn trọng người hoàn toàn trung thành", ông nhận định.

Đoàn kết

Trái ngược hoàn toàn với nỗ lực xoa dịu của ông Trudeau, Doug Ford, thủ hiến tỉnh Ontario, lên tiếng chỉ trích kế hoạch của ông Trump.

Ông đã tham gia chương trình truyền thông Mỹ để mô tả các mức thuế quan là sai lầm nghiêm trọng đối với hai quốc gia có nền kinh tế và chuỗi cung ứng gắn bó chặt chẽ.

“Bạn biết đấy, cả hai bên biên giới đều sẽ chịu tổn thất. Chúng ta dựa vào nhau”, ông Ford nói với CNN.

 Cuộc khủng hoảng làm dấy lên câu hỏi về cách phản ứng ngoại giao phù hợp dành cho Canada, cũng như các quốc gia khác khi chuẩn bị đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Cuộc khủng hoảng làm dấy lên câu hỏi về cách phản ứng ngoại giao phù hợp dành cho Canada, cũng như các quốc gia khác khi chuẩn bị đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Ông cũng đe dọa sẽ cắt giảm xuất khẩu năng lượng sang Mỹ nếu các mức thuế quan trên được thực thi. Tuy nhiên, sau cảnh báo từ các thủ hiến khác, ông đã có giọng điệu mềm mỏng hơn.

Vào hôm 16/12, thủ hiến của các tỉnh và vùng lãnh thổ Canada đã họp để thảo luận về mối đe dọa thuế quan, đồng thời thể hiện sự đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề này.

Trong bối cảnh quốc hội nghỉ lễ đến đầu năm mới, tiếng nói mạnh mẽ của các thủ hiến là cách tốt nhất để Canada duy trì trọng tâm vào vấn đề thuế quan, Jean-Rodrigue Paré, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ottawa, nhận định.

“Ông Trump rất khó đoán, vì vậy lúc này điều cần làm là… xây dựng chiến lược để bảo vệ nền kinh tế Canada trước những mối đe dọa này”, ông nói.

Theo Paré, việc các thủ hiến thể hiện sức mạnh rất quan trọng, đặc biệt khi ông Trudeau đang “ở trong tình thế yếu” sau khi phó thủ tướng của ông từ chức.

“Ông Trump chắc chắn đang lợi dụng điều đó”, ông nói thêm.

Kể từ khi bà Freeland ra đi, ông Trudeau đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức, từ cả bên ngoài lẫn bên trong đảng của ông. Việc mất đi một đồng minh quan trọng như vậy được cho là đòn giáng nghiêm trọng với thủ tướng Canada.

Tuy nhiên, bất kể ông Trudeau có còn nắm quyền trong những tháng tới hay không, kế hoạch áp thuế của ông Trump dường như sẽ không sớm biến mất, Paré cho biết.

Các quốc gia như Canada sẽ phải tìm cách ứng phó với viễn cảnh nền kinh tế của họ bị đảo lộn.

“(Ông) Trump là hằng số không thể thay đổi”, ông Paré nói. “Điều này sẽ xảy ra, bất kể ai nắm quyền vào lúc này”.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-loi-de-doa-cua-ong-trump-canada-se-lam-gi-tiep-theo-post1519479.html