Sau một hồi 'nhảy múa', giá vàng tuần tới được dự đoán ra sao?
Nhiều chuyên gia nhận định, vàng sẽ tiếp tục biến động 'đi ngang và giật cục' cho đến khi có một nhân tố cơ bản đủ mạnh để phá vỡ vùng giá hiện tại.
Giá vàng 'nhảy múa' tuần qua
Giá vàng thế giới vừa ghi nhận một tuần đầy biến động. Bất chấp các dữ liệu kinh tế tích cực, giá vàng đi lên do lo ngại về rủi ro địa chính trị và nợ công.
Giá vàng giao ngay khởi đầu tuần ở mức 3.271 USD/ounce và có thời điểm giảm xuống dưới 3.250 USD/ounce - mức thấp nhất tuần. Tuy nhiên, sau đó giá vàng đảo chiều và bắt đầu tăng đều. Giá đã vượt mốc 3.356 USD, trước khi quay đầu giảm nhẹ do áp lực bán kỹ thuật và ảnh hưởng từ báo cáo việc làm phi nông nghiệp.
Tuy vậy, thị trường nhanh chóng hồi phục, giá vàng đã quay lại vùng 3.337 USD/ounce và duy trì trong biên độ hẹp cho tới kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7.
Giá vàng tuần tới ra sao?
Đề cập giá vàng tuần tới, ông Adam Button, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com, cho rằng diễn biến của đồng USD chính là nhân tố giải thích điều bất thường này.
Theo ông, việc đồng bạc xanh tăng nhẹ sau báo cáo việc làm nhưng rồi nhanh chóng đảo chiều cho thấy xu hướng bán USD vẫn đang chiếm ưu thế trong năm nay. “Khi đồng USD tiếp tục suy yếu, vàng sẽ tiếp tục hưởng lợi”, ông nói.

Dự đoán giá vàng tuần từ ngày 7/7 - 11/7
Trong khảo sát dự báo giá vàng tuần tới của Kitco, các chuyên gia phân tích vẫn chia rẽ làm nhiều phe, trong đó có tới 36% người tham gia khảo sát dự báo giá sẽ tăng, 28% dự báo giảm, và 36% cho rằng vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, giới đầu tư nhỏ lẻ tỏ ra lạc quan hơn, với 59% số người tham gia kỳ vọng vàng sẽ tăng trong tuần tới.
Một góc nhìn dài hạn hơn được đưa ra bởi Rich Checkan - Chủ tịch kiêm COO của Asset Strategies International. Ông cảnh báo việc Mỹ liên tục mở rộng chi tiêu đang đẩy nợ công đến những ngưỡng khó tưởng tượng. “Chúng ta đang nói đến một dự luật thuế trị giá 4.000 tỷ USD, cộng thêm khoản nợ 2.000 tỷ mỗi năm - tức hơn 50.000 tỷ USD nợ công vào năm 2035”, ông nói.
Ông cũng cho rằng khi thế giới ngày càng tỉnh táo trước thực trạng chi tiêu vượt kiểm soát, vàng sẽ nổi lên như lựa chọn phòng thủ tất yếu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Adrian Day - Chủ tịch của Adrian Day Asset Management – lại thận trọng hơn, cho rằng một số yếu tố tiêu cực có thể cùng lúc xuất hiện và làm lu mờ vai trò của vàng. Trong đó, ông chỉ ra khả năng Fed hạ lãi suất sớm trong tháng này, các thỏa thuận thuế quan mới và sự suy giảm mua vào từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh nếu có điều chỉnh cũng chỉ ở mức nhẹ và ngắn hạn.
Giữa những luồng quan điểm trái chiều, Colin Cieszynski - Trưởng chiến lược gia thị trường tại SIA Wealth Management - tin rằng vấn đề lớn hơn nằm ở vị trí khó xử của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo ông, lạm phát đã hạ nhiệt đủ để mở ra dư địa cắt giảm lãi suất, nhưng kinh tế lại đang tăng trưởng tốt, khiến quyết định cắt lãi trong lúc này dễ bị hiểu sai là dấu hiệu của suy thoái. “Việc cắt lãi trong một nền kinh tế đang mạnh sẽ thổi bùng lại áp lực lạm phát, đặc biệt khi các đợt thuế quan mới cũng đang góp phần đẩy giá lên”, ông cảnh báo.
Một số chuyên gia như Marc Chandler từ Bannockburn Global Forex vẫn giữ quan điểm thận trọng hơn. Dự báo giá vàng tuần tới, ông cho rằng đà phục hồi của vàng vẫn còn mong manh, và giá có thể quay về vùng 3.250 USD hoặc thấp hơn.
“Dữ liệu việc làm mạnh và lãi suất tăng đang gây áp lực lớn lên vàng”, ông nói.Cùng quan điểm này, Sean Lusk - đồng Giám đốc mảng phòng vệ thương mại tại Walsh Trading - đặt dấu hỏi về sự hợp lý của việc Fed cắt giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay.
Theo ông, nếu Fed cắt quá sớm, nguy cơ lạm phát quay trở lại là điều không thể coi nhẹ. Tuy nhiên, Lusk cũng cho rằng trong dài hạn, vàng vẫn có triển vọng tăng giá. “Nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ là tạm thời”, ông nói. “Chúng ta vẫn đang trong một chu kỳ tăng lớn”.
Về kỹ thuật, Darin Newsom, chuyên gia cấp cao của Barchart.com, cho rằng vàng đang dao động trong một phạm vi ngang, và hiện nằm gần điểm giữa hai vùng giá tích lũy quan trọng kể từ tháng 4. “Tôi cho rằng vàng vẫn duy trì vai trò tài sản trú ẩn, đặc biệt khi các rủi ro thuế quan của Mỹ sắp quay lại”, ông nhận định.
Jim Wyckoff - chuyên gia kỳ cựu của Kitco – thì cho rằng vàng sẽ tiếp tục biến động “đi ngang và giật cục”, cho đến khi có một nhân tố cơ bản đủ mạnh để phá vỡ vùng giá hiện tại.