Sau một loạt sai lầm của Boeing, đâu là nguyên nhân

Vào tháng 2 năm ngoái, một máy bay Boeing 737 Max mới của Southwest Airlines đang thực hiện chuyến bay đầu tiên thì hệ thống tự cân bằng đột nhiên gặp trục trặc, buộc các phi công phải hạ cánh khẩn cấp.

Chưa đầy hai tháng sau, một chiếc máy bay 737 Max khác của Alaska Airlines cũng đã phải hạ cánh trong thời gian ngắn để sửa chữa hệ thống phát hiện cháy.

Tuy nhiên, do Cục Hàng không Liên bang chưa công bố rộng rãi những sự cố trên, công chúng không nắm được thông tin về rủi ro mà họ phải đối mặt trên những máy bay Boeing. Chỉ đến khi sự cố bung cửa thoát hiểm trên máy bay Boeing 737 Max của hãng hàng không Alaska Airlines vào ngày 5/1/2024 xảy ra, thế giới mới bắt đầu đặt câu hỏi về chất lượng của những chiếc máy bay mà Boeing đang sản xuất.

Chuyên gia về an toàn hàng không Joe Jacobsen, người đã làm việc hơn một thập kỷ tại Boeing, cho biết những sự cố gần đây là kết quả tất yếu từ hàng loạt sai lầm mà Boeing mắc phải trong cả quá trình sản xuất.

Những cuộc phỏng vấn gần đây với các chuyên gia an toàn hàng không cũng như hàng chục nhân viên, cựu nhân viên của Boeing càng khiến nhiều người lo ngại về năng lực thực sự của một trong những ông lớn hàng đầu của ngành hàng không thế giới.

Nhiều người đánh giá chất lượng của máy bay do Boeing sản xuất đang giảm sút đáng kể, đặc biệt là các lớp đảm bảo an toàn cho máy bay. Một công nhân làm việc tại nhà máy 787 Dreamliner của Boeing ở North Charleston, Nam Carolina, cho biết đã phát hiện nhiều vấn đề trên các máy bay đang được lắp ráp, như dây dẫn chưa được định tuyến chính xác, dẫn đến nguy cơ hư hỏng do có thể cọ xát vào nhau.

Bên cạnh đó, trình độ tay nghề của lực lượng lao động Boeing đã giảm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Dịch bệnh khiến việc di chuyển bằng đường hàng không sụt giảm mạnh, buộc Boeing phải cắt giảm hàng chục nghìn việc làm. Kết quả, công ty đã mất khoảng 19.000 nhân viên, trong đó bao gồm những người có hàng chục năm kinh nghiệm.

Theo Hiệp hội các nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp trong hàng không vũ trụ, vào cuối năm 2022, Boeing đã cho những kỹ sư kỳ cựu nghỉ hưu để giảm phí nhân công, thúc đẩy lợi nhuận.

Giám đốc điều hành của hiệp hội này, Ray Goforth cho biết Boeing quyết tâm cắt giảm chi phí thông qua việc thay thế những nhân viên kinh nghiệm hưởng lương cao bằng các kỹ sư và công nhân kỹ thuật cấp thấp với mức lương thấp hơn.

Không những vậy, cũng vào năm đó, hơn 1.700 thành viên công đoàn đã rời công ty, tăng so với con số khoảng 1.000 của năm trước. Các thành viên rời đi trung bình đã ở công ty hơn 23 năm.

Dù Boeing đã tuyển dụng 171.000 người cho các bộ phận, tuy nhiên chủ yếu là các nhân viên ít kinh nghiệm. Hiệp hội Công nhân Máy móc và Vũ trụ Quốc tế cho biết số lượng nhân viên dưới sáu năm kinh nghiệm làm việc tại Boeing đã tăng gần gấp đôi so với mức trước đại dịch.

Năm ngoái, một nhân viên của Boeing cho biết công ty không phải lúc nào cũng đào tạo toàn diện cho nhân viên mới, thay vào đó họ phải tự học những kỹ năng quan trọng từ những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm hơn.

Ngoài ra, quá trình kiểm tra, phát hiện sai sót trong quá trình sản xuất của các thợ máy cũng không được tiến hành cẩn thận. Sau sự cố ngày 5/1, cuộc kiểm tra kéo dài sáu tuần của Cục Hàng không Liên bang Mỹ đi với hoạt động sản xuất máy bay 737 Max của Boeing đã phát hiện hàng chục sai sót trong khâu kiểm soát chất lượng của Boeing. Cơ quan này đã đặt thời hạn ba tháng để Boeing có thể giải quyết triệt để các vấn đề kiểm soát chất lượng.

Áp lực thời gian cũng là một yếu tố khiến chất lượng của máy bay Boeing không được đảm bảo. Giới hạn sản xuất đối với dòng Boeing Max 8 và Max 9 hiện khoảng 30 chiếc mỗi tháng. Tuy nhiên, Đài ABC News cho biết Boeing vẫn luôn mong muốn tăng sản lượng của dòng máy bay này.

Một số nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa đáp ứng tiến độ thời gian mà Boeing đặt ra. Nhiều nhân viên cho biết họ cảm thấy áp lực do nội bộ ban lãnh đạo cấp cao của Boeing đã ưu tiên đẩy nhanh quá trình sản xuất để có thể giao những chiếc máy bay của hãng đến khách hàng càng sớm càng tốt.

Theo một nhân viên của Boeing hiện đã về hưu, chính áp lực to lớn về thời gian đã ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và chất lượng công việc của các nhân viên sản xuất máy bay Boeing. Không ít lần cựu nhân viên này đã phải làm việc liên tục từ 10 đến 12 giờ đồng hồ mỗi ngày để kịp xuất xưởng máy bay.

Dưới áp lực từ các cơ quan quản lý, hãng hàng không và hành khách, Boeing đã công bố những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo vào ngày 25/3.

Giám đốc điều hành Dave Calhoun tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay. Không chỉ có ông Calhoun, Chủ tịch tập đoàn Boeing Larry Kellner và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Boeing Commercial Airplanes Stan Deal cũng là những người sẽ rời khỏi ghế đang nắm giữ.

Sắp tới, Boeing sẽ phải đưa ra thêm nhiều thay đổi hơn để cải thiện chất lượng máy bay sản xuất, lấy lại niềm tin của khách hàng cũng như các đối tác.

An Thái

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quoc-te/sau-mot-loat-sai-lam-cua-boeing-dau-la-nguyen-nhan/184498.htm